8 loại thức ăn có nguy cơ gây dị ứng

Khái niệm ‘dị ứng thực phẩm’ có vẻ lạ lẫm với một số người, và nhiều bậc phụ huynh tại Úc vẫn tin rằng chỉ cần tập cho trẻ quen dần thì trẻ có thể ăn bất kỳ món nào. Nhưng điều đó có thể không đúng!

Food allergy in children

Source: Mom Junction

Nghiên cứu cho thấy cứ trong 10 đứa trẻ ở Úc thì sẽ có một đứa trẻ bị mắc chứng dị ứng thực phẩm (food allergy), và các ca nhập viện vì sốc phản vệ (anaphylaxis) đã tăng 50% từ năm 2004 - 2012. 

Dị ứng thực phẩm xảy ra khi nào?

Khi cơ thể có một phản ứng miễn dịch bất thường đối với một loại thực phẩm vô hại với những người khác, và sản sinh ra kháng thể chống lại chất đạm trong loại thực phẩm đó. 

Khi đó, các hóa chất bảo vệ được phóng thích và gây viêm tấy, thậm chí ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch, da hoặc đường tiêu hóa.

Những triệu chứng của dị ứng thực phẩm là gì?

Bao gồm: 

  • Hạ huyết áp, chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu
  • Môi và cổ họng sưng tấy, buồn nôn, phù nề và tiêu chảy
  • Lưỡi và cổ họng bị khô và ngứa, ho, hơi thở ngắn và nghẹt mũi.
  • Da ngứa hoặc nổi mụn, phát ban, mắt đau nhức, đỏ và ngứa.
Trong trường hợp nghiêm trọng, dị ứng thực phẩm có thể gây ra một phản ứng đe dọa tới tính mạng được gọi là sốc phản vệ.

Sốc phản vệ tác động tới toàn bộ cơ thể trong vòng vài phút sau khi ăn thực phẩm dị ứng. Những người có nguy cơ sốc phản vệ được khuyên là nên mang theo thuốc EpiPen để dùng khi khẩn cấp.

Hãy hỏi bác sĩ gia đình của bạn để biết thêm chi tiết.
Food allergy in children
Source: Mom Junction

Nhận biết 8 thủ phạm chính

Có hơn 160 loại thực phẩm có thể gây dị ứng ở trẻ em, nhưng nhìn chung thủ phạm đằng sau 90% ca dị ứng chỉ gói gọn trong 8 loại thức ăn là thủ phạm của đến 90% trường hợp dị ứng do thực phẩm:

  • sữa
  • trứng
  • hải sản
  • hạt cây
  • lạc
  • đậu nành
  • lúa mì
1. Sữa
Khoảng 2-3% trẻ nhỏ bị dị ứng với sữa động vật, chẳng hạn như sữa bò, sữa dê, sữa cừu, v.v. Dị ứng này liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể bé, chống lại một trong hai loại đạm có trong sữa là casein và whey protein. Đặc biệt, khoảng 10% trẻ dị ứng sữa bò sẽ phản ứng với thịt bò.

2. Trứng
Khoảng 1.5% trẻ nhỏ bị dị ứng với trứng gà, trứng vịt hoặc trứng ngan. Phần lớn các chất đạm gây dị ứng nằm trong lòng trắng trứng, và ngay cả khi bạn chế biến trứng ở nhiệt độ cao thì khả năng gây dị ứng vẫn không suy giảm. Tuy nhiên, thịt gà hay thịt vịt thường không gây dị ứng.

3. Cá
Dị ứng với cá, hay cụ thể hơn là chất đạm parvalbumin trong cá, thường bắt đầu ở tuổi trưởng thành. Những người dị ứng một loại cá thường cũng bị dị ứng với những loại cá khác, vì vậy tránh ăn cá là biện pháp duy nhất để phòng ngừa.

4. Hải sản
Dị ứng với hải sản có vỏ cứng bao gồm tôm cua, trai, sò, ốc, hến, ngao, mực, bạch tuộc... Triệu chứng dị ứng bao gồm phản ứng ngứa nhẹ ở miệng, đường tiêu hóa và hô hấp, cho tới phản ứng sốc phản vệ toàn thân.
milk, egg, fish, seafood
Source: VAR
5. Lạc (đậu phộng)
Lạc là cây họ đậu có nguồn gốc Nam Mỹ, cùng họ với các loại đậu hạt, đậu nành. Thủ phạm gây dị ứng lạc là các chất đạm dự trữ trong hạt, tức nguồn dinh dưỡng cho sự tăng trưởng của cây sau này. 

Hai loại đạm gây dị ứng mạnh nhất là vicilin và albumin, vẫn bền vững ở nhiệt độ cao, tuy nhiên lạc nướng gây dị ứng nhiều hơn lạc luộc hay rang.

6. Hạt
Các loại hạt như hạt dẻ, hạt điều, hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ cười, hạt thông… được coi là thực phẩm có tiềm năng gây dị ứng lớn nhất. Phản ứng dữ dội với hạt có thể bị kích hoạt bởi một lượng thực phẩm cực nhỏ (đôi khi chỉ là tiếp xúc qua da hoặc qua đường thở). Do đó, người bị dị ứng cần tuyệt đối tránh các thực phẩm này.

7. Lúa mì
Một số người bị chứng không thể dung nạp gluten, một loại chất đạm có trong lúa mì, yến mạch, lúa mạch, lúa mạch đen... Các biểu hiện thường bao gồm phản ứng cục bộ nhẹ của da, họng và ruột. 

8. Đậu nành
Dị ứng với đậu nành chủ yếu được ghi nhận ở trẻ nhỏ bị chàm. Các bé thường thoát khỏi dị ứng sau 1-2 năm không đùng đậu nành. Hiện tượng này ít gặp ở người lớn. Hít phải bột đậu nành khi làm việc cũng có thể dẫn tới các biểu hiện hô hấp như viêm mũi hay hen.
wheat, soy, peanut, seeds
Source: VAR

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ dị ứng thực phẩm

Để hỗ trợ các học sinh bị dị ứng thực phẩm và có nguy cơ sốc phản vệ, nhiều trường học đã yêu cầu phụ huynh:

  • Không mang thức ăn có chứa lạc, hạnh nhân, hạt điều hay các loại hạt khác trong thành phần chính.
  • Dạy cho bé không chia sẻ thức ăn với những bạn bị dị ứng thực phẩm
  • Khuyến khích bé rửa tay sau khi ăn
  • Dạy cho bé cách kêu gọi giúp đỡ nếu bị dị ứng
  • Và quan trọng nhất là, không trêu chọc những bạn bị dị ứng hay lấy thuốc của bạn, vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Dị Ứng Thực Phẩm và Sốc Phản Vệ, có thể gọi cho tổ chức qua số điện thoại 1300 728 000.


Share
Published 26 May 2016 6:39pm
Updated 12 August 2022 2:59pm
By Trinh Nguyen, Đăng Trình

Share this with family and friends