Cuộc khủng hoảng ở Afghanistan gợi cho người Việt tị nạn những ký ức đau thương Sài Gòn 1975

Cuộc khủng hoảng đang xảy ra tại Kabul mang nét tương đồng nổi bật với sự sụp đổ của Sài Gòn vào năm 1975, theo những người tị nạn Việt Nam nay định cư tại Úc sau Chiến tranh Việt Nam. SBS tiếng Việt trò chuyện với một cựu quan chức ngoại giao và hai nhà báo về sự sụp đổ tại Kabul, và những mối tương đồng với hình ảnh Sài Gòn tháng 4/1975, cũng như những gì thế giới có thể mong đợi sau đó.

Crowded swimming pool at US Embassy, Fall of Saigon 1975

Evacuees inside the US Embassy surround the swimming pool as helicopter rescues stranded civilians trying to escape North Vietnamese troops. Source: Corbis Historical

Highlights
  • Trong những hình ảnh tương tự như ở Việt Nam tháng 4/1975, Hoa Kỳ đã sơ tán nhân viên khỏi nóc toà đại sứ quán của họ tại Kabul.
  • Ông Nguyễn Vi Tuý nói trong những ngày miền Nam thất thủ, cũng xuất hiện hình ảnh đu càng trực thăng để di tản, nhưng lần này người hạ sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà đã may mắn sống sót.
  • Nhà báo độc lập Hồng Nga đang theo dõi diễn biến Afghanistan từ London tin rằng Mỹ sẽ quay trở lại Afghanistan, giống như ở Việt Nam.
Hơn một tuần qua, Úc và thế giới đang dõi theo cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ tại Afghanistan diễn ra đầy kịch tính, và có lẽ đây là những hình ảnh cuối cùng.

Sau nhiều tháng, Taliban đã liên tiếp tấn công hàng loạt tỉnh thành thuộc Afghanistan, quân nổi dậy đã đánh chiếm thủ đô Kabul chỉ trong vài ngày, trong khi quân chính phủ liên tục bị thất thủ.

Hình ảnh hỗn loạn tại sân bay Kabul cho đến nay vẫn chưa giảm bớt, khi các quốc gia như Úc và Mỹ đang cố gắng sơ tán công dân của họ và các nhân viên hợp tác tại địa phương (LEE), những người đã hỗ trợ quân đội của liên minh trong cuộc xung đột. 

Những cảnh quay xúc động đã chạm đến những ký ức mà nhiều người trong cộng đồng người Việt tại Úc đã trải qua, vài chục năm trước trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Việt Nam.

Tháng 4 năm 1975, quân cộng sản Bắc Việt chiếm hết thành phố này đến thành phố khác tại miền Nam Việt Nam với khí thế cũng khiến các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ lúc bấy giờ kinh ngạc.

Và cũng giống như Kabul, Sài Gòn sụp đổ nhanh chóng hơn người Mỹ dự kiến nên họ đã phải di tản nhanh chóng công dân Mỹ và ngoại quốc bằng trực thăng.

Nhà báo Nguyễn Vi Tuý, chủ bút báo Chiêu Dương tại Sydney đã tận mắt trải nghiệm những gì diễn ra ở Việt Nam trong ngày Sài Gòn thất thủ.

Ông tin rằng những hình ảnh hiện tại được nhìn thấy ở thủ đô Afghanistan gợi nhớ đến những gì đã diễn ra ở quê hương cũ của ông.

‘Hình ảnh thì có quá nhiều để chúng ta thấy nó giống nhau, để mà có thể so sánh. Thí dụ như chúng ta thấy hình ảnh người dân Afghanistan bám đu vào các máy bay di tản cuối cùng, rồi lính Taliban đi dép, ăn mặc luộm thuộm và trang bị bằng những loại vũ khí do người Mỹ để lại, rồi các hình ảnh quân du kích chiếm giữ dinh tổng thống ở Kabul, rồi hình ảnh di tản các viên chức chính phủ ở trên các nóc cao ốc của người Mỹ, rồi cảnh người dân Afghanistan đốt bỏ những tàn tích cũ để thay thế cờ mới, lãnh tụ mới. Những hình ảnh đó giống hệt như ngày 30/4/1975 ở Sài Gòn.’

Ông Nguyễn Vi Tuý nói trong những ngày miền Nam thất thủ, cũng xuất hiện hình ảnh đu càng trực thăng để di tản, nhưng lần này người hạ sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà đã may mắn sống sót.

‘Khi nói về vụ bám đu vào các máy bay để vượt thoát thì tôi nhớ đến một chuyện mà tôi không bao giờ quên, đó là tôi có một người bạn là anh Trần Văn Trực là một hạ sĩ quan không quân đã phải bám vào bánh xe của một máy bay thương mãi cuối cùng rời phi trường Đà Nẵng vào ngày 29/3,  trước khi phi trường này rơi vào tay cộng sản miền Bắc, và anh là người duy nhất sống sót khi chiếc máy bay này hạ cánh phi trường Tân Sơn Nhất’.

A baby being lifted across a wall at Kabul Airport in Afghanistan by US soldiers.
A baby being lifted across a wall at Kabul Airport as desperate Afghans scramble to flee the country. Source: Omar Haidari


Trả lời phỏng vấn của SBS tiếng Việt, cựu quan chức ngoại giao Lưu Tường Quang tin rằng bản chất hai cuộc khủng hoảng tại Kabul tháng 8/2021 và tại Sài Gòn tháng 4/1975 là giống nhau, bắt nguồn từ việc Hoa Kỳ đồng ý triệt thoái quân đội ra khỏi một cuộc chiến tranh, xuất phát từ sự thỏa hiệp giữa chính phủ Mỹ với các lực lượng đối phương.

‘Trong khi việc quân đội Mỹ triệt thoái khỏi Afghanistan là theo thoả hiệp giữa ông Donald Trump và nhóm Taliban vào tháng 3/2020 thì việc quân đội Mỹ triệt thoái khỏi Việt Nam Cộng Hoà cũng xảy ra sau Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Tất nhiên từ năm 1973 đến tháng 4/1975 thì đó là một quãng thời gian dài, trong khi thoả hiệp giữa ông Donald Trump và Taliban, cũng như việc thi hành của ông Joa Biden thì chỉ xảy ra trong có mấy tháng mà thôi. Tuy nhiên đứng về phương diện bản chất thì hai cái này đều giống nhau.’

Mobs of Vietnamese people scale the wall of the U.S. Embassy in Saigon, Vietnam, trying to get to the helicopter pickup zone, just before the end of the Vietnam War on April 29, 1975.  (AP Photo/Neal Ulevich)
Mobs of Vietnamese people scale the wall of the US Embassy in Saigon, Vietnam, trying to get to the helicopter pickup zone. Source: AP


Điểm khác nhau cần chú ý, cựu quan chức ngoại giao này nói đó là sự triệt thoái năm 1975 chủ yếu là di tản thân nhân và nhân viên người Việt làm việc cho Hoa kỳ tại miền Nam.

‘Việc quy định quân đội Mỹ triệt thoái khỏi miền Nam Việt Nam xảy ra ngay sau khi hiệp định được ký kết, cho nên về phần rút lui, cái phần triệt thoái thì nó không xảy ra vào tháng 4/1975, mà vào lúc đó là sự di tản của các viên chức Toà Đại sứ Mỹ, và các viên chức phục vụ trong phái đoàn tuỳ viên quân sự Mỹ tại Việt Nam Cộng Hoà gọi tắt là DAO, cho nên nhân số triệt thoái ngày 30/4 về phía Mỹ ít người hơn. Quan trọng đó là cuộc di tản của những công dân Việt Nam đã từng hợp tác với chính phủ Mỹ với tư cách là một đồng minh của chính phủ Mỹ.’

A man cries as he watches Taliban fighters conduct crowd control over thousands of Afghans who continue to wait outside the Kabul Airport.
A man cries as he watches Taliban fighters conduct crowd control over thousands of Afghans who continue to wait outside the Kabul Airport. Source: Los Angeles Times


Hậu quả từ cuộc chiến tranh Việt Nam đã khiến người dân ồ ạt bỏ nước ra đi và sau đó tị nạn tại một số nước phương Tây, trong đó có nhà báo Nguyễn Vi Tuý trong làn sóng tị nạn đến Úc.

Sự di tản của người dân miền Nam lúc đó đã trở thành một làn sóng, để lại nhiều hình ảnh tang thương qua ống kính truyền thông quốc tế.

Làn sóng di tản đó còn nối tiếp hàng chục năm hậu chiến và vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay.

Tuy nhiên nhà báo Nguyễn Vi Túy tin rằng làn sóng tị nạn của Afghanistan sẽ không ồ ạt như với người dân miền Nam sau chiến tranh.

‘Tôi tin là làn sóng tị nạn của người Afghanistan sẽ không dồn dập và không tạo nên một làn sóng lớn như người dân miền Nam Việt Nam bỏ nước ra đi vào năm 1975. Vì như anh biết Afghanistan không có đường biển để người dân có thể vượt thoát. Vì vậy mọi cái chuyện mà có thể có người tị nạn để các quốc gia có thể tiếp nhận thì nó trở nên khó khăn hơn và trở thành vấn đề khó giải quyết cho các nước muốn dang tay giúp đỡ người tị nạn từ đất nước này.’

Trong khi đó, nhìn ra phía trước, một khía cạnh quan trọng đó là liệu mối quan hệ giữa Mỹ và Taliban có được tái lập hay không.

Hundreds of vehicles fill an empty area as the refugees fleeing in the vehicles pause near Tuy Hoa in the central coastal region of South Vietnam in 1975.
Hundreds of vehicles fill an empty area as the refugees fleeing in the vehicles pause near Tuy Hoa in the central coastal region of South Vietnam in 1975. Source: AP


So sánh bối cảnh của miền Nam Việt Nam ngày xưa và của Afghanistan bây giờ, thì sau đó Việt Nam đã tái lập bang giao với Hoa Kỳ, và rồi người Mỹ quay trở lại Việt Nam mà không tốn một viên đạn nào, nhà báo độc lập Hồng Nga đang theo dõi diễn biến Afghanistan từ London tin rằng Mỹ sẽ quay trở lại Afghanistan, giống như ở Việt Nam.

‘Vâng, đúng sự thật nó quả là trớ trêu nhưng đúng là một sự thật, ngày xưa thì bắn nhau sau đó lại phải bắt tay nhau vì thế giới không chỉ có chiến tranh mà còn có hoà bình, còn có phát triển kinh tế, và Hoa Kỳ thì vẫn là một cường quốc, thì tôi nghĩ trước sau gì, nếu mà một nước Afghanistan do Taliban cai quản mà họ muốn phát triển thì họ cũng phải phát triến kinh tế với các cường quốc, nhưng mà có một cường quốc khác mà quý vị hẳn quan tâm đó là Trung Quốc, và liệu quan hệ giữa Afghanistan dưới thời Taliban với Trung Quốc như thế nào, thì có thế thấy Trung Quốc đang rất tận dụng khoảng trống quyền lực cũng như bang giao quốc tế hạn hẹp của Afghanistan để tiến vào làm thân, và tận dụng cơ hội làm ăn cũng như các quan hệ chiến lược khác’.

 

 

 


Share
Published 25 August 2021 4:22pm
Updated 12 August 2022 2:59pm
By Peter Theodosiou, Lê Tâm

Share this with family and friends