Giới hạn tiếp xúc COVID-19 là gì? Và nó hiệu quả như thế nào ở Úc?

Hạn chế nguy cơ lây nhiễm coronavirus nhưng đồng thời cũng phải chú ý đến vấn đề sức khoẻ tâm thần của người dân trong thời gian phong toả là vấn đề tối quan trọng của chính phủ.

Dinner

Source: Shutterstock

Theo ý kiến chuyên gia, việc đặt ra giới hạn người tiếp xúc là một cách vừa làm giảm bớt sự cô đơn đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. 

Trong bối cảnh dịch COVID-19, thuật ngữ “germ bubble”, hay còn gọi là giới hạn tiếp xúc, được hiểu là việc tiếp xúc gần với những người không đeo khẩu trang hoặc không giữ khoảng cách mà chúng ta không thể tránh được. Cụ thể hơn, đó là những người sống trong cùng một nhà. Thế nhưng ở một số quốc gia như New Zealand hay Anh quốc, ‘bubbles’ sẽ được hiểu ở phạm vi rộng hơn. 

Thủ hiến Victoria Dan Andrews sẽ công bố lộ trình dỡ bỏ phong toả vào Chủ nhật tuần này, và nhiều người đang mong chờ muốn biết liệu sẽ có một chiến dịch về giới hạn tiếp xúc trong kế hoạch của ông Andrews hay không, sau khi Trưởng ban Y tế Brett Sutton xác nhận khái niệm này hiện đang được cân nhắc. 

Giới hạn tiếp xúc mở rộng có nghĩa là bạn có thể đề cử thêm một số người hoặc một số hộ gia đình khác mà bạn có thể có tiếp xúc gần. Những người này cần phải được chọn lọc để có thể kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, đồng thời họ được yêu cầu phải sống trong cùng thành phố hoặc thị trấn.

Đó là cách để cân bằng giữa nguy cơ tiếp xúc với COVID-19 và nhu cầu giao tiếp xã hội của con người, nó cho phép những người dễ tổn thương và sống tách biệt có kết nối xã hội để có thể vượt qua áp lực của đại dịch. 

Dù ý tưởng này chắc chắn sẽ có rủi ro, nhưng là điều quan trọng đối với chính phủ là đặt ra những quy định hạn chế nhưng đồng thời cũng phải xét đến yếu tố nhân đạo. Chiến đấu với bệnh dịch là một cuộc đua đường dài, không phải một cuộc đua tốc độ, và nếu người dân cảm thấy các chính sách có chứa đựng sự nhân đạo, họ có thể thích ứng với những quy định trong dài hạn. 

Giới hạn tiếp xúc ở khu vực Tasman có gì khác?

Trong thời gian tiểu bang Victoria thực hiện việc phong toả, giới hạn tiếp xúc chỉ là những người sống trong cùng nhà. Ngoài ra chỉ những người có ‘quan hệ thân mật gần gũi’ mới được phép đi thăm nhau. 

Điều này đã làm gia tăng sự cô đơn, và đã tác động to lớn đến sức khoẻ tâm thần của người dân. Và, cũng rất dễ hiểu, nó khiến cho nhiều người sống một mình và những người xuất thân từ những gia đình có cấu trúc khác biệt phải nản lòng. 

Và khi đó, ‘giới hạn lây nhiễm’ là một giải pháp, cho phép người dân được gặp gỡ với một nhóm người có lựa chọn trước. Đây là một khái niệm khá mới, và nó đã không được sử dụng trong cách kiểm soát đại dịch SARS năm 2003. 

New Zealand là quốc gia đầu tiên thực hiện ‘giới hạn tiếp xúc mở rộng’ trong thời gian COVID-19, cho phép người dân được gặp gỡ những người thân gia đình nhưng không sống cùng nhà trong thời gian phong toả cấp độ 3. Việc mở rộng giới hạn tiếp xúc là một giải pháp nhân đạo, nó giúp giảm các vấn đề về sức khoẻ tâm thần do việc phong toả nghiêm ngặt gây ra.

Phương thức của New Zealand không chỉ mang tính nhân đạo, mà đó là thực tế về một hệ thống xã hội hiện đại. 

Về mặt xã hội, những mối quan hệ gia đình của con người đã trở nên phức tạp và đa dạng hơn. Khi nói đến những người trong gia đình phải bao gồm cả những gia đình có bố hoặc mẹ kế, bạn tình và cả bạn thân, và họ có thể không sống cùng nhà. 

Việc đề cử những thành viên gia đình để có giới hạn tiếp xúc có thể sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng trong dài hạn khi chúng ta chấm dứt phong toả và tiếp tục xây dựng xã hội.

Phương thức giới hạn tiếp xúc cũng đã được Anh quốc sử dụng khi nới lỏng các quy định hạn chế vào tháng Sáu vừa rồi, cho phép những người sống một mình thiết lập giới hạn tiếp xúc với một nhà có nhiều thành viên.

Giới hạn tiếp xúc đem đến rủi ro gì?

Bên cạnh lợi ích xã hội, phương thức ‘giới hạn tiếp xúc’ vẫn có những rủi ro khi SARS-CoV-2 là loại virus có khả năng lây nhiễm cao. Lợi ích của phương thức này về mặt sức khỏe tâm thần phải được cân nhắc với bất kỳ rủi ro lây nhiễm có thể xảy ra. 

Nếu phương thức ‘giới hạn tiếp xúc’ được thực hiện ở Úc, khi đó cần có một quy trình chuẩn hoá, phải có quy định số người tối đa được phép nằm trong ‘giới hạn tiếp xúc’. 

Những ai nằm trong giới hạn tiếp xúc phải được lựa chọn. Nếu bạn chọn tiếp xúc với một gia đình nào đó, bạn sẽ không được thay đổi nếu thích. Nếu thực sự cần thay đổi, phải đợi 14 ngày để lập một nhóm tiếp xúc khác. Điều này nhằm giảm bớt nguy cơ lây nhiễm giữa các nhóm tiếp xúc. 

Một ứng dụng theo dõi nhóm tiếp xúc có thể giúp việc thực hiện được dễ dàng. Ứng dụng này sẽ yêu cầu sự đồng ý gia nhập ‘giới hạn tiếp xúc’ của tất cả các bên tham gia. Ứng dụng cũng sẽ cân nhắc phải làm gì khi những người tham gia sống ở các vùng khác có mức độ lây nhiễm khác nhau.

Lấy thí dụ, nếu một thành viên thuộc một nhóm tiếp xúc gồm nhiều gia đình đang sống trong khu vực có mức độ lây nhiễm cộng đồng cao, thì người đó sẽ đem lại nguy cơ cho toàn bộ nhóm, dù cho những thành viên khác sống ở khu vực có mức độ lây nhiễm thấp. Điều đó có nghĩa là virus vẫn có thể len lỏi vào khu vực có lây nhiễm thấp nhờ vào nhóm tiếp xúc. Người ta có thể đặt ra mức độ rủi ro cao trong nhóm tiếp xúc của họ nếu họ làm việc trong khu vực hoặc ngành nghề có nguy cơ cao. 

Mục tiêu của kiểm soát virus trong dịch tễ học là phải giảm nguy cơ càng nhiều càng tốt, nhưng trong một đại dịch kéo dài, chúng ta phải giành chỗ cho lòng nhân đạo (mà vẫn không làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rộng hơn).

Chính sách nhân đạo sẽ dẫn đến sự chấp hành

Việc cách ly gây ra áp lực và có thể làm giảm sự hợp tác. Nhưng việc đặt ra một giới hạn tiếp xúc mang tính nhân đạo có thể làm tăng cường sức chịu đựng của người dân, bởi nó giúp những người sống một mình hoặc những người không sống cùng gia đình bớt đi cảm giác bị chia cắt. 

Việc phát triển một giới hạn tiếp xúc nhằm chuẩn bị cho kế hoạch phong toả có thể xảy ra trong tương lai giúp chúng ta chống chọi với bệnh dịch kéo dài. Phương thức mang tính nhân đạo này có thể tăng cường sự đồng lòng của cộng đồng với chính phủ, thay vì ép buộc họ phải tuân thủ chính sách.

Giới chức làm công việc kiểm soát dịch bệnh về mặt khoa học có thể được cộng đồng nhìn nhận là những người có khả năng và đáng tin cậy, nhưng lại không có tính trắc ẩn. Một kế hoạch nhân đạo những vẫn bảo đảm an toàn sẽ đem lại động lực đối với những người gia nhập các nhóm ‘giới hạn tiếp xúc’. Một phương thức nhân đạo, cùng với sự kiểm tra và cân bằng phù hợp có thể khiến người dân nhìn nhận chính quyền là nơi đáng tin cậy và có năng lực dẫn dắt họ thoát khỏi COVID-19. 

Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.

Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.

Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.

SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại: 
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share
Published 4 September 2020 11:58am
Updated 4 September 2020 12:02pm
By Mary-Louise McLaws
Presented by Hương Lan

Share this with family and friends