Liệu dân Anh về hưu ở Úc có thêm tiền già một khi Anh rời khỏi EU?

Vì chính phủ Anh không tăng tiền già theo lạm phát cho nên khoảng 250.000 người Anh đang sống ở Úc phải dựa vào hệ thống an sinh xã hội của Úc, vừa không công bằng cho họ vừa là gánh nặng cho chính phủ Úc.

UK pensioners on holiday in Scotland

UK pensioners on holiday in Scotland Source: AAP

Những người cao niên Anh thúc giục chính phủ Úc nhân dịp nước Anh rút ra khỏi Liên hiệp Âu châu, hãy đàm phán với chính phủ Anh để thay đổi chuyện này.

Ông bà người Anh ăn nói nhỏ nhẹ quê ở Reading, Bernard Waever 83 tuổi và vợ bà Sheila 79 tuổi, di cư qua Úc năm 2007.

Trước đó ông bà đóng Bảo hiểm Quốc gia (NI) trong suốt những năm đi làm, nhưng số tiền hưu của chính phủ, mà ở đây người ta thường gọi là tiền già, đã không hề tăng theo lạm phát được đồng nào.

"Tôi nhận được 125 Bảng (206 Úc kim) một tuần. Nếu như được tăng theo lạm phát, tôi có lẽ sẽ nhận được gần 170 Bảng một tuần."

"Chúng tôi đã đóng bảo hiểm quốc gia đầy đủ, trong suốt quảng thời gian làm việc của chúng tôi để nhận được tiền già, cho nên chúng tôi cảm thấy bị thiệt thòi rất nhiều," ông Weaver than phiền.

Thật ra 125 Bảng là đã được điều chỉnh chứ trước đó tiền già của ông Beranrd chỉ có 87 Bảng Anh, tức 143 Úc kim một tuần.

Một người Anh di cư qua Úc năm 1980 chỉ nhận được 27 Bảng thay vì 100 Bảng nếu có tính lạm phát.

Những người di cư qua Úc năm 1995 chỉ nhận được 59 Bảng. Có một dạo số tiền này còn thấp hơn khi đổi qua tiền Úc vì đồng Bảng Anh tụt giá trong khi đôla Úc tăng giá trong một thời gian dài.

Theo Giáo sư Peter Whiteford thuộc Khoa Chính sách Công cộng của đại học quốc gia ANU, luật này đã bị kiện ra Tòa án Nhân quyền Âu châu nhưng thua kiện.

"Tôi nghĩ trong những năm qua các dân biểu đã nêu vấn đề này lên, và nhiều người cảm thấy thật bất công. Thật ra thì đây là một cách để chính phủ tiết kiệm."

"Tôi nghĩ bằng cách đóng băng tiền già chính phủ Anh đã tiết kiệm được khoảng 600 triệu Bảng một năm. Theo chỗ tôi biết theo luật của Liên hiệp Âu châu thì phải trả tiền già theo lạm phát cho những ai đang sống ở trong Âu châu."

"Nhưng nếu người đó ở Mỹ thì cũng được trả theo lạm phát. Tôi nghĩ đó chỉ vì nhờ thế mạnh trong đàm phán của Mỹ mà thôi," Giáo sư Whiteford nói.

Chính sách đóng băng tiền già của chính phủ Anh ảnh hưởng đến khoảng nửa triệu người Anh sống tại 150 nước trong Khối Liên hiệp Anh.

Trong đó có 247 ngàn người Anh, 144 ngàn người Canada, 65 ngàn người New Zealand, 36 ngàn người Nam Phi, đang về hưu tại Úc.

Ông Jim Tilley là chủ tịch của Hội Người Anh Cao niên tại Úc, cho biết rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi luật lệ này.

"Nó gây khó khăn cho họ đến nỗi nhiều người phải quay lại Anh. Tôi biết một bà cụ đã 96 tuổi, nhận được 17 Bảng một tuần từ tiền già của chính phủ Anh. Đúng ra phải là 122 Bảng một tuần."

"Nhưng chính phủ Úc đã rộng lượng giúp đỡ cho cụ bà đó. Đáng lý chính phủ Úc không cần phải làm như vậy bởi vì nó tiêu tốn tiền trong ngân sách của chính phủ Úc đến 1 tỉ đôla trong 4 năm."

Chính phủ Úc đã hào phóng phần nào lấp vào khoảng trống đó cho nhiều người Anh ở Úc nếu họ hội đủ các điều kiện như phải trên 65 tuổi, phải sống ở Úc trên 10 năm, và có lợi tức dưới mức qui định.

Chính sách đóng băng tiền già của Anh đã có từ những năm 1960, nhưng nay Anh đang chuẩn bị rời khỏi khối Liên hiệp Âu châu, những người Anh đang sống ở Tây Ban Nha lo sợ tiền già của họ sẽ không còn được tăng theo lạm phát theo luật của EU, mà sẽ bị áp dụng theo luật Anh.

Những người Anh cao niên đang sống ở Úc nghĩ rằng đây là cơ hội để chính phủ Úc, trong lúc đàm phán thương mại, hãy vận động chính phủ Anh bãi bỏ chính sách đóng băng tiền già.

"Chính phủ Anh cần phải biết là để được Úc hỗ trợ trong đàm phán thương mại mà họ yêu cầu, chính phủ Anh phải trả tiền già cho công dân đang sống ở ngoại quốc theo lạm phát, đặc biệt cho 250 ngàn người đang sống ở Úc," ông Tilley nói.

Thật ra chính phủ Úc lâu nay cũng chống lại việc đóng băng tiền già, thậm chí vào năm 2001, Úc đã phản đối bằng cách rút ra khỏi thoả thuận song phương về an sinh xã hội với Anh quốc.

Một phát ngôn nhân cho Tổng trưởng Xã Hội  Christian Porter mô tả chính sách đó là bất công và phân biệt đối xử.

Nhưng dân biểu Anh, Peter Lilley, người đang có mặt ở Úc để thảo luận về Brexit và các cơ hội thương mại, cho biết vấn đề này đã không được nêu ra trong các cuộc hội đàm giữa ông và Bộ trưởng Thương mại Steve Ciobo.

Dân biểu Lilley nói với SBS, sẽ quá tốn kém để đảo ngược chính sách đóng băng tiền già, cho nên có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra.

"Tôi sẽ rất thành thật, đó là, những người hưởng phúc lợi này lại không có lá phiếu trong tay. Nếu anh có 500 triệu Bảng trong tay thì nó sẽ được dùng cho những người có lá phiếu trong tay. Đó là một thực tế đơn giản trên cõi đời này."

"Tôi biết điều đó không công bằng, nhưng đã di cư sang một đất nước tuyệt vời và anh sẽ có một tương lai thành công. Cho nên tôi e rằng bây giờ lại kỳ vọng mẫu quốc rộng rãi và công bằng với anh thì đó là một sự kỳ vọng thiếu khôn ngoan," ông Lilley nói.

 


Share
Published 3 April 2017 5:21pm
Updated 12 August 2022 3:59pm
By Rena Sarumpaet, Quốc Vinh

Share this with family and friends