“Cộng đồng yêu thương, nền văn hóa lâu đời, con người đáng mến”

Trong mắt của một vài người, Thổ Dân Úc là nhóm người thiểu số có làn da đen nhẻm, sống dơ bẩn, học vấn thấp, nghiện hút ma túy, sống ăn bám vào trợ cấp chính phủ và xa lạ với văn minh loài người. Nếu bạn từng có suy nghĩ “lạc lối” như vậy, câu chuyện thực tế “sống với Thổ Dân” của gia đình người Việt mà SBS giới thiệu sau đây sẽ “mở mắt” cho bạn.

Jayden Ludwig và Liam Ludwig chụp hình lưu niệm cùng hai người bạn Thổ dân trong thời gian khám phá Lãnh thổ phía Bắc

Jayden Ludwig and Liam Ludwig take photos with two Aboriginal friends while exploring the Northern Territory. Source: Supplied

Leo lên hòn đá Uluru không giúp bạn hiểu thêm về người Thổ Dân

Từ thị trấn Townvill, nằm ở bờ biển phía Đông Úc, chúng tôi theo đường cao tốc Flinders vào vùng sa mạc trung tâm nước Úc để khám phá lãnh thổ Bắc Úc.

Hơn 8 tuần lang thang, lái xe hơn 8000 cây số rong ruổi khắp nơi từ vườn quốc gia Uluru-Kata Tjuta, lên Alice Springs, qua thị trấn Mataranka và Katherine, đến thành phố Darwin và vườn quốc gia Kakadu, chúng tôi đã thực sự trải nghiệm nền văn hóa của người Thổ Dân*.

Tôi nhận ra sự khác biệt và hài hòa trong cuộc sống của mỗi bộ tộc người Thổ Dân, đồng thời cảm nhận được nhiều hơn về văn hoá và nghệ thuật của từng vùng.

Gia đình tôi ngưỡng mộ kiến thức khoa học và giáo dục từ 60 ngàn năm trước của "những người chủ đất", mặc dù họ chẳng có những công cụ tân tiến như chúng ta hôm nay.

Đến vườn quốc gia Uluru-Kata Tjuta, cả nhà 4 thành viên có dịp viếng thăm viện bảo tàng Wintjiri, tham gia tất cả các chương trình, và hoạt động giới thiệu về văn hóa, nghệ thuật của bộ tộc Yankunytjatjara and Pitjantjatjara, là chủ sở hữu và người bảo vệ truyền thống của vùng đất này.

Chúng tôi, những người đến từ thế giới văn minh, “mắt tròn mắt dẹt” ngồi nghe kể chuyện và chiêm nghiệm sau khi thưởng thức những vở kịch về truyền thuyết của người Thổ Dân.

Hai con trai chúng tôi tỏ ra vô cùng hào hứng khi biết được cách săn bắt, sự khác nhau của từng công cụ săn bắt, cách người Thổ Dân sống hòa thuận với mẹ thiên nhiên ra sao để trời đất tối cao bảo vệ, nuôi nấng và cung cấp thức ăn cho họ.

Tôi, chồng và hai cậu con trai Jayden và Liam chinh phục chặng đường đi bộ 12km vòng quanh tảng đá Uluru.
Chị Huyền Trịnh, anh Calum Ludwig cùng hai con trai Liam và Jayden trước tảng đá thiêng liêng Uluru của người Thổ dân
Chị Huyền Trịnh, anh Calum Ludwig cùng hai con trai Liam và Jayden trước tảng đá thiêng liêng Uluru của người Thổ dân Source: Supplied
Cả nhà đều đồng ý với nhau không leo lên tảng đá Uluru để thể hiện sự tôn trọng giá trị thiêng liêng của tảng đá này đối với các bộ tộc Thổ Dân.

Cám dỗ chinh phục hòn đá thiêng của người Thổ Dân được đền đáp bằng bức ảnh bình minh và hoàng hôn chuyển hóa huyền diệu trên tảng đá thiêng của những người làm chủ đất nước này.

Sáng tạo và nghệ thuật len lỏi trong cuộc sống hằng ngày

Vào một buổi chiều nắng đẹp, sau khi tham gia buổi thuyết minh về nhạc cụ Digeridoo, chúng tôi nằm nghỉ trên bãi cỏ ở trung tâm thị trấn, hưởng thụ cái nắng chói chang nhưng vẫn hơi se lạnh của sa mạc đất đỏ Úc.

Trong lúc chờ đến giờ lớp học vẽ “dot painting” với họa sĩ người Anangu mà tôi đã đăng kí cho cả nhà, Jayden và Liam tình cờ tham gia một trận bóng với hai bạn nhỏ Thổ Dân trạc cùng độ tuổi, chạy chân trần và đá bóng gần đấy.

Một lúc sau thì có thêm vài đứa bé cùng độ tuổi, cũng là khách du lịch tham gia vào đội bóng tí hon.

Một cảm giác ấm áp và hạnh phúc tràn ngập khi tôi chứng kiến trận bóng diễn ra trong bầu không khí thân thiện, và những cầu thủ nhí phối hợp với nhau như đã quen biết tự lâu rồi.
Jayden và Liam tham gia một trận bóng với hai bạn nhỏ Thổ Dân trạc cùng độ tuổi.
Jayden và Liam tham gia một trận bóng với hai bạn nhỏ Thổ Dân trạc cùng độ tuổi. Source: Supplied
Đến khi vào lớp học vẽ, cả nhà ngạc nhiên khi nhận ra một trong hai bạn Thổ Dân là con trai của cô họa sĩ, còn đứa bé kia là cháu của cô. Cô họa sĩ bộc bạch (qua thông dịch viên) cô chưa bao giờ thấy hai đứa con của mình chơi với các bạn ngoài bộ tộc vui như vậy, vì tiếng Anh của các bạn còn hạn chế.

Một điều thú vị chúng tôi học được qua cô tình nguyện viên và thông dịch viên đó là bạn phải học và hiểu ngôn ngữ của người Thổ Dân, phải  trò chuyện được với họ thì mới thấu hiểu được con người và văn hóa của họ.
Trong văn hoá của người Thổ Dân, khi một đứa bé sinh ra, không chỉ có một cha và một mẹ, em bé thuộc về một nhánh của hệ thống Kin (kinship system). Tất cả những người lớn trong nhánh đó đều được xem là cha mẹ của đứa bé, đều phải có trách nhiệm chăm sóc và dạy dỗ đứa bé như con ruột của họ.
Qua lớp học vẽ, chúng tôi nhận ra thêm nghệ thuật sáng tạo của người Thổ Dân không chỉ là một môn học, nó gắn bó với cuộc sống hằng ngày và được dùng để giáo dục thế hệ trẻ, đồng thời là phương thức giao tiếp với các bộ tộc khác.

Gia đình 4 người chúng tôi lang thang khắp chốn, từ viện bảo tàng đến các các trung tâm triển lãm nhỏ ở các thị trấn, các buổi học vẽ “rock paintings”, tham gia lớp tước lá panda để đan giỏ trong cái nóng 38-40 độ của vườn quốc gia Kakadu và chìm đắm trong nghệ thuật sáng tạo của người dân.
Tác phẩm nghệ thuật theo phong cách thổ dân "dot painting" của gia đình chị Huyền Trịnh
Tác phẩm nghệ thuật theo phong cách thổ dân "dot painting" của gia đình chị Huyền Trịnh Source: Supplied

Một đứa bé Thổ dân sinh ra thuộc về cả cộng đồng

Bạn hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng mỗi người Thổ Dân khi sinh ra sẽ được thuộc về một nhánh trong hệ thống Kin của họ.

Hệ thống này theo đánh giá của riêng tôi là một nền văn hoá giàu tính cộng đồng và cực kì khoa học.

Trong cộng đồng chúng ta đang sống hiện nay, khi một đứa bé sinh ra thì cha mẹ đẻ có trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con mình. Chẳng may cha mẹ đẻ của đứa bé không còn thì theo luật pháp, không ai trong gia đình sẽ phải có trách nhiệm chăm lo cho đứa bé.

Thế nhưng trong văn hoá của người Thổ Dân, khi một đứa bé sinh ra, không chỉ có một cha và một mẹ, khi em bé thuộc về một nhánh của hệ thống Kin (kinship system). Tất cả những người lớn trong nhánh đó đều được xem là cha mẹ của đứa bé, đều phải có trách nhiệm chăm sóc và dạy dỗ đứa bé như con ruột của họ.

Người Thổ Dân rất khắt khe trong việc trai gái tiếp xúc với nhau. Ngay cả trong gia đình có con trai và con gái, đến một độ tuổi nhất định, người em gái và anh trai không được phép nói chuyện hay ngồi gần nhau.
Với người Thổ dân, động vật cũng như con người cần sinh tồn. Lối sống hoà thuận với thiên nhiên của người Thổ Dân dạy cho chúng tôi, “những người từ thế giới văn minh”, đang “bóc lột” thiên nhiên đến tận cùng, phải dừng lại suy nghĩ.
Trai gái muốn nói chuyện, gặp gỡ nhau phải tuân theo các nhánh cho phép của hệ thống Kin. Nếu không tuân theo, họ sẽ bị trừng phạt rất nặng nề.

Ban đầu khi mới được biết đến văn hoá này, tôi không hiểu tại sao họ lại khắt khe như vậy, chỉ đến khi lên đến vùng Kakadu, được giải thích thêm tôi mới thấu hiểu.

Các bạn có biết là các nhà sinh học đã bàng hoàng khi họ nghiên cứu hệ thống Kin của người Thổ Dân và kết luận hệ thống này vô cùng chính xác để tránh việc giao hợp giữa 2 DNA gần nhau làm sinh ra những DNA dị dạng, không hoàn hảo.
Jayden và Liam tham gia giờ lớp học vẽ “dot painting” với một họa sĩ người Anangu
Jayden và Liam tham gia giờ lớp học vẽ “dot painting” với một họa sĩ người Anangu Source: Supplied
Trong cộng đồng của chúng ta cũng có những luật lệ tương tự, tuy nhiên nó chỉ là luật không thành văn, được hiểu ngầm mà không được thẳng thắn giáo dục. Chỉ khi có trường hợp phạm luật xảy ra, chúng ta mới bàn tán, phê phán. Tôi thật sự ngưỡng mộ nền văn hoá và giáo dục lâu đời của người Thổ Dân!

Cuộc sống săn bắt, hái lượm của người Thổ Dân theo tôi là cách sống tuyệt vời nhất. Con cái lao động cùng cha mẹ, gia đình. Cộng đồng cùng nhau săn bắt, hái lượm, tìm được gì ăn nấy, tìm được ít ăn ít. Dù là có thể săn bắt được nhiều họ cũng ko làm vậy.

Với người Thổ Dân, động vật cũng như con người cần sinh tồn. Lối sống hoà thuận với thiên nhiên của người Thổ Dân dạy cho chúng tôi- “những người từ thế giới văn minh”- đang “bóc lột” thiên nhiên đến tận cùng, phải dừng lại suy nghĩ.

Lối sống chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, làm cùng nhau, ăn cùng nhau, đàn hát nhảy múa cùng nhau, khiến tình cảm gia đình và cộng đồng luôn gắn bó.
Cả gia đình cùng tham gia lớp tước lá panda để đan giỏ trong cái nóng 38-40 độ của vườn quốc gia Kakadu và chìm đắm trong nghệ thuật sáng tạo của người dân.
Cả gia đình cùng tham gia lớp tước lá panda để đan giỏ trong cái nóng 38-40 độ của vườn quốc gia Kakadu và chìm đắm trong nghệ thuật sáng tạo của người dân. Source: Supplied
Hãy nhìn cuộc sống của chúng ta ngày nay, người lớn bận đi làm, trẻ con bận đi học, mỗi người ở một nơi và làm một việc khác nhau, khi về với nhau sau một ngày dài, ai nấy cũng đều rệu rã trong bữa cơm gia đình.

Tôi ước ao một cuộc sống cộng đồng đàn hát nhảy múa chan hòa cùng nhau. Cái tình yêu thương, gắn bó, chia sẻ của những người Thổ Dân đó khiến tôi cảm thấy mình sống “chưa đủ đầy, trọn vẹn” trong cuộc đời bao la mà hữu hạn này.

*Lời ban biên tập SBS Việt ngữ: Gia đình của Huyền Trịnh và Calum Ludwig quyết định cho hai con trai Jayden và Liam nghỉ học để chu du vòng quanh nước Úc trên một chiếc xe caravan vào năm 2018. Chuyến đi hơn 40.000 cây số qua 5 tiểu bang, 2 vùng lãnh thổ, với nhiều thời gian dành cộng đồng thổ dân Úc đã được Huyền Trịnh ghi lại trên trang nhật ký của cô, và chia sẻ với SBS Việt ngữ.

Chữ “Thổ Dân” do tác giả viết hoa, được SBS Việt ngữ giữ đúng nguyên tác.


Share
Published 9 July 2019 9:42pm
Updated 12 July 2019 9:52am


Share this with family and friends