Nước Úc Da Trắng, thật không?

Nội vụ bắt đầu từ một mẩu quảng cáo chỉ vỏn vẹn 30 giây. Ông Bill Shorten, thủ lãnh của đảng Lao Động, người suýt thắng trong cuộc bầu cử liên bang năm rồi và còn có cơ may trở thành Thủ tướng vào năm tới, đã lên đài truyền hình toàn quốc để vận động giới chủ nhân hãy tuyển dụng người Úc với khẩu hiệu “Employ Australians First”.

File image of Australian flags during an Australia Day parade

File photo: Flags at an Australia Day parade. Source: AAP

Tuần trước, khi nhiều người dân vểnh tai mở mắt theo dõi các chính trị gia cãi nhau về dự thảo ngân sách Úc thì cũng có nhiều người khác há mồm ngạc nhiên vì một mẩu quảng cáo nhỏ trên đài truyền hình. Sự ngạc nhiên ban đầu ấy dần dần trở thành một cơn phẫn nộ vì họ coi đó là một sự xúc phạm. Nhất là khi nó đến từ miệng của nhà lãnh đạo của một đảng lớn.

“Employ Australians First”.

Điều đó có gì sai?

Ở bên Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng hô hào dân chúng tiêu thụ hàng nội và thuê mướn công dân Mỹ (Buy American – Hire Americans). Ông được vỗ tay rào rào vì chính sách đó sẽ giúp phát triển kinh tế và giảm bớt thất nghiệp.

Nhưng Mỹ là Mỹ và Úc là Úc. Ông Shorten không phải là ông Trump nên cái khẩu hiệu tuy có phần (na ná) giống nhau nhưng ông Shorten không thể “lấy của người làm của mình”. Ông xuất hiện trong mẩu quảng cáo trên với khoảng chục diễn viên toàn người da trắng, trẻ đẹp và trông rất tươm tất. Ông ăn nói hùng hồn với một nội dung khá thuyết phục. Dĩ nhiên, như bất cứ một chính trị gia nào khác, đây là một cơ hội để ông đánh gục đối phương và kiếm điểm với cử tri.

Cái sai của ông Shorten là không biết rõ đất nước mà ông muốn giành quyền lãnh đạo vì dường như ông đã quên mất một điều căn bản: nước Úc không gồm toàn người da trắng và thành phần trẻ không chiếm đa số trong số người thất nghiệp.
Employ Australians First
Source: Supplied
Theo số liệu từ Nha Thống kê Quốc gia Australia Bureau of Statistics mới nhất (tính đến 30.06.2016), khoảng 29% dân Úc là những người sinh trưởng ở nước ngoài, đa số là từ các nước không nói tiếng Anh. Nếu kể cả con cháu của họ, thành phần này chiếm gần một nửa dân số Úc. Vậy mà họ không có hân hạnh được ông nhắc tới. Và người Úc trẻ nữa, dù chỉ chiếm 15% dân số và có tỷ lệ thất nghiệp dưới mức trung bình so với các hạng tuổi lao động khác, nhưng đây là thành phần duy nhất được ông cho xuất hiện trên đài truyền hình trong lời hô hào “Employ Australians First”.

(Dân số trong cộng đồng người gốc Việt vào thời điểm này là gần 240,000, tức khoảng 1% dân số Úc).

Người ta không khỏi tự hỏi: không biết những người đến Úc từ những nguồn văn hóa và chủng tộc khác ở đâu? Họ có được xếp thứ hạng nào trong những vấn đề ưu tiên của ông Shorten không? Hay, khủng khiếp hơn nữa, có phải chính sách “Nước Úc Da Trắng” đang trở lại?

Có phải chính sách “Nước Úc Da Trắng” đang trở lại?

Mẩu quảng cáo trên đã làm cho nhiều nhân vật cao cấp trong đảng Lao Động xấu hổ và xin lỗi. Một phát ngôn nhân của đảng đã chữa cháy rằng ông Shorten không biết và cũng không kiểm soát được phần lắp ghép hình ảnh (image editing) của mẩu quảng cáo đó khi nó được đưa lên đài truyền hình. Nỗ lực làm giảm thiểu tai hại này càng bộc lộ “công hiệu thuốc dán” cho một chứng bệnh nội thương và khả năng lãnh đạo kém cỏi của người cầm đầu.

Ông Anthony Albanese, người từng tranh chức lãnh tụ đảng trong cuộc đua với ông Shorten, lại nói thẳng thừng hơn: “Tôi không thích (mẩu quảng cáo đó) và đáng lẽ nó không được xuất hiện!”

Riêng ông Shorten vẫn chưa chính thức lên tiếng gì về chuyện này, dù chỉ một lời xin lỗi, vì (có lẽ) còn đang bận chuyện khác quan trọng hơn!?

Năm tới là năm bầu cử liên bang Úc, tôi xin “hiến kế miễn phí” cho ông với tư cách một công dân Úc có trách nhiệm. Thay vì xào nấu “Employ Australians First” theo kiểu “Hire Americans” bên Mỹ, ông Shorten nên copy khẩu hiệu “Make America Great Again” (Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại lần nữa) của ông Trump thành “Make Australia Great Again”.

Nhưng lần này, ông hãy nhớ bao gồm các thành phần đã từng làm cho nước Úc vĩ đại như trong lời hát của bài quốc ca Advance Australia Fair:

For those who've come across the seas
We've boundless plains to share;
With courage let us all combine
To Advance Australia Fair.

Giữa mùa ngân sách, đành rằng chuyện cơm áo gạo tiền là quan trọng nhưng nhân phẩm và vị trí của người dân trong xã hội có khi là quan trọng hơn. Họ không muốn – một lần nữa – trở thành công dân hạng nhì trong một đất nước mà họ đã vượt qua đại dương (nhiều khi bằng chính mạng sống) để chia sẻ những bình nguyên mênh mông với sự quả cảm và đoàn kết để tiến đến một nước Úc đa văn hóa, công bình và đoàn kết.

Tôi tin rằng họ sẽ quên mẩu quảng cáo ngầm mang tính kỳ thị chủng tộc và tuổi tác trên trong cuộc bầu cử vào năm tới vì một năm trong sinh hoạt chính trị là thời gian rất dài mà trí nhớ của người dân thường lại rất ngắn. Họ sẽ bầu cho ông – hoặc bất cứ ứng cử viên nào – nếu người đó thật sự cam kết thực hiện những lý tưởng Advance Australia Fair.


Share
Published 22 May 2017 1:36pm
Updated 22 May 2017 8:13pm
By Lưu Dân

Share this with family and friends