Ông Bà trông cháu giúp con là niềm vui hay bị lạm dụng?

Chủ nhật 25/10 là Ngày Của Ông Bà, nên chăng nhân dịp này nghiêm túc tự vấn xem ta đã đối xử với Ông Bà ra sao, đã trả ơn họ chưa?

Grandparents and child having fun with paint on her face

Grandparents and child having fun with paint on her face Source: Digital Vision

Nhiều gia đình trẻ có thể đang trải qua một kinh nghiệm giống nhau. Đó là hai vợ chồng trước khi đi làm thì thay nhau chở con đi học.

Rồi nhờ Ông Bà đón con về, chăm con, cho con ăn. Đến tối, hai vợ chồng qua nhà Ông Bà ăn tối rồi chở con về nhà.

Chuyện này xảy ra ngày qua ngày, hết năm này đến năm khác mà chưa bao giờ có câu hỏi đặt ra về thời gian và sức khoẻ của Ông Bà đã bị ảnh hưởng như thế nào.

Có thể nói bà Thanh, 70 tuổi, là một trong những người cao niên tình nguyện ‘bị ngược đãi’ tại Úc. ‘Giúp con gái giảm bớt gánh nặng nuôi con là tôi cảm thấy hạnh phúc,’ bà nói.

Vì thương con gái nên bà đã dành trọn vẹn tuổi già, đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, đi du lịch, thì giúp con chăm hết đứa cháu này đến đứa cháu khác. Một ngày của bà cũng bận rộn không kém một bà nội trợ nào.

Hàng tuần, bà Thanh đều đưa cháu mình mới 3 tuổi tham gia nhiều nhóm sinh hoạt khác nhau để vừa giúp cháu làm quen với bạn, vừa để cho bản thân cơ hội kết bạn.

Nhưng đa số những nhóm sinh hoạt thiếu nhi đều là dành cho mẹ và bé nên bà Thanh nghiễm nhiên trở thành Bà Ngoại của tất cả các mẹ, phụ các mẹ chăm sóc con nhỏ và truyền đạt những kinh nghiệm chăm con.

Các kiểu lạm dụng vô tình hoặc cố ý

Tuy không có dữ liệu chi tiết về tỷ lệ lạm dụng người cao tuổi ở Úc, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới cho biết có đến 14% những người từ 65 tuổi trở lên phải hứng chịu ít nhất một lần bị lạm dụng mỗi năm.

Các hình thức lạm dụng có thể bao gồm bị lạm dụng về tài chính, bị hành hạ thể xác hoặc tinh thần, thậm chí cả bị xâm hại tình dục. 

Dịch Vụ Quyền Hạn Người Cao Niên Úc nói những phụ nữ cao niên có nguy cơ bị ngược đãi nhiều hơn hai lần rưỡi và những người sống với chứng sa sút trí tuệ cũng phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng gia tăng.

Hội Đồng Sắc Tộc Liên Bang Úc Châu từng lên tiếng cảnh báo nhiều trường hợp người lớn tuổi đã bị những người mà họ tin tưởng nhất lợi dụng tài chính.

Những kẻ lạm dụng thường dùng Giấy Ủy Quyền (Power of Attorney) của người già để thao túng một cách hợp pháp liên quan đến việc lấy tiền, lấy tài sản.

Các hình thức bao gồm: lạm dụng máy ATM hoặc thẻ tín dụng; nhận tiền hoặc tài sản; giả mạo chữ ký của một người lớn tuổi; lừa dối hoặc gây ảnh hưởng để thuyết phục người già thay đổi các điều khoản trong di chúc.

Tuy nhiên điều chưa được lên tiếng rõ ràng chính là thời gian và sức khoẻ của người già đang bị bỏ bê, vì dồn hết cho những đứa cháu trong gia đình, nhất là những gia đình gốc Á Châu, vốn tôn trọng truyền thống sống chung với Ông Bà.

Hội Luật Sư Việt Úc có buổi giải đáp về vấn nạn ngược đãi người già, với hai luật sư Trần Hữu Trung, Janice Le và cô Phạm Ánh Linh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam, vào ngày Chủ Nhật 25 tháng 10, cũng chính là Ngày Của Ông Bà năm nay.

Buổi hỏi đáp trực tiếp trên Facebook bắt đầu từ 7g00 tối, tại địa chỉ:  Quý vị có câu hỏi cho các diễn giả xin gởi về info@vala-au.org.

Share
Published 23 October 2020 5:07pm
Updated 23 October 2020 8:24pm
By SBS Vietnamese
Source: SBS

Share this with family and friends