Nhiều con đường ở Sydney có thể sẽ bị giảm giới hạn tốc độ chỉ còn 30km/h?

Thủ hiến NSW nói “đi bộ còn nhanh hơn”, quý‎ vị thì nghĩ sao?

A 'Speed limit 30' sign on a pole. There are two trees behind it.

In years gone by, speed signs in local streets may have indicated 60km/h, then 50km/h, and today some are 40km/h and 30km/h. Source: Getty / Adél Békefi

Key Points
  • Sau khi đưa ra giới hạn 40km/h trên những con đường thuộc HĐTP Sydney, Hội đồng tiếp tục muốn giảm giới hạn xuống còn 30km/h.
  • Giảm tốc độ giao thông có thể làm giảm tỷ lệ va chạm của các phương tiện và giảm rủi ro cho người đi bộ.
  • Thủ tướng NSW nói rằng Sydney là một thành phố quốc tế lớn và không nên bị đối xử như thể nó là một thị trấn nông thôn.
Hội đồng Thành phố Sydney, cùng với một số chính quyền địa phương khác trên khắp đất nước, đã áp dụng giới hạn tốc độ mới trên một số con đường ở mức thấp chưa từng có.

Tất cả các con đường thuộc Hội đồng thành phố Sydney (trừ những con đường chính và đường cao tốc) sẽ bị giới hạn ở tốc độ tối đa 40km/h trong những tuần tới.

Đồng thời Hội đồng Thành phố cũng đang có kế hoạch giảm giới hạn tốc độ xuống còn 30km/h trên nhiều con đường hơn nữa trong tương lai.

Thị trưởng Sydney Clover Moore nói rằng trách nhiệm của mọi người là bảo đảm đường sá an toàn nhất có thể cho người đi bộ, người đi xe đạp và người lái xe.

“Đường phố của chúng ta không chỉ an toàn hơn nhờ những thay đổi quan trọng này mà còn yên tĩnh hơn và có ít khí thải hơn, bà Moore nói.
Sydney Lord Mayor Clover Moore
Sydney Lord Mayor Clover Moore wants even more streets within the local government to be zoned 30km/h. Source: AAP / James Gourley
Lauren Pearson, một nhà nghiên cứu của Đại học Monash, cho biết mặc dù giới hạn tốc độ 30km/h chưa được ban hành rộng rãi, nhưng một số chính quyền địa phương trên cả nước đã áp dụng giới hạn tốc độ này.

Bà Pearson cho biết các khu vực đã hạ giới hạn tốc độ xuống 30km/h có phương pháp tiếp cận khác nhau.

“Chúng tôi đã thấy một số khu vực đã thực hiện điều này, tại những nơi có rất nhiều hoạt động trẻ em, họ muốn khuyến khích việc đi bộ và đi xe đạp đến trường,” bà Pearson cho biết.

“Chúng tôi cũng thấy luật này ở những khu vực đông đúc, chẳng hạn như Melbourne ở Hội đồng thành phố Yarra, đó là khu vực có rất nhiều xe điện, rất nhiều phương tiện giao thông nhưng cũng có rất nhiều người đi bộ và đi xe đạp.”

Bà Pearson cho biết thị trấn Mildura ở vùng nông thôn Victoria đã thực thi giới hạn tốc độ thấp hơn ở trung tâm thị trấn, “để việc giao thông an toàn hơn và đời sống tốt hơn trong khu vực đó”.

Người đứng đầu chương trình chấn thương tại Viện Sức khỏe Toàn cầu George, Julie Brown, cho biết mức độ nghiêm trọng của chấn thương bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tốc độ, do đó việc giảm giới hạn tốc độ xuống 30km/h từ 40 hoặc 50km/h có thể cải thiện độ an toàn.

“Ở NSW, 2/3 số vụ tai nạn gây thương vong xảy ra ở các khu vực thành thị, nơi tốc độ vốn đã khá thấp. Do đó các vụ va chạm chắc chắn vẫn xảy ra nếu bạn đang di chuyển với tốc độ 50km/h," bà Brown nói.

Bà Brown cho biết trong trường hợp người đi bộ, nếu bị xe đang chạy với tốc độ 50km/h tông vào, nguy cơ tử vong cao gấp 2 lần so với khi xe đang chạy với tốc độ 40km/h và cao gấp 5 lần so với khi xe chạy ở tốc độ 30km/h.

“Vì vậy, nói một cách khác, nguy cơ tử vong nếu bạn bị xe hơi tông trúng khi đang đi bộ là khoảng 25% ở tốc độ 40km/giờ và chỉ khoảng 10% ở tốc độ 30km/giờ.”

Về phía bà Pearson, bà cho biết nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra ở những nơi, chẳng hạn như Canada, việc giảm tốc độ được thực hiện cùng với các biện pháp điều tiết giao thông khác, như gờ giảm tốc, thu hẹp đường, thì giới hạn tốc độ được tuân thủ chặt chẽ hơn.

Bà Pearson cho biết việc giảm giới hạn tốc độ trên đường phố địa phương không chỉ là "một trong những biện pháp can thiệp an toàn đường bộ hiệu quả nhất" mà còn nâng cao khả năng sống của các khu vực.
A blonde woman in a teal shirt in front of a blurred green tree.
Research fellow within Monash University’s Sustainable Mobility Safety Research Group Lauren Pearson says lowering speed limits on local roads can improve the liveability of an area. Source: Supplied / Michelle McFarlane
“Phương pháp này làm tăng cơ hội mọi người chuyển từ các phương thức di chuyển ít vận động hơn, chẳng hạn như lái xe hơi, sang các phương thức hoạt động, như đi bộ, đạp xe, scooter.”

Bà Pearson nói rằng trong khi một số người có thể lo ngại việc giảm tốc độ xuống 10 hoặc 20km/h có thể đồng nghĩa với việc thời gian lái xe sẽ dài hơn, nhưng thực tế thì không phải vậy.

"Có một quan niệm sai lầm khá phổ biến rằng nó làm tăng thời gian mọi người đi từ A đến B. Nhưng thực ra nhờ hạ tầng cơ sở điều tiết giao thông như đèn giao thông, bùng binh, thì việc bạn đi với tốc độ 30km/h cũng không làm chậm thời gian di chuyển, vì với tốc độ cao hơn thì bạn cũng đã có quá nhiều điểm dừng trên đường.”

"Một điều nữa là khi bạn triển khai quy định này, sẽ có nhiều người chọn không đi xe hơi mà thay vào đó sử dụng các phương thức đi lại chủ động khác, điều này sẽ làm giảm bớt lượng xe lưu thông trên đường, và giảm kẹt xe.”

Những phản ứng trái chiều về việc giảm tốc độ

Thủ hiến NSW Chris Minns cho biết việc tăng số lượng các con đường áp dụng giới hạn tốc độ 30km/h ở Sydney là “làm quá”, ông nói thêm rằng “người ta đi bộ còn nhanh hơn”.

Ông nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng trung tâm thành phố đông dân nhất nước Úc không nên bị đối xử như thể nó là một thị trấn nông thôn.
NSW Premier Chris Minns  standing on a road in between a bus and a parked red car.
NSW Premier Chris Minns has expressed concern that 30km/h is too slow. Source: AAP / Nikki Short
Giám đốc điều hành của Business Sydney, Paul Nicolau, bày tỏ lo ngại giới hạn tốc độ thấp hơn có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.

“Giới hạn tốc độ thấp một cách bất hợp lý có nguy cơ bóp nghẹt đời sống thương mại của thành phố vốn đang phải vật lộn để phục hồi.”

Ông Nicolau kêu gọi Bộ trưởng Đường bộ John Graham can thiệp, còn thủ hiến Minns cho biết ông sẽ nói chuyện với Bộ trưởng Graham về "luật thông thường" áp dụng đối với thành phố.

Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 
Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ hay 

Share
Published 11 July 2024 11:44am
Updated 11 July 2024 11:47am
By Aleisha Orr
Source: SBS


Share this with family and friends