San hô Great Barrier Reef hướng tới sự kiện sinh sản lớn nhất hành tinh

San hô sinh sản đồng loạt là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú chỉ diễn ra mỗi năm một lần trong các điều kiện đặc trưng. Năm nay, sự kiện sẽ xảy ra trong khoảng ba hoặc bốn đêm vào cuối tuần này, khi san hô ở Great Barrier Reef phóng hàng ngàn tỷ trứng và tinh trùng vào nước.

coral

The annual spawning of coral on the Great Barrier Reef has been described as the world's biggest breeding event. Source: Pixabay

Highlights
  • Mùa san hô sinh sản năm nay dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.
  • Hiện tượng kỳ thú được ABC phát trực tuyến trong loạt phim Reef Live.
  • Giáo sư Peter Harrison từ Đại học Southern Cross cho biết lượng san hô sinh sản năm nay giảm do hiện tượng “tẩy trắng”.
Cảnh tượng mà hầu hết mọi người không thể tận mắt chứng kiến sẽ được ABC phát trực tuyến khi hiện tượng diễn ra vào các đêm thứ Sáu và Chủ nhật trong một loạt phim mang tên Reef Live.

Các nhà khoa học chỉ mới biết về hiện tượng được ví như pháo hoa hoặc bão tuyết trong lòng biển này kể từ năm 1981. Trước đó, người ta còn cho rằng san hô ấp trứng và phóng thích phôi thụ tinh của chúng vào mọi thời điểm trong năm.
full moon
Polyp san hô thường sinh sản vài ngày sau khi trăng tròn. Source: Pixabay
Trăng tròn tác động đến thời gian sinh sản của san hô

San hô sinh sản với quy mô nhỏ hơn vào hầu hết các tháng trong năm, và điều đó phụ thuộc vào yếu tố địa điểm và loài.

Tuy nhiên, theo chuyên gia rạn san hô Bette Willis từ Đại học James Cook, có ba yếu tố chính dẫn đến hiện tượng sinh sản lớn nhất vào cuối tháng 11 đầu tháng 12.

Yếu tố đầu tiên là nhiệt độ nước ấm lên vào cuối mùa xuân. Vì vùng nước nông ấm lên nhanh hơn vùng nước sâu, nên một số rạn san hô ven bờ thực sự đã sinh sản từ sau ngày trăng tròn của tháng trước.

Yếu tố thứ hai là ánh trăng, theo chuyên gia sinh sản san hô Peter Harrison từ Đại học Southern Cross. Là một trong những người đầu tiên phát hiện hiện tượng san hô đẻ trứng, giáo sư Harrison nhận thấy các mô san hô thực sự nhạy cảm với ánh trăng và do đó chu kỳ mặt trăng ảnh hưởng đến việc sinh sản đồng loạt của san hô.

Tuy nhiên giáo sư Harrison nói rằng quá trình sinh sản thực sự của hầu hết các loài san hô bắt đầu vào ban đêm trước khi trăng mọc. Ông nói: "Yếu tố kích hoạt cuối cùng là bóng tối. Một số san hô sinh sản ngay lúc hoàng hôn và những loài khác bắt đầu khai hoa nở nhụy từ nửa giờ đến một giờ sau khi mặt trời lặn".

"Có thể do sinh sản vào ngay trước lúc mặt trăng mọc, khi có rất ít ánh sáng, chúng hạn chế tiếp xúc với những kẻ săn mồi."

Theo giáo sư Willis, một giả thuyết khác giải thích lý do san hô lại sinh sản trong khoảng thời gian vài ngày sau khi trăng tròn là bởi vì đó là lúc tác động của thủy triều xuống thấp nhất, cũng là lúc có nhiều cơ hội để trứng và tinh trùng tiếp xúc với nhau.
Liệu chúng ta có thể chắc chắn hiện tượng sắp xảy ra?

San hô bắt đầu phát triển trứng khoảng chín tháng trước khi sinh sản và phát triển tinh trùng trước khoảng năm tháng.

Phát biểu từ một tàu nghiên cứu trên đường đến Đảo Heron, Giáo sư Harrison cho biết khi trứng gần chín, chúng bắt đầu đổi màu, một số loài bắt đầu nhợt nhạt, chuyển sang màu hồng rồi đỏ.

"Một số nhóm của tôi đã lấy mẫu một số loài san hô ở Heron và biết chắc chắn có san hô sinh sản."

Quá trình sinh sản diễn ra trong khoảng 48-72 giờ đồng hồ, khi san hô phóng hàng tỷ hạt giao tử màu hồng vào nước.

Mỗi hạt giao tử bao gồm cả trứng lẫn tinh trùng. Nếu gặp nhau, trứng và tinh trùng sẽ phát triển thành ấu trùng và sau đó trở thành sinh vật đơn bào dạng ống hoặc liên kết thành các cụm san hô non rồi chìm xuống đáy biển bám vào nơi thích hợp để phát triển.

Bao nhiêu san hô mới sẽ được sinh ra?

Mặc dù hàng ngàn tỷ trứng và tinh trùng được phóng vào vùng nước xung quanh Great Barrier Reef, chỉ một phần nhỏ trong số đó sẽ hình thành ấu trùng định cư và hình thành san hô mới.

Giáo sư Harrison cho biết con số có thể chỉ là một trên một triệu.

Một số trứng và tinh trùng có thể gặp nhau, trong khi nhiều trứng thụ tinh thành công sẽ trôi vào vùng nước trống và không thể lắng đọng trên bề mặt thích hợp.

Và rất nhiều hạt giao tử sẽ bị những kẻ săn mồi như cá nuốt trọn. 

Giáo sư Harrison nói: “Tôi đã nhìn thấy những con cá nhỏ ở rạn san hô vào sáng hôm sau, chúng gần như bơi không nổi vì bụng no căng.”
A supplied image obtained Monday, April 10, 2017 of bleaching damages on the Great barrier Reef.
A supplied image obtained Monday, April 10, 2017 of bleaching damages on the Great barrier Reef. Source: CORAL REEF STUDIES
Tác động nặng nề của hiện tượng tẩy trắng

Khi các mô san hô bị căng thẳng do nhiệt độ thay đổi đột ngột, chúng sẽ loại bỏ loại tảo sống cộng sinh bên trong, khi đó san hô chuyển sang màu trắng hoặc được gọi là "tẩy trắng". Loại bỏ tảo sống cộng sinh đồng nghĩa với việc san hô mất đi sự hỗ trợ sản xuất năng lượng.

Mùa hè năm ngoái, rạn san hô Great Barrier Reef bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tẩy trắng nghiêm trọng. Đó là sự kiện tẩy trắng thứ ba kể từ năm 2016 và là sự kiện tồi tệ thứ hai từ trước đến nay về mức độ nghiêm trọng.

Giáo sư Harrison cho biết, một số san hô bị tổn hại do tẩy trắng vào mùa hè năm ngoái có thể không sinh sản được trong năm nay.

Giáo sư Harrison hy vọng trong những mùa tới, san hô có thể thoát khỏi hiện tượng tẩy trắng. Nếu không thì nhân loại chẳng còn nhiều thời gian để chứng kiến ​​màn trình diễn sinh sản vĩ đại nhất trên trái đất.

Share
Published 3 December 2020 5:45pm
Updated 3 December 2020 6:27pm
By Thanh Ngôn

Share this with family and friends