Tình trạng đông máu sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca: Phát hiện và điều trị thế nào?

Hồi tuần trước, một phụ nữ 52 tuổi ở NSW đã qua đời do tình trạng đông máu trong não, được cho là có liên quan đến vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca. Đây là trường hợp tử vong thứ hai tại Úc trong số 3,3 triệu người đã tiêm vắc-xin này.

Medical experts seeks to reassure people of the safety of COVID-19 vaccines after the death of a second Australian from a rare blood clotting condition.

Medical experts seeks to reassure people of the safety of COVID-19 vaccines after the death of a second Australian from a rare blood clotting Source: AAP

Tổng cộng 48 người đã bị đông máu sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca, trong đó 31 người đã hồi phục sau khi được điều trị trong bệnh viện.

Các chuyên gia cho biết chúng ta đã tiến một bước dài trong việc hiểu biết về chứng rối loạn đông máu liên quan đến vắc-xin, hay còn gọi là , bao gồm cách phát hiện và điều trị nó.

Làm thế nào để phát hiện đông máu?

Tiến sĩ Vivien Chen, một nhà huyết học chuyên về rối loạn đông máu thuộc Đại học Sydney, nói với đài  rằng hiện tượng đông máu thường xảy ra sau mũi thuốc chủng đầu tiên.

Các triệu chứng của TTS – chẳng hạn như đau đầu dữ dội không dứt, đau bụng, mờ mắt và đau hoặc sưng chân – xuất hiện từ 4 đến 30 ngày sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca, phổ biến nhất là từ 6 đến 14 ngày.

Nếu bạn đến gặp bác sĩ với bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng trên, bạn sẽ được xét nghiệm đếm số lượng tiểu cầu (platelet count).

Tiểu cầu (platelet), còn được gọi là huyết khối (thrombocyte), là các mảnh tế bào bắt nguồn từ tủy xương, đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu tự nhiên, chẳng hạn như ngăn ngừa chảy máu quá nhiều sau khi da bị cắt hoặc xước.

Số lượng tiểu cầu bình thường là khoảng 150,000 đến 450,000 trong mỗi microlit máu. Khi số lượng tiểu cầu thấp hơn 150,000, có thể dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia).

Tình trạng này thường dẫn đến chảy máu quá nhiều, nhưng nếu nó xảy ra sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca, thì tình trạng đông máu bất thường có thể xảy ra.

Đó là bởi vì với một số người, hệ thống miễn dịch kích hoạt các kháng thể không chỉ nhận ra protein COVID-19, mà còn cả các tiểu cầu.

Các kháng thể này có thể kích hoạt các tiểu cầu, khiến chúng tụ lại với nhau và dẫn đến tình trạng đông máu.

Nếu số lượng tiểu cầu thấp, các bác sĩ sẽ tìm kiếm trong các mẫu máu các đoạn protein được gọi là D-dimer – vốn được cơ thể sản xuất để phá vỡ các cục máu đông.

Nếu D-dimers có số lượng cao hơn năm lần so với mức bình thường, thì đó có thể là dấu hiệu của TTS.

Sau khi phát hiện số lượng tiểu cầu thấp và nồng độ D-dimer cao, các bác sĩ có thể tiếp tục xem liệu máu có chứa các kháng thể nhắm vào một loại protein gọi là yếu tố tiểu cầu 4 (platelet factor 4 – PF4) hay không.

Trong phòng thí nghiệm, các bác sĩ sẽ kiểm tra xem liệu kháng thể PF4 từ máu của bệnh nhân có thể kích hoạt các tiểu cầu trong máu lấy từ người hiến tặng hay không.

“Nếu có thì đó là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy có một loại kháng thể từ bệnh nhân đang kích hoạt tiểu cầu và gây ra hội chứng này,” Tiến sĩ Chen nói.

Ông Jose Perdomo, một nhà huyết học thuộc Đại học New South Wales, cho biết xét nghiệm máu có thể phát hiện các cục máu đông liên quan đến vắc-xin AstraZeneca ngay khi các triệu chứng xuất hiện – cho dù đó là 4 ngày sau khi tiêm chủng hay 20 ngày.
Trong hầu hết trường hợp, [các kháng thể] chỉ có thể được tìm thấy sau khi bệnh nhân cảm thấy không khỏe và đi đến bệnh viện. Nó không thể được phát hiện trước đó.
Nếu bệnh nhân đến khoa cấp cứu của một bệnh viện tại các thành phố lớn với các triệu chứng của TTS, họ có thể nhận được kết quả xét nghiệm máu chỉ trong vòng một giờ, nhưng thời gian chờ đợi có thể lâu hơn ở các bệnh viện tại khu vực nông thôn.

Khi mức độ tiểu cầu và D-dimer từ các xét nghiệm ban đầu được xác nhận, bệnh nhân có thể bằt đầu được điều trị trong khi chờ kết quả xét nghiệm kháng thể PF4 của họ.

Điều trị TTS bằng cách nào?

Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được cho thuốc làm loãng máu để làm chậm quá trình hình thành các cục máu đông.

Nhiều loại thuốc chống đông máu phổ biến, chẳng hạn như fondaparinux, có tác dụng tốt trong việc điều trị TTS, ngoại trừ heparin.

“Nó có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn đối với một số bệnh nhân TTS,” Tiến sĩ Chen nói. 

“May mắn thay, ngoài heparin chúng ta còn có rất nhiều loại thuốc thực sự tốt.”

Để làm dịu hệ miễn dịch, bệnh nhân cũng được tiêm một lượng lớn immunoglobulin, nhằm ngăn chặn các kháng thể do vắc-xin tạo ra không thể kích hoạt các tiểu cầu.

Tiến sĩ Chen cho biết thuốc làm loãng máu và một liều immunoglobulin có thể giúp đưa số lượng tiểu cầu trở lại mức bình thường trong vòng vài ngày, trừ một số trường hợp nghiêm trọng.

Tôi cần phải làm gì khi xuất hiện các triệu chứng của TTS?

Mặc dù nguy cơ bị đông máu sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca là rất thấp, điều quan trọng là bạn phải nhận biết được các triệu chứng của TTS và hành động ngay khi chúng xuất hiện.

Nếu bạn bị đau đầu không dứt sau khi dùng thuốc giảm đau, bạn nên đến gặp bác sĩ gia đình.

Còn nếu các triệu chứng nghiêm trọng hơn xuất hiện – chẳng hạn như tê, khó nói hoặc đi đại tiện ra máu, bạn nên đến phòng cấp cứu ngay lập tức.

“Nếu bạn là một trong những người hiếm hoi bị tác dụng phụ, thì bạn sẽ được điều trị rất nhanh chóng,” Tiến sĩ Chen nói.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 15 June 2021 6:58pm
Updated 22 July 2022 10:05am
By Đăng Trình

Share this with family and friends