Uống cà phê ở Melbourne để giúp người khuyết tật

Bianca Ward (L) and Andrew Kenny (R) are training to be baristas

Bianca Ward (L) and Andrew Kenny (R) are training to be baristas Source: SBS

Một dự án liên quan đến một quán cà phê ở Úc đang tạo ra cơ hội việc làm cho những người mắc chứng tự kỷ hoặc hội chứng rối loạn phát triển Asperger. Dự án với tên gọi "Busy Beans" đang sử dụng cà phê để giải quyết tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng phân biệt đối xử với những người khuyết tật nỗ lực tìm việc làm.


Pha cà phê có thể là cơ hội nghề nghiệp trong tương lai với Patrick Grace.

Chàng trai 21 tuổi mắc hội chứng Asperger,  gần đây đã bắt đầu công việc này tại quán cà phê Busy Beans ở vùng Moonee Ponds, ngoại ô của Melbourne.

"Tôi thích công việc này vì nó rèn luyện thêm các kỹ năng của tôi. Đây cũng là cơ hội để tôi có thêm những người bạn và mở rộng tầm nhìn. Trước đây, tôi rất ngại ngùng khi tham gia vào các cuộc trò chuyện, nhưng bây giờ, tôi không chỉ giao tiếp được mà còn có thêm một số kiến thức cho mình.”

Quán cà phê này là trung tâm đào tạo đầu tiên được thành lập tại Melbourne như một phần của dự án Busy Beans, sau một chương trình thử nghiệm thành công ở Sydney năm ngoái.

Dự án này nhằm mục đích giúp những người khuyết tật có được kỹ năng pha cà phê và nhận thức được những gì họ đam mê và có khả năng.

Các nhân viên khác tại quán cà phê, một số người từng bị bắt nạt ở trường học và nơi làm việc trước đây, nói rằng họ đang cảm thấy ngày một tự tin hơn thông qua dự án này.

Bianca Ward hai mươi tuổi là một trong những baristas trẻ nhất của Busy Beans.

Cô nói rằng cô thích nghệ thuật sáng tạo . Cô hy vọng sẽ mở một quán cà phê của riêng mình một ngày nào đó.

"Khi tôi mới bắt đầu, tôi rất lo lắng và hồi hộp. Nhưng từ đó đến nay tôi luôn nhận được hỗ trợ và cảm thấy tự tin hơn”.

Những người trong độ tuổi 15-24 và bị khuyết tật có thể đối mặt với sự phân biệt đối xử gấp 10 lần so với những người trên 65 tuổi.

Marcella Romero là giám đốc điều hành của Aim Big, dịch vụ việc làm đứng đằng sau sự án Busy Beans.

“Tại Úc, có khoảng hai triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động. Và trong số đó, 50% muốn làm việc, nhưng chưa bao giờ có cơ hội được làm việc thực sự."

Jeff Smith, giám đốc điều hành của tổ chức People with Disability Australia, nói rằng thất nghiệp là một vấn đề nghiêm trọng.

"Những người khuyết tật trí tuệ phải đối mặt với các rào cản về sự phân biệt đối xử, thái độ của người thuê mướn lao động và cộng đồng, thực tiễn của việc tuyển dụng, các vấn đề xung quanh việc đi lại, sử dụng xe lăn ở nơi làm việc. Các nhà tuyển dụng ít có sự chuẩn bị linh hoạt và điều chỉnh hợp lý cho người khuyết tật”.

Ông Smith hỗ trợ các dịch vụ việc làm đặt người khuyết tật vào lực lượng lao động - nhưng đôi khi kết quả có thể không mấy khả quan.

"Một trong những vấn đề với một số dịch vụ việc làm cho người khuyết tật là họ không có hồ sơ theo dõi việc làm trên khắp nước Úc, chỉ một trong mười người được giới thiệu công việc, và sau đó có được một công việc lâu dài."

Aim Big cho biết họ có kế hoạch mở thêm các quán cà phê ở thị trấn Gosford của New South Wales và Gold Coast trong tương lai. 


Share