Ấn Độ trở thành điểm nóng nhất về coronavirus và Brazil tình nguyện thử nghiệm vaccine Sinovac do Trung Quốc chế tạo

UN High Commissioner for Human Rights Chilean Michelle Bachelet

UN High Commissioner for Human Rights Chilean Michelle Bachelet Source: AAP

LHQ đề cao vai trò của truyền thông trong việc đưa tin tức về đại dịch và nói các cuộc tấn công vào ký giả là ‘nhằm bịt miệng xã hội dân sự’. New York trì hoãn quá trình đưa học sinh quay trở lại trường học. Tân Tây Lan vẫn loay hoay tìm đường đi cho một thiết bị truy vết COVID-19.


Giám đốc về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc bà Michelle Bachelet kêu gọi các nhà báo cần được bảo vệ nhiều hơn và nói rằng các cuộc tấn công vào giới ký giả là "nhằm bịt miệng tiếng nói của xã hội dân sự".

Bà nhấn mạnh vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc cung cấp thông tin thiết yếu trong đại dịch coronavirus.

 ‘Tại một vài quốc gia, việc tăng cường chính trị hóa đại dịch coronavirus và đổ lỗi những ảnh hưởng của đại dịch lên các đối thủ chính trị, đã khiến dẫn đến những vụ đe dọa, bắt bớ cũng như các chiến dịch bôi nhọ nhà báo, đang hàng ngày mang đến những thông tin chân thực về sự lây lan của dịch bệnh và mức độ an toàn của các biện pháp nhằm ngăn chặn coronavirus. Những bài báo này là công cụ cần thiết để các nhà chức trách nhanh chóng tìm ra lổ hổng của những biện pháp đang được áp dụng và biết được những gì người dân đang lo lắng nhất.’

Trong khi đó, điểm nóng về coronavirus đang lan rộng nhanh nhất trên thế giới là Ấn Độ. Toàn bộ dân số 1,4 tỷ người Ấn đang bị phong tỏa nhằm làm chậm lại sự lây lan của virus.

Cuộc phong tỏa lớn lao này đã phải trả giá với một nền kinh tế được xây dựng trong mấy chục năm qua giờ đây bị khoét rỗng ruột.

Ấn Độ đã ghi nhận 3,7 triệu ca nhiễm và hơn 65,000 trường hợp tử vong. Các ca nhiễm đang nhanh chóng lan tràn khắp mọi nơi với một phạm vi rất rộng.

Tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này cũng đang tăng cao, vì vậy các thành phố vẫn phải mở cửa với bất cứ giá nào, còn những đợt tăng ca nhiễm mới đang được ghi nhận tại khu vực xa xôi hẻo lánh, càng khiến hệ thống y tế kém cỏi tại địa phương bị quá tải.

Ông Shaurya Verma hành nghề luật sư, ông đang chờ để được xét nghiệm, ông nói mọi người ở đây không ai quan tâm về mối đe dọa của COVID-19 cả, khiến số lượng ca nhiễm ngày càng tăng.

 ‘Dịch bệnh đang xảy ra do sự thiếu quan tâm của mọi người về căn bệnh này, về loại virus này. Và người ta không tuân thủ chính xác các biện pháp phòng ngừa mà chính phủ khuyến nghị. Mọi người đi lại tràn ngập mọi nơi mà không hề đeo khẩu trang.’

Còn Tiến sĩ Gagandeep Kang, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm nói điều quan trọng là các nhà chức trách phải đối phó nhanh chóng với những dữ liệu đáng tin cậy.

 ‘Điều chúng tôi thực sự quan tâm là căn bệnh này đang ảnh hưởng đến ai và chúng ta phải giải quyết nó như thế nào. Thông tin không thể đơn giản chỉ là 'chúng tôi ghi nhận 75,000 kết quả xét nghiệm dương tính ngày hôm qua.' Vì vậy, tôi nghĩ bài học lớn nhất là chúng ta cần bảo đảm dữ liệu cập nhật theo thời gian thực, đáng tin cậy và đầy đủ chi tiết để có thể ứng phó kịp thời.’

Thành phố Niterói thuộc bang Rio de Janeiro, Brazil, đã bắt đầu thử nghiệm một loại vaccine ngừa coronavirus tên là Sinovac, do một công ty dược phẩm Trung Quốc sản xuất.

Năm bang khác của Brazil cũng đang tham gia thử nghiệm Sinovac, với tổng số 9,000 người tình nguyện.

Ông Rafael Bastos, một bác sĩ gây mê đã tình nguyện thử nghiệm vaccine này, nói ông tin tưởng rằng cuộc thử nghiệm sẽ thành công.

 ‘Trước đó tôi đã trải qua ba lần xét nghiệm COVID-19. Còn trên thực tế, thì tôi đã thực hiện tới 12 lần xét nghiệm. Tôi chưa bị nhiễm virus dù đang ở tuyến đầu. Vì vậy, tôi đủ điều kiện để nhận được vaccine Sinovac. Chúng tôi đã tham gia và chúng tôi tự tin về kết quả sẽ đạt được. Điều này có thể giúp giải quyết vấn đề về sức khỏe cộng đồng không chỉ tại Brazil mà trên toàn thế giới.’

Theo thống kê của trường đại học Johns Hopkins, Brazil đã ghi nhận hơn 3,9 triệu ca nhiễm coronavirus và hơn 120,000 trường hợp tử vong, khiến nước này trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ.

Còn tại nước láng giềng Colombia, các sân bay, phương tiện giao thông đường bộ, nhà hàng và phòng tập thể dục đã mở cửa trở lại, trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế sau nhiều tháng bị các lệnh giới hạn liên quan đến đại dịch coronavirus.

Tỷ lệ bệnh nhân đến khám tại bệnh viện và số ca tử vong đã trở nên ổn định dần tại phần lớn nhiều vùng của Colombia trong mười ngày qua, và chính phủ đã dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp đã áp dụng trong năm tháng vừa qua.

Thị trưởng thành phố Bogota Claudia Lopez nói việc mở cửa trở lại sẽ giúp họ tiến lên nhanh chóng.

 ‘Chúng tôi bắt đầu áp dụng thí điểm vào thứ Năm tuần này, đó là mở cửa trở lại lĩnh vực ẩm thực, tại hơn 10 khu vực của thành phố với hàng trăm nhà hàng. Chính xác là chúng tôi phải học rất nhanh để có thể làm tốt hơn, và tránh được những sai lầm đã mắc phải. Chắc chắn, sai lầm cũng có thể xảy ra nữa, nhưng chúng tôi cũng sẽ biết cách sửa sai.’

Còn tại New Zealand, doanh nhân Sam Morgan là người đã thu về hàng triệu Mỹ kim sau khi phát minh ra phiên bản E-Bay tại xứ sở kiwi. Nay ông đã từ bỏ việc phổ biến công nghệ theo dõi đường đi của ca nhiễm coronavirus mà ông đã phát triển.

Ông bày tỏ sự thất vọng trước thái độ của giới chức y tế.

Phần mềm CovidCard của ông là một thiết bị năng lượng thấp, có thể phát hiện và lưu giữ hồ sơ về các mối liên hệ thân thiết với ca nhiễm trong 21 ngày. Đây được xem là một sự thay thế đầy hứa hẹn cho phần mềm COVID Tracer, của chính phủ, vốn đã bị quá nhiều lỗi.

Ông Morgan nói rằng ông khó mà tiếp tục phần mềm theo dõi của mình vì bị Bộ Y tế phản đối.

Ông nói có thể chi phí phát triển ứng dụng này bị người ta cho là quá đắt, nhưng thật ra không phải vậy.

 ‘Năm mươi triệu đô la chỉ bằng khoảng một ngày trong ngân sách y tế New Zealand. Vì vậy, nghe có vẻ như rất nhiều tiền nhưng ... trong bối cảnh vấn đề có thể giải quyết được, thì giá cả của ứng dụng này khá khiêm tốn.’

Ông Morgan nói ông không thấy cách mà các nhà chức trách đang làm việc có thể dẫn tới thành công.

Còn tại Hoa Kỳ, thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio nói thành phố đang trì hoãn việc đưa học sinh quay trở lại trường học, trong hệ thống trường công lớn nhất quốc gia này.

Thị trưởng De Blasio nói rằng việc giảng dạy được cho là sẽ bắt đầu vào ngày 10 tháng 9 tới đây, sẽ bị trì hoãn đến ngày 16 tháng 9, nhằm cho giáo viên có thêm thời gian chuẩn bị.

Những giờ lên lớp trực tiếp dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 21 tháng 9.

Tuy nhiên giáo viên vẫn không hài lòng với các biện pháp an toàn.

Cô Ava Cotlowitz là một giáo viên mỹ thuật tại Trường 32 quận Brooklyn và cô là một trong những giáo viên đã tham gia cuộc biểu tình phản đối của Liên đoàn Giáo chức.

 ‘Họ vẫn chưa thể giải quyết chính xác việc sẽ mở cửa trường học một cách an toàn. Nhiều đề nghị của Liên đoàn giáo chức gởi lên đã bị phớt lờ. Nhà chức trách đã không giải quyết các yêu cầu của giáo viên cũng như hiệu trưởng. Và đó là lý do tại sao chúng tôi ở đây hôm nay, để tiếp tục đấu tranh cho vấn đề an toàn trong trường học.’

Giống như Hoa Kỳ, các trường học cũng bắt đầu mở cửa trở lại với một mức độ giới hạn nhất định tại các nước Anh, Pháp, Ý, Bỉ, Israel, Hungary và Cuba. Cũng như tại nhiều quốc gia khác nữa.

Và quý vị có thể cập nhật tin tức mới nhất về coronavirus bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus.

Share