Khủng hoảng nhập cư châu Âu ngày càng tồi tệ

Body of 3 year-old Aylan Kurdi, near the beach resort of Bodrum, Turkey

Thi thể của bé Aylan Kurdi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ một năm trước Source: AAP

Đã một năm trôi qua kể từ ngày thi thể của cậu bé người Aylan Kurdi trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gây chấn động dư luận thế giới, thì ngày nay cuộc khủng hoảng nhập cư vẫn chưa dừng lại.


Đã một năm trôi qua kể từ ngày ông Abdullah Kurdi mất cậu con trai yêu quý 3 tuổi, Aylan.

Cậu bé Galib, anh trai của Aylan, cùng mẹ cũng bị chết đuối khi chiếc thuyền của họ bị chìm trên đường đến Hi Lạp.

Ông Kurdi trả lời đài BBC nói rằng đã một năm kể từ ngày mất gia đình, ông vẫn rất khó khăn để vượt qua nỗi đau này.

“Mỗi ngày tôi đều nghĩ về những người thân yêu, ngày hôm nay tôi cảm giác như gia đình tôi đã quay về và ngủ cùng tôi, điều đó lại khiến tôi đau lòng hơn nữa.”

Bức hình đầy ám ảnh về thi thể của cậu bé Aylan nằm trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã thu hút sự quan tâm của cả thế giới về cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Cộng đồng thế giới và cả các chính trị gia lúc đó đã có những chiến dịch ủng hộ người tị nạn thực hiện hành trình đầy nguy hiểm đến châu Âu.

Nhưng, cũng như các chiến dịch vận động quốc tế khác, nó dần mất đi năng lượng và nhiệt tình như ban đầu.

Chiến tranh ở Syria vẫn đang ác liệt, cùng lúc con số những người tị nạn mạo hiểm cuộc sống của họ để tìm một nơi an toàn ở Châu Âu lại càng gia tăng.

“Đầu tiên, cả thế giới đều lo lắng và nhiệt tình giúp những người tị nạn, nhưng chuyện đó chẳng kéo dài nổi một tháng. Thực tế tình hình càng lúc càng tồi tệ hơn, chiến tranh đã leo thang và ngày càng thêm nhiều người phải tìm cách bỏ chạy khỏi cuộc chiến.”
Chiến dịch vận động quốc tế ủng hộ người tị nạn thực hiện hành trình đầy nguy hiểm đến châu Âu đã không còn năng lượng và nhiệt tình như ban đầu.
Con đường đi qua biển Aegean nơi người Kurd nắm quyền kiểm soát đã bị đóng, mặc cho vẫn còn một số người cố gắng xoay xở để đi qua đó.

Hầu hết những người tị nạn đến châu Âu bằng đường đi qua Libya, và hầu hết đều bị bắt và bị đưa đến Italy.

Trong năm nay đã có hơn 282,000 người tị nạn đã đến châu Âu bằng đường biển, ít hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng con số người bỏ mạng lại cao hơn.

Trong năm nay có hơn 3,000 người đã bị chết đuối trên biển.

Hơn 1,000 người sống sót đến được thành phố Salerno ở Italy, họ được Hải quân Tây Ban Nha cứu từ bờ biển Libya.

Phát ngôn nhân của Hội chữ thập đỏ Italy, Giuseppe La Mura cho biết có khoảng 140 người trong số đó là phụ nữ và trẻ em.

“Cách mà chúng tôi làm ở đây là nhận những người nhập cư vào một cơ sở y tế, đây là một cơ sở y tế cao cấp có khu vực dành riêng cho đàn ông và phụ nữ. Khu vực dành cho phụ nữ có phòng khám phụ khoa và nhi khoa, trong khi khu vực dành cho nam giới thì chỉ dành cho những trường hợp cấp cứu. Họ được kiểm tra và chữa trị, và nếu cần thì họ sẽ được đưa đến bệnh viện trong khu vực, hoặc nếu không thì họ tiếp tục với tiến trình kiểm tra nhân thân và được đưa đến các trung tâm người nhập cư.”
“Điều chúng ta có thể kêu gọi Chính phủ đó là tăng số lượng người được nhập cư vào Úc lên 42,000 người trong 5 năm tới. Chúng ta cũng có thể yêu cầu Chính phủ Úc thực hiện cam kết hồi năm ngoái rằng sẽ nhận 12,000 người Iraq vào Úc.” Oxfam Úc
Nhưng các trung tâm người nhập cư thường bị quá tải và thiếu nguồn lực để giải quyết rất nhiều đơn xin tị nạn.

Tại Hi Lạp, ông Karrar Mohomed đến từ Baghdad, nói, ông đã phải chờ hơn 5 tháng để được phỏng vấn với các quan chức.

“Chúng tôi đến đây yêu cầu quyền lợi. Nhưng tôi có cảm tưởng chúng tôi đang ở trong tù. Chúng tôi không được ở trong thành phố, chúng tôi cũng không được sống trong trại nhập cư, mà chỉ như sống trong tù. Chúng tôi bỏ trốn khỏi cái chết để rồi chúng tôi lại thấy cái chết ở nơi này.”

Tiến sĩ Nicole Bieske thuộc tổ chức Oxfam của Úc cho hay, mặc cho nhiều sự phản đối sau cái chết của cậu bé Aylan Kurdi, thì những người tị nạn vẫn tiếp tục phải chịu nhiều gian khổ.

“Cái mà chúng ta thấy kể từ đầu năm 2016 tới nay, đó là cứ mỗi 80 phút lại có một người tị nạn hoặc một người nhập cư tử vong trên đường đến quốc gia khác. Do đó, dù dư luận có phản đối xung quanh cái chết của bé Aylan hồi năm ngoái thì chúng ta chẳng thấy có thay đổi nào đáng kể, mà trên thực tế lại còn tệ hơn.”

Bà Bieska nói thêm, nước Úc có thể làm được nhiều điều hơn để giúp người tị nạn xây dựng lại cuộc sống.

“Điều chúng ta có thể kêu gọi Chính phủ đó là tăng số lượng người được nhập cư vào Úc lên 42,000 người trong 5 năm tới. Chúng ta cũng có thể yêu cầu Chính phủ Úc thực hiện cam kết hồi năm ngoái rằng sẽ nhận 12,000 người Iraq vào Úc.”

Còn ông Abdullah Kurdi, cha của bé Aylan, nói, những người tị nạn chỉ muốn một điều và đó là điều họ đang cố gắng làm, là trở về với cuộc sống bình thường như trước đây.

“Tôi mong tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới hãy làm điều đúng đắn, chấm dứt chiến tranh để người dân có thể về nhà, về với cuộc sống bình thường như trước đây.”


Share