Áp lực lên Bộ trưởng Nội Vụ Peter Dutton càng lúc càng tăng

Minister for Home Affairs Peter Dutton

Minister for Home Affairs Peter Dutton has insisted ghe is eligible to sit in Parliament. Source: AAP

Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton quả quyết ông không làm gì sai trái trong khi áp lực ngày càng gia tăng trước các cáo giác ông đã lạm quyền. Cựu thủ tướng Malcolm Turnbull khuyên người kế nhiệm ông hãy đưa ông Dutton lên Tối Cao Pháp Viện để xem ông này có vi hiến hay không.


Trước những chỉ trích kéo dài, Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton vẫn quả quyết ông vô tội không làm gì sai trái khi can thiệp cho hai người giữ trẻ được ở lại sau khi được người quen nhờ vả.

Nhưng khi chất vấn trước quốc hôm qua, phe đối lập chuyển qua thắc mắc về quyền lợi cá nhân trong hai trung tâm giữ trẻ được chính phủ tài trợ ở Brisbane.

Hiến pháp ngăn cấm bất kỳ sự xung đột quyền lợi nào của các dân biểu. Trước đây vấn đề này đã được nêu ra khi ông Dutton thách thức quyền lãnh đạo của ông Malcolm Turnbull.

Dân biểu Lao Động, Mark Drefyus nói rằng như vậy ông Dutton không được quyền tham gia các cuộc thảo luận trong quốc hội liên quan đến chính sách tài trợ giữ trẻ mới phải. Ông Dutton khăng khăng ông không vi phạm gì cả.

"Tôi đã luôn luôn tuân thủ luật lệ trong Nội Các. Tôi đã công khai quyền lợi trước mỗi cuộc thảo luận, và tôi rất rõ ràng trong chuyện này. Tôi đã không tham gia thảo luận mỗi khi thấy phù hợp, tôi đã thấy truyền thông có những tường thuật không đúng về chuyện này, nhưng tôi không thể nói gì thêm.”

Cựu thủ tướng Malcolm Turnbull đề nghị người kế nhiệm ông hãy để cho Tối Cao Pháp Viện phán xử chuyện này.

Vào lúc bị ông Dutton thách thức quyền lực, ông Turnbull đã nhờ luật sư của chính phủ xem ông Dutton có vi hiến hay không, nhưng luật sư cho biết dù ông không thấy có vấn đề gì nhưng không chắc Tối Cao Pháp Viện cũng nghĩ.

Phát biểu trước quốc hội ông Dutton một lần nữa nói rằng ông không lạm quyền khi can thiệp cho hai cô giữ trẻ ngoại quốc được ở lại mặc dù đã bị hải quan không cho vào với visa du lịch bởi vì nghi họ sẽ làm việc, tức vi phạm visa.

Hai người này thật sự là qua Úc giữ trẻ cho hai gia đình có quen với ông Dutton mặc dù ban đầu ông phủ nhận không biết họ. Cựu chỉ huy Lực lượng Biên phòng Roman Quaedvlieg, người bị đuổi việc vì lạm quyền, tố cáo rằng văn phòng của ông Dutton đã liên lạc với ông để nhờ can thiệp cho một trong hai cô giữ trẻ.

Nhưng ông Dutton đã dùng đặc quyền phát biểu trước quốc hội để tấn công ông Quaedvlieg.

"Sự bôi nhọ này là từ người chỉ huy lực lượng biên phòng, người bị đuổi việc, người đã dụ dỗ một cô nhân viên nhỏ hơn ông đến 30 tuổi, ông ta không đáng tin tưởng và bị chê cười. Thưa ông Chủ tịch Quốc hội, ông ta đúng là một người như vậy.”

Nhiều người nói rằng ông Dutton đã lợi dụng đặc quyền phát biểu trong quốc hội của một dân biểu để mạt sát ông Roman Quaedvlieg, bởi vì xét cho cùng thì cô gái nhân viên được ông tiến cử khiến ông bị đuổi việc, vào lúc đó đã 23 tuổi rồi.

Ông Quaedvlieg cũng tiếc lộ rằng ông Dutton đã nhờ ông kiếm việc trong lực lượng biên phòng cho hai cựu cảnh sát viên từng làm chung với ông bộ trưởng trước đây.

Phó thủ lãnh Lao Động bà Tanya Plibersek nói ông Dutton không công bằng khi dèm pha ông Quaedvlieg.

"Dĩ nhiên là ông bộ trưởng có toàn quyền biện minh cho các quyết định của ông đưa ra. Nhưng ông không có quyền dèm pha các công chức dựa vào đặc quyền phát biểu trong quốc hội theo cách thật không hay ho gì. Tôi nghĩ nó cho thấy ông ta đang chịu nhiều áp lực như thế nào."

Ông Quaedvlieg cho biết ông đã viết thơ cho Chủ tịch Hạ Viện bởi vì ông cảm thấy ông bị buộc tội ấu dâm, khi ông Dutton nói ông dụ dỗ một cô gái nhỏ hơn 30 tuổi.

Nhưng ông Quaedvlieg không thể kiện ông Dutton vì tôi phỉ báng vì đặc quyền của dân biểu.

Nhưng Thủ tướng Scott Morrison nói ông Dutton không cần phải xin lỗi bởi vì ông Dutton chỉ muốn chứng minh rằng ông Quaedvlieg là một người không đáng tin tưởng.

"Những gì ông ta nói tôi nghĩ cho thấy ông Dutton thất vọng thế nào trước những thông tin sai lạc về ông được lập đi lập lại. Tôi cũng ngạc nhiên khi báo chí cứ chạy những thông tin đó, bởi chúng ta được chứng minh là không đúng. Người nào muốn làm vậy là quyền của họ, nhưng ông Dutton cũng có quyền biện minh, và quốc hội đã dành cho ông quyền đó.”

Nhưng phe đối lập vẫn cương quyết đòi ông Dutton phải làm rõ nhiều chuyện. Dân biểu Lao Động Amanda Rishworth nói với Sky News dân chúng kỳ vọng ở thủ tướng nhiều hơn.

"Tôi nghĩ người dân Úc trông chờ nhiều hơn ở thủ tướng. Tại sao ông ấy không lấy cương vị lãnh đạo để yêu cầu ông Peter Dutton phải giải thích rõ ràng những gì đã xảy ra, thay vì bào chữa cho ông ta như thủ tướng đang làm."

Share