Úc kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết về biển Đông

Foreign Minister Julie Bishop

Foreign Minister Julie Bishop Source: AAP

Chính phủ liên bang ủng hộ mạnh mẽ phán quyết về biển Đông tại The Hague, phán quyết bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông.


Chính phủ liên bang ủng hộ mạnh mẽ phán quyết về biển Đông tại The Hague, phán quyết bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông.

Trong một vụ kiện được xem như là phép thử đối với quyền lực của Trung Quốc ngày càng lấn lướt, cũng như đây là thử thách cho những mục đích chiến lược và kinh tế của nước này, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết chống lại Trung Quốc.

Tòa Trọng tài Thường trực tuyên bố Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Philippines qua những hành động đe dọa ngư thuyền và hàng hải của Philippines, cũng như những dự án khai thác dầu khí của đất nước này.

Phán quyết có dẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 không công nhận yêu sách 69 năm Trung Quốc có chủ quyền đối với 85% vùng biển bị tranh chấp.

Phán quyết cũng nói Trung Quốc không thể tự tạo ra các khu vực chủ quyền trên biển Đông thông qua việc xây dựng các đảo nhân tạo.

Tại Úc, Ngoại trưởng Julie Bishop nói đây chính là phép thử quan trọng cho tham vọng của Trung quốc muốn trở thành bá chủ thế giới.

Trung Quốc đáp trả là nước này sẽ phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, cho hay về mặt pháp lý, phán quyết không thể bắt buộc Trung Quốc phải tuân thủ.

Với thái độ bất chấp này, phán quyết có thể khiến cho Trung Quốc, Hoa Kỳ và khu vực Châu Á Thái Bình Dương lâm vào thế lưỡng nan, cũng như ý tưởng các quốc gia phải tuân thủ và thi hành phán quyết quốc tế đã bị lâm vào thế bí.

Vài quan sát viên cho hay vẫn còn đường dẫn tới đàm phán nhưng có vẻ như hiện nay, chỉ có đường đưa tới sự căng thẳng gia tăng về chính trị và kinh tế trong khu vực mà thôi.
"Trung Quốc can dự vào cuộc tranh chấp với thái độ hung hăng và đôi khi dọa dẫm nước yếu hơn nữa, bây giờ thì đã bị tòa quốc tế cảnh cáo rồi. Nước Úc ủng hộ phán quyết này", Stephen Conroy
Ngoại trưởng Julie Bishop trả lời đài ABC là vụ kiện cung cấp một bài toán thử thách những giải pháp hòa bình trong tương lai cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cũng như đây là phép thử xem Trung Quốc có thể nắm giữ được địa vị ngày càng tăng của mình trên thế giới hay không. Bà nói:

"Đây là một phán quyết quốc tế quan trọng. Đây cũng là một vụ kiện thử thách khu vực này có thể giải quyết tranh chấp trong hòa bình được không.

"Chúng tôi kêu gọi cả hai bên Trung Quốc và Philippines hãy tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực và tuân thủ nghiêm túc. Đây là phán quyết chung cuộc hợp pháp ràng buộc hai quốc gia. Cũng như cả hai đều là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

"Chúng tôi hy vọng bên nguyên đơn dựa vào phán quyết này để mở ra cơ hội cho những cuộc đàm phán hòa hoãn. Đàm phán phải dựa trên các phán quyết chung về quyền hàng hải mà Tòa trọng tài đã kết luận, nhằm đưa những đòi hỏi chủ quyền của nước mình phù hợp với luật pháp quốc tế đã ban ra".

Trung Quốc đòi chủ quyền tại hầu hết những vùng biển giàu tiềm năng khoáng sản thuộc biển Đông, những vùng này cũng thuộc các tuyến hải hành tấp nập nhất, đón khoảng 5 ngàn tỷ Mỹ kim giá trị giao dịch thương mại bằng đường thủy đi qua khu vực này hàng năm.

Nhật Bản, Brunei, Mã Lai, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền của nước mình đối với các khu vực khác nhau thuộc vùng biển này.

Xem xét vụ kiện của Philippines dưới nhiều vấn đề, Tòa Trọng tài Thường trực phán quyết không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền lịch sử của mình đối với các tài nguyên nằm trong vùng biển mà nước này gọi là "đường 9 đoạn".

Vùng biển thuộc đường 9 đoạn này bao bọc gần như 90% biển Đông. Trong khi đó, người Philippines vui mừng trước phán quyết của tòa.

Ngoại trưởng Philippines, ông Perfecto Yasay nói phán quyết là một bước ngoặc quan trọng trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp trong khu vực. Ông nói: 

"Người dân Philippines khẳng định mạnh mẽ là chúng tôi tôn trọng phán quyết lịch sử này, đây là một đóng góp quan trọng cho những nỗ lực lâu dài nhằm giải quyết tranh chấp tại biển Đông."

Sau phán quyết, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Cui Tiankai đã lên tiếng phản đối.

Ông ta cho hay quán quyết đã làm xói mòn và suy yếu mục tiêu của Trung Quốc là muốn tiến đến đàm phán và bàn bạc nhằm giải quyết những bất đồng trong khu vực.

Tuy nhiên ngay cả trước khi có phán quyết thì Trung Quốc vẫn bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Philippines. Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ còn cho hay Trung Quốc đơn giản chỉ khôi phục lại những gì của mình đã bị mất trong vùng biển trước đó, trước khi những nước khác can thiệp vào. Ông nói:

"Tôi nghĩ rằng thực tế là nguyên trạng đã bị thay đổi rất nhiều do có sự can thiệp của các nước khác trong một thời gian dài. Vì vậy những gì chúng tôi đang làm là nhằm khôi phục lại nguyên trạng của vùng biển. Vì vậy không có lý do gì mà những nước khác kết tội Trung Quốc như vậy cả.

"Những gì chúng tôi đang làm là xây dựng cơ sở để hỗ trợ cho tàu thuyền của Trung Quốc cũng như của các quốc gia khác."

Quay lại nước Úc, phát ngôn nhân Quốc phòng phe đối lập Stephen Conroy nói hành động của Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và khiêu khích nhất là trong mấy tuần vừa qua.

Thượng nghị sĩ Conroy trả lời đài ABC là ông mong muốn Úc biểu thị sự ủng hộ đối với luật quốc tế bằng cách duy trì thực hành tự do hàng hải tại biển Đông. Ông nói:

"Trung Quốc can dự vào cuộc tranh chấp với thái độ hung hăng và đôi khi dọa dẫm nước yếu hơn nữa, bây giờ thì đã bị tòa quốc tế cảnh cáo rồi. Nước Úc ủng hộ phán quyết này.

"Chúng tôi không đưa ra bất kỳ sự phê bình chỉ trích nào, tuy nhiên nếu chúng ta chỉ ngồi đó, phớt lờ phán quyết cũng như không nói gì trước những yêu sách đi ngược với phán quyết, thì nước Úc sẽ bị thất bại trong cuôc thử thách phải ủng hộ hệ thống quốc tế.”

Còn ngoại trưởng Jullie Bishop nói bà trông chờ được đối thoại với người đồng nhiệm quốc tế trong vài ngày tới. Cũng như ngoại trưởng hy vọng phán quyết này sẽ được đưa vào chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á và ASEAN họp vào giữa tháng Bảy.

Bà Bishop khẳng định tàu và phi cơ Úc vẫn sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải trong khu vực.    

 


Share