Úc bác bỏ đề nghị của New Zealand muốn nhận định cư 150 người tỵ nạn

Australian Prime Minister Malcolm Turnbull talks as New Zealand Prime Minister Jacinda Ardern listens

Australian Prime Minister Malcolm Turnbull talks as New Zealand Prime Minister Jacinda Ardern listens Source: AAP

Thủ tướng Malcolm Turnbull một lần nữa đã bác bỏ đề nghị của New Zealand nhằm cho phép 150 người tỵ nạn được định cư tại quốc gia nầy, trong khi căng thẳng tại Trung Tâm Giam Giữ trên đảo Manus vẫn tiếp tục.


Trong khi đó đảng Lao động thúc giục Thủ tướng Turnbull hãy tạo áp lực lên Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hầu xúc tiến việc định cư người tỵ nạn tại Mỹ.

Hồi cuối tuần qua Thủ tướng Malcolm Turnbull đã có cuộc hội đàm song phương với tân Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern tại Sydney.

Bà Ardern một lần nữa lập lại đề nghị hồi năm 2013 rằng, nước nầy sẳn sàng nhận vào 150 người tỵ nạn.

“Tôi xin lập lại đề nghị của New Zealand là nhận 150 người tỵ nạn từ Manus và Nauru được định cư tại nước tôi. New Zealand có một nghĩa vụ tổng quát nhằm chắc chắn rằng chúng ta luôn duy trì bổn phận đối với Liên hiệp quốc về việc định cư người tỵ nạn”.

Bà nói rằng, đề nghị nầy là thật lòng và vẫn còn sẵn sàng để thảo luận.

Thế nhưng ông Turnbull cho biết, ông bác bỏ đề nghị nói trên do quan ngại là việc chấp nhận, có thể gởi một tín hiệu không mong muốn đến những kẻ buôn người.

“Chúng ta chứng kiến hơn 50 ngàn người đến đây bất hợp pháp và 1200 cái chết trên biển".

"Chính sách Di trú của Úc hiện thắng thế đối với những kẻ buôn người, vốn là những kẻ tội phạm tệ hại nhất trên thế giới".

"Có lúc đã có đến 8 ngàn trẻ em trong trại và đó quả là một thảm kịch”, Malcolm Turnbull.

Ông Turnbull cho rằng mục tiêu của chính phủ, vẫn nhắm vào hiệp ước ký kết với Mỹ, vốn có thể nhận đến 1250 người.

“Như quí vị biết, chúng ta đã có thỏa thuận với phía Mỹ với con số cụ thể là 1250 người có thể trải qua việc thanh lọc chặt chẽ để định cư tại Mỹ. Chúng ta đang theo đuổi mục tiêu đó vào lúc nầy và đó là cam kết cuả chúng ta”.

Cho đến nay, chỉ có 54 người là được phía Mỹ chấp nhận.

Trong khi đó, một dân biểu hàng ghế sau của chính phủ đã vượt cấp bậc, trong việc kêu gọi có thể ủng hộ việc định cư người tỵ nạn tại Tân Tây Lan.

Ông Kevin Andrews cho đài Sky News biết rằng, đề nghị của nước nầy nên được cứu xét.

“Chúng ta nên xem xét các đề nghị của New Zealand, thực tế là chúng ta có một hiệp ước với Mỹ vào lúc nầy".

"Hoa kỳ đang nhận một số người nầy, thế nhưng vẫn còn rất nhiều người ở đó”, Kevin Andrews.

Trong khi đó, Lao động kêu gọi Thủ tướng Malcolm Turnbull nên tạo áp lực lên Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, trong việc gia tốc định cư người tỵ nạn tại Mỹ.
"Tôi đã yêu cầu hôm qua theo sau đề nghị của Thủ tướng Tân Tây Lan qua việc lập lại việc định cư 150 người tỵ nạn, là chính phủ nên chấp nhận việc nầy”, Bill Shorten.
Lời kêu gọi diễn ra, khi căng thẳng tại Trung tâm Giam giữ trên đảo Manus vẫn tiếp tục, với hơn 600 người tỵ nạn cố thủ trong cơ sở nay đã bị đóng cửa.

Những người biểu tình tại Sydney và Melbourne cũng xuống đường, với con số hàng trăm người, để ủng hộ người tỵ nạn và người tầm trú.

Họ diễn hành qua các đường phố tại Sydney và Melbourne, kêu gọi chính phủ Turnbull hãy tỏ lòng thương xót đến những người bị cầm giữ, tại trung tâm giam giữ Manus và Nauru.

Những người cố thủ bên trong cơ sở cho biết, họ quá sợ hãi để di chuyển đến một trại tạm thời ở thị trấn chính, vì lo sợ bị những dân địa phương tấn công.

Tuyên bố trong cuộc biểu tình tại Melbourne, Phó lãnh tụ đảng Xanh là dân biểu Adam Bandt nói rằng, quả là một thảm kịch và ông cáo buộc chính phủ thi hành một chính sách khủng bố.

“Những gì xảy ra giữa Canberra và Manus đã bị cắt đứt, rồi chính phủ trở thành kẻ khủng bố".

"Nếu định nghĩa của khủng bố là dùng bạo động và đe dọa cuộc sống của con người vì các mục đích chính trị, thì Tổng trưởng Di trú  Peter Dutton là một tên khủng bố".

"Nhìn vào mặt ông ta cũng giống như nhìn vào độ mắt lạnh lùng của những người chuẩn bị ra tay hạ sát người khác vì mục tiêu chính trị”, Adam Bandt.

Các cuộc biểu tình theo sau lời kêu gọi của Liên hiệp quốc đến chính phủ Úc, nhằm ngay tức khắc cung cấp các dịch vụ căn bản cho hàng trăm người tầm trú, hiện từ chối rời khỏi trung tâm giam giữ nói trên.

Thực phẩm, điện năng và việc cung cấp nước uống cho cơ sở nầy đã bị cắt đứt, khi trại nầy chính thức bị đóng cửa vào hôm thứ ba tuần rồi.

Phát ngôn nhân của Liên hiệp quốc là ông Babar Baloch cho biết, những người đó nên được đối xử  một cách nhân đạo.

“Chúng tôi thúc giục chính phủ Úc nên phục hồi các dịch vụ căn bản. Có rất nhiều quan ngại về sức khỏe của các người tầm trú và người tỵ nạn nầy. Việc phân phát thực phẩm cuối cùng là hôm chủ nhật vừa qua”.

Lãnh tụ đối lập Bill Shorten cho biết, ông Turnbull nên dùng cuộc hội đàm với Tổng thống Trump tại Á châu trong những tuần lễ sắp tới, để nêu lên khả năng định cư người tỵ nạn.

Trước đó, chính quyền Trump đồng ý định cư đến 1250 người từ Nauru và Manus.

Thế nhưng ông Trump tỏ vẻ không mấy quan tâm đến hiệp ước nói trên, mặc dù ông do dự trong việc tôn trọng hiệp ước nầy và cho đến nay, khoảng 50 người đã được di chuyển sang Mỹ.

Về chuyện ông Turnbull gặp gỡ tân Thủ tướng New Zealand hôm chủ nhật, với đề nghị nước nầy nhận định cư 150 người tỵ nạn, lãnh tụ đối lập Bill Shorten cho biết ông ủng hộ kế hoạch nói trên và cho biết tình hình hiện tại gây rất nhiều khó khăn.

“Chúng tôi không muốn thấy những kẻ buôn lậu người hoạt động trở lại thế nhưng tôi nghĩ những gì diễn ra tại Manus đang gây quan ngại sâu xa cho người dân Úc".

"Tôi đã đề nghị hôm qua theo sau đề nghị của Thủ tướng Tân Tây Lan qua việc lập lại việc định cư 150 người tỵ nạn, là chính phủ nên chấp nhận việc nầy”, Bill Shorten.

Thế nhưng Thủ tướng Malcolm Turnbull đã bác bỏ đề nghị nói trên và Tổng trưởng Di trú  Peter Dutton trước đó tuyên bố rằng, có 3 địa điểm khác với tiện nghi tốt hơn cho những người hiện ở trong trung tâm giam giữ cũ vốn đã bị đóng cửa, bất chấp có một cáo buộc là ít nhất một trại vẫn còn đang xây dựng.

Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 







Share