Người Úc nhớ về việc chia cắt lục địa Ấn Độ

Hàng trăm người Hồi Giáo trên chuyến xe lửa ra khỏi Tân Đề Ly

Hàng trăm người Hồi Giáo trên chuyến xe lửa ra khỏi Tân Đề Ly Source: AAP

Việc phân chia Ấn độ diễn ra vào ngày 14 tháng 8 năm 1947 khi thực dân Anh chia cắt lục địa Ấn thành 2 quốc gia.


Phía đông trở thành quốc gia Pakistan với đa số dân chúng theo Hồi giáo, trong khi phần còn lại là nước Ấn độ với đa số là tín đồ Ấn giáo.

Việc phân chia nói trên dẫn đến hậu quả là một vụ cưỡng bách di dân lớn lao nhất trong lịch sử loài người.

Một chiếc nón có lần là vật sở hữu của nhà lãnh đạo Ấn giáo giành độc lập là ông Mahatma Gandhi, được bà Carole Clancy O'Hehir xem là một trong những vật trân quí nhất.

"Ông Gandhi thường ngồi và vân vê chiếc nón đó trong nhiều dịp khi ông tuyệt thực hay làm chuyện chi khác, vì vậy đó là chiếc nón mà ông đã từng mân mê trên tay và đã tặng cho cha tôi như là một kỷ niệm cho tình bạn của họ, vốn vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay".

Cha của bà Carole là ông Allan, vốn là phi công của hãng hàng không Quốc gia Ấn độ, có trụ sở tại Tân Đề Ly.

Các hành khách của ông là những nhà lãnh đạo Anh quốc chuẩn bị rời khỏi lục địa Ấn độ, trong đó có vị Phó Vương Ấn độ và nhà lãnh đạo giành độc lập nổi tiếng nhất nước Ấn.

Bà Carole lúc đó mới 6 tuổi, đã có những kỷ niệm êm đềm khi gặp gỡ ông Gandhi tại Tân Đề Ly, và ngay cả dự tang lễ của ông nầy nữa.

"Có những lối xe chạy trước nhà thật lớn và chúng tôi phải đi hết lối đi nầy để chờ đợi xe buýt đưa rước học sinh, vốn thường đến đón chúng tôi".

"Ông ta thường đi bộ buổi sáng cùng với đoàn tùy tùng, vỗ đầu chúng tôi và nói 'Chào các cô gái', chúng tôi chỉ nghĩ đó là một ông cụ dễ mến đối với chúng tôi", bà Carole Clancy O'Hehir.

Khi Ấn độ giành được độc lập, những nhà cai trị Anh quốc vẽ một đường dài qua tỉnh Punjab và tạo thành quốc gia Pakistan.

Có ước lượng 14 triệu người Sikh, Hồi giáo và Ấn giáo đã mất hết nhà cửa và có khoảng một triệu người chết.

Cha cuả bà Carole tham gia các chuyến bay chở người tỵ nạn giữa Pakistan và Ấn độ, đã chứng kiến một số cảnh báo động tệ hại nhất.

"Có lần ông ta phải đi xe lửa trở về, bởi vì phi trường Tân Đề Ly đã bị đóng cửa do các vụ nổi loạn và ông ta phải trở lại bằng xe lửa".

"Họ cho ngưng xe lửa giữa đường và lên xe để chỉ biết bắn giết mà thôi".

"Người theo Ấn giáo giết chết người Hồi giáo và những vụ bạo động xảy ra hầu như ngang bằng nhau, họ chỉ biết chém giết tất cả, thế nhưng cha tôi lại không bị động đến".

"Xe lửa đến Tân Đề Ly và chẳng còn một người nào ở đó, ông ta phải đi bộ về nhà vì chẳng có một chiếc xe hơi nào trên đường, trong khi các xác chết rải rác khắp nơi", bà Carole Clancy O'Hehir.

Việc chia cắt lục địa Ấn độ, đã chia rẽ nhiều cộng đồng trước đây sống hoà thuận với nhau.

Balwant Chadha lớn lên tại Jekham, thuộc tỉnh Punjab một nơi nay thuộc về Pakistan.

Vốn thuộc gia đình người theo đạo Sikh, ông nhớ đã chơi đùa bên dòng sông Jelham, cùng với các bạn Hồi giáo và Ấn giáo khi còn nhỏ.

Thế nhưng ông nói vào năm 1947 lúc ông được 6 tuổi, mọi chuyện đã thay đổi.

"Người Hồi giáo bắt đầu thù hận, tín đồ Ấn giáo bắt đầu oán hận kẻ khác tôn giáo, còn người Sikh cũng chiến đấu để sống còn, vì vậy chúng tôi hết sức lo sợ về chuyện chém giết đó".
"Cũng giống như mọi chuyện khủng khiếp trên thế giới, nếu người ta biết được về những điều nầy, thì hy vọng nó sẽ không tái diễn", bà Clancy O'Hehir.
Ông còn nhớ những người láng giềng hết sức kinh hãi, tìm cách trú ngụ trong nhà ông.

"Tất cả bọn họ đến nhà chúng tôi, do nhà chúng tôi rất rộng lớn".

"Họ thường đến nhà chúng tôi vào ban đêm và chúng tôi thường phải khóa các cửa, thế nhưng họ leo lên mái nhà và tôi còn nhớ, họ mang đá cục và cả nước sôi nữa, vì vậy nếu có người đến phá cửa hay làm gì khác, họ chỉ cần đổ nước sôi lên những kẻ muốn xông vào", Balwant Chadha.

Gia đình ông quyết định trốn chạy khỏi quốc gia tân lập là Pakistan và phải đáp chuyến xe lửa đông nghẹt kín người.

Người em gái mới chào đời của ông đã bị chết do đói, trong cuộc hành trình hết sức kinh hãi.

"Tôi không hiểu làm sao tôi sống sót được hay chúng tôi còn sống được, trong khi có nhiều người chết trên chuyến xe lửa đó, rất nhiều người, khi họ ném những người khác khòi xe lửa, do họ chỉ cần ném ra ngoài đường tàu".

"Tôi vẫn còn nhớ có rất nhiều trẻ em than khóc, mẹ của chúng cũng khóc lóc thảm thiết, còn các thiếu nữ thì bị hãm hiếp", Balwant Chadha.

Trong khi người Sikh và tín đồ Ấn giáo rời khỏi Pakistan, thì những người tỵ nạn Hồi giáo lại di cư theo hướng ngược lại.

Tiến sĩ Abdul Khaliq Kazi năm nay 87 tuổi và hiện sống ở phía đông Melbourne, hồi tưởng lại chuyện ông gặp rất nhiều người tại ga xe lửa Karachi, nơi ông đã tặng thức ăn và chào đón họ.

Ông cho biết, trong khi một số người tại Pakistan phấn khởi khi được độc lập, thì những người khác lại đau khổ.

"Họ than phiền bị tra tấn, ám sát và mọi người cho biết 'Tôi mất chị hay em gái tôi', hoặc 'Tôi không biết họ ở đâu vì tôi phải chạy thục mạng để cứu lấy mình".

Tiến sĩ Kazi cho biết, gia đình Hồi giáo cùa ông đã sống hài hoà với một gia đình Ấn giáo bên cạnh, trước khi vụ phân cách diễn ra.

Ông tin rằng, việc chia cách vì lý do tôn giáo do người Anh khuyến khích nhằm cai trị dễ dàng hơn.

"Chia rẽ và quyền lực mang lại kết quả trong một thời gian ngắn, và rồi dĩ nhiên những người mà họ đã chia rẽ và bỏ họ lại phía sau, sẽ giải quyết vấn đề sau đó".

Sau khi đến Úc, bà Clancy O'Hehir ngạc nhiên khi có ít người biết về chuyện đổ máu, qua vấn đề chia cắt Ấn độ.

70 năm sau, bà tin rằng đó là câu chuyện vẫn còn nên được kể lại cho thế hệ mai sau.

"Cũng giống như mọi chuyện khủng khiếp trên thế giới, nếu người ta biết được về những điều nầy, thì hy vọng nó sẽ không tái diễn", bà Clancy O'Hehir.



Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 





Share