Đẩy nhanh việc phân phối vaccine coronavirus tới từng phòng mạch gia đình

Acting Chief Medical Officer Professor Michael Kidd

Acting Chief Medical Officer Professor Michael Kidd Source: AAP

Hàng trăm phòng mạch gia đình nữa sắp sửa tham gia vào chương trình chủng ngừa coronavirus khi chương trình bắt đầu đẩy nhanh tốc độ khai triển. Queensland hôm nay trải qua ngày thứ 3 liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm COVID mới trong cộng đồng. Và hành lang du lịch Tasman đã được nối lại giữa Úc và Tân Tây Lan, bắt đầu có hiệu lực từ 10 giờ tối ngày 18 tháng Tư.


Hàng trăm bác sĩ và phòng khám y khoa sẽ tham gia vào chương trình chủng ngừa coronavirus tuần này, giữa lúc chính phủ liên bang tiếp tục hứng chỉ trích về tốc độ khai triển vaccine.

Úc đang trên đà đạt đến 1 triệu lượt tiêm vaccine trong tuần này, nhưng so với mục tiêu đặt ra ban đầu là 4 triệu liều trước tháng Tư thì con số này quả là ít ỏi.

Sự trì hoãn được đổ lỗi là do các vấn đề cung ứng vaccine trên thế giới.

Chính phủ cam đoan mỗi người dân muốn tiêm chủng sẽ nhận được liều vaccine đầu tiên trước tháng Mười.

Quyền Trưởng ban Y tế Úc ông Michael Kidd nói nhiều phòng mạch sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng trong tuần này.

‘Bạn có thể tìm hiểu tại các phòng mạch gần nơi ở của bạn, hoặc tại website của Bộ Y tế của chính phủ, nơi công bố danh sách các địa điểm phân phối vaccine. Bạn cũng có thể gọi đến đường dây nóng. Với tư cách là một bác sĩ đa khoa, và là cựu chủ tịch trường hoàng gia đào tạo GP của Úc, tôi tin tưởng vào tay nghề của đồng nghiệp, các bác sĩ gia đình, các y tá, người tiếp tân tại phòng mạch, người quản trị phòng mạch, và tất cả những ai đã đứng ra đảm nhận việc đưa vaccine đến người dân.’    

Giáo sư Kidd nói số lượng phòng khám y khoa tham gia tiêm chủng sẽ tăng gấp đôi, từ 1,500 lên 3,000 nơi vào trước cuối tuần này.

Chính phủ hy vọng chương trình sẽ đẩy nhanh tốc độ một khi công ty C-S-L đã sản xuất đủ liều AstraZeneca vaccine để sử dụng trong nước.

Tuy nhiên bác sĩ Con Costa, Phó Chủ tịch Quốc gia của chương trình Bác sĩ Cải cách Xã hội, muốn biết tại sao vài phòng mạch đã ghi nhanh tiêm chủng nhưng vẫn còn những phòng mạch không muốn tham gia.

Ông nói điều này có thể gây hoang mang cho bác sĩ và bệnh nhân.

‘Mọi người cảm thấy thoải mái hơn nếu được tiêm vaccine với một bác sĩ mà họ quen thuộc. Họ thường làm như vậy xưa nay, nhất là với những bệnh nhân từ các sắc tộc khác. Nay thì họ có phần hoang mang với vaccine coronavirus. Họ phải lên mạng, gọi điện thoại đặt chỗ tiêm vaccine với một phòng khám xa lạ và thường thì không nhận được câu trả lời ngay. Họ có thể không đặt được lịch hẹn, cũng như họ sẽ được hỏi ngay từ đầu rằng họ có muốn tham gia chữa trị lâu dài với phòng khám đó không. Nhiều điều phiền toái và gây hoang mang lắm. Đó không phải là cách làm của một cuộc khai triển vaccine toàn quốc. Mà lúc này ai cũng muốn biết khi nào họ mới có thể được tiêm.’

Trong khi đó Hiệp hội Y khoa Úc AMA nói không cần phải lo lắng về vaccine AstraZeneca, sau vụ một người đàn ông tại Melbourne nhập viện sau khi tiêm vì chứng máu đông.

Giới chức y tế liên bang nói mặc dù có một vài sự liên hệ giữa việc người đàn ông 44 tuổi tiêm vaccine và phát triển các khối huyết trong cơ thể ông ta, nhưng vaccine vẫn an toàn.

Phó chủ tịch A-M-A Chris Moy nói nhìn chung tiêm vaccine không tăng nguy cơ đông máu.

Trả lời Sky News ông nói chứng máu đông hiếm hoi khi cơ thể phản ứng với vaccine chỉ xuất hiện ở 1 trên 500 ngàn người.

‘Bạn biết đấy, chúng ta cần liên hệ điều này với cách mà chúng ta thường suy nghĩ về các loại trị liệu khác. Thuốc tránh thai là một ví dụ điển hình. Phụ nữ dùng thuốc tránh thai có tỷ lệ đông máu, theo kiểu đông máu thông thường, chứ không phải loại đông máu này. Thì tỉ lệ vào khoảng 1/1000 người mỗi năm. Vì vậy, bạn biết đấy, những con số chúng ta đang nói đến ở đây là rất, rất nhỏ. Điều này không có nghĩa là chúng tôi không coi trọng nó, nhưng chúng tôi cần một quan điểm khi chúng tôi thực sự nhìn vào lợi ích của vccine, khi so sánh với bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn hiếm hoi nào của vaccine này.’

Tình hình tiêm vaccine tại Úc có liên quan trực tiếp tới quyết định mở cửa biên giới với ngoại quốc.

Với tốc độ khai triển đang được thúc đẩy nhanh hơn, hai nước Úc và Tân Tây Lan đã ký thành công thỏa thuận thành lập hành lang du lịch Tasman chiều nay.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vừa thông báo ngày bắt đầu mở cửa biên giới cho người Úc đến New Zealand mà không cần phải cách ly bắt buộc.

Người dân Úc sẽ bắt đầu được bay New Zealand từ ngày 19 tháng Tư, tức 10 giờ tối ngày 18 tháng Tư giờ Đông bộ Úc châu.

Những gia đình đang bị chia cắt do biên giới đóng cửa là những tiếng nói mạnh mẽ nhất kêu gọi việc mở cửa lại biên giới để được đi lại bình thường.

Các ngành kỹ nghệ và doanh nghiệp có liên quan đến du lịch cũng đang khẩn thiết kêu gọi mở cửa lại.

Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, người Úc chiếm tới 40% những người ngoại quốc đến New Zealand, góp phần vào khoảng 24% trên tổng số $2.7 tỷ số tiền mà du khách quốc tế chi trả hàng năm ở New Zealand.

Trong khi đó Queensland trải qua ngày thứ 3 liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng mới.

Hơn 35,000 người Queensland đã làm xét nghiệm covid hôm qua, khiến nhà chức trách càng tự tin rằng virus đã nằm trong vòng kiểm soát.

Tiểu bang hôm nay ghi nhận thêm 7 ca nhiễm mới từ ngoại quốc về nước đang cách ly tại khách sạn, và một ca nhiễm bí ẩn còn tồn đọng vì chưa tìm được nguồn lây.

Còn tại NSW, mặc dù hôm nay không ghi nhận ca nhiễm nào trong cộng đồng như giới chức yêu cầu du khách đi vào quầy bar tại khách sạn Park Hotel tại Suffolk Park, Byron Bay vào ngày chủ nhật 28/3 phải tự cách ly 14 ngày vì một ca nhiễm covid đã từng ghé vào đây.

Những khách hàng của tiệm bánh Suffolk Park Bakery và khu mua sắm Shopping Centre Plaza của Byron bay vào thứ bảy 27/3 cũng bị ảnh hưởng và phải cách ly cũng như làm xét nghiệm càng sớm càng tốt.

Share