Các nhà hoạt động cảnh báo về “trận sóng thần vô gia cư”

Launch Housing

Launch Housing campaign poster in a Body Shop Source: SBS

Các nhà hoạt động đang cảnh báo về cái gọi là "trận sóng thần vô gia cư" vào cuối năm tới, khi các biện pháp bảo vệ người thuê nhà liên quan đến COVID bị giảm bớt. Một chiến dịch mới cũng đang diễn ra nhằm cố gắng xóa bỏ quan niệm sai lệch và sự kỳ thị với người vô gia cư, nhất là đối với phụ nữ.


Shevaun Job là một trong những gương mặt mới trong làng vô gia cư khi đại dịch COVID ập đến.

Hồi tháng 3, người phụ nữ 24 tuổi này đã bị sa thải khỏi vị trí quản lý nhà hàng tại Sân bay Sydney.

Cô đã xin trợ cấp Người tìm việc (Jobseeker) thông qua Centrelink, nhưng cô không đủ điều kiện để nhận trợ cấp vì làm việc chưa đủ 12 tháng.

“Và sau đó, chúng tôi không trả nổi tiền thuê nhà, số tiền khoảng 750 đô la một tuần. Tôi đã có nhà ở, có việc làm ổn định, vậy mà đột ngột bị mất hết. Tôi đành phải tìm chỗ ở tạm, và tôi đã ở trong một phòng trọ từ hai, ba tháng nay.” - Shevaun Job nói. 

Cô Shevaun Job không phải là trường hợp duy nhất, giáo sư Hal Pawson chuyên nghiên cứu về nhà ở tại Đại học New South Wales cho biết:

“Những người trẻ tuổi nói chung, - bao gồm các phụ nữ trẻ - đã bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng thất nghiệp trong đại dịch. Và chúng ta sẽ thấy rõ sự ảnh hưởng vào năm tới, liên quan đến tình trạng vô gia cư.”

Ca sĩ trẻ người Úc Siala đã dành gần hết 19 năm để trải nghiệm cuộc sống vô gia cư.

Cô đã góp tiếng nói của mình cho một chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm xóa bỏ những quan niệm sai lầm và sự kỳ thị xung quanh vấn đề này.

Chiến dịch trên toàn nước Úc cũng liên quan đến chuỗi cửa hàng bán lẻ The Body Shop và một nhóm cộng đồng mang tên Launch Housing.

Người đứng đầu nhóm này là ông Bevan Warner nói rằng có vô số phán xét tiêu cực về người vô gia cư:

“Và nếu bạn thực sự không có chỗ ở, phải ngủ trong xe hơi chẳng hạn, thì có quan niệm cho rằng bạn đã lựa chọn sai lầm, và có người hoài nghi về việc có nên giúp đỡ những người đã lựa chọn sai lầm hay không.”

Trong một cuộc khảo sát do Launch Housing thực hiện, gần một nửa số người được hỏi cho biết tình trạng vô gia cư chủ yếu là vấn đề của nam giới và do những lựa chọn về lối sống như nghiện ma túy hoặc rượu.

Nhưng theo dữ liệu từ Viện Y tế và Phúc lợi Úc, khoảng 73% khách hàng nhận dịch vụ cho người vô gia cư trong tháng 9 là phụ nữ và trẻ em - cùng tỷ lệ với một năm trước.

Trong đó 46% là do bạo lực gia đình; 31% do khó khăn tài chính; chỉ có 29% là do khủng hoảng nhà ở.

Vào cao điểm của cuộc khủng hoảng, như một phần của xu hướng trên toàn thế giới, những lo ngại về sức khỏe cộng đồng đã khiến chính quyền một số bang chuyển những người vô gia cư đến các khách sạn và chỗ ở tạm thời.

Các nhà nghiên cứu về nhà ở cho biết các lệnh cấm trục xuất, và hỗ trợ thu nhập như Jobkeeper cũng đã giữ cho số lượng người vô gia cư ổn định.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi các biện pháp bảo vệ này kết thúc hoặc giảm vào năm tới, khi tỷ lệ thất nghiệp dự kiến ​​sẽ đạt đỉnh trên 7%.

Ông Bevan Warner cho biết:  

“Khi mọi người đang cố gắng tìm nhà cho thuê giá rẻ để giảm chi phí, nhưng thị trường không đáp ứng được, với rất ít nhà ở xã hội hoặc nhà cho thuê tư nhân giá rẻ, thì một trận sóng thần về tình trạng vô gia cư có thể ập đến vào cuối năm tới. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần các chính phủ hành động ngay bây giờ để xây dựng nguồn nhà ở xã hội cần thiết cho mọi người trước khi họ rơi vào khủng hoảng.”

Cựu quản lý nhà hàng sân bay Shevaun Job hiện đã có công việc mới, trở thành một y tá thú y.

Cô cảm thấy may mắn khi nhận được trợ cấp thuê nhà thay vì gia nhập số lượng khoảng 400.000 người Úc đang trong danh sách chờ nhà ở xã hội.

Cô ấy nói, hai tháng rưỡi không có nhà, cô ấy đã tăng cường hiểu biết về vấn đề này, mặc dù cô ấy không lạc quan về cộng đồng rộng lớn hơn.

“Tôi cảm thấy mọi người nên cảm thông với những ai đang gặp khó khăn về nhà ở, thuộc mọi tầng lớp khác nhau. Nhưng tôi thực sự không biết liệu COVID có thể thay đổi quan điểm của mọi người về vấn đề này hay không.”

Share