Câu hỏi vẫn chưa được trả lời, 30 năm sau phúc trình của Ủy hội Hoàng gia Điều tra về người Thổ Dân chết trong tù

Children at a Black Deaths in Custody Rally in Sydney

Children at a Black Deaths in Custody Rally in Sydney Source: AAP

Có hơn 450 người Thổ Dân chết trong khi bị giam giữ, kể từ khi Ủy ban Hoàng gia Điều tra về Người Thổ Dân Chết Trong Tù phát hành phúc trình chung cuộc, vào ngày 15 tháng 4 năm 1991. 30 năm sau khi bản phúc trình được công bố, các câu hỏi được nêu lên là vì sao ít có thay đổi kể từ ngày đó.


Quan ngại về số lượng người Thổ Dân chết trong lúc bị giam giữ, một Ủy ban Hoàng gia Điều tra đã được thành lập vào năm 1987.

Ủy ban đã công bố báo cáo cuối cùng và các khuyến nghị 4 năm sau đó, vào ngày 15 tháng 4 năm 1991.

Phúc trình cho thấy, người Thổ Dân và không Thổ Dân bị giam giữ với tỷ lệ tương tự, nhưng người bản địa bị giam giữ với tỷ lệ cao hơn nhiều và con số vẫn còn cao cho đến ngày nay.

Hiện nay Người Thổ Dân chiếm khoảng 2% dân số Úc, thế nhưng chiếm khoảng 27% số tù nhân trên toàn quốc.

Kể từ khi phúc trình được công bố, đã có 470 người Thổ Dân đã chết khi bị giam giữ.

Bà Priscilla Atkins là Chủ tịch của Dịch vụ Pháp lý Quốc gia về Thổ dân và Cư dân trên eo biển Torres.

Bà nói với NITV News rằng, có tình trạng thiếu nhận thức về vấn đề này ở Úc.

“Tôi muốn người dân Úc và mọi người sống trên đất nước nầy mỗi ngày đều thấy được chuyện đó, chỉ vì quí vị được chọn và đưa vào tù, hay cảnh sát hiện săn đuổi hay bất cứ chuyện nào khác, quí vị không cần phải chết đi vì chuyện nầy".

"Nếu có gì, hãy ra trước hệ thống công lý và tuân theo các thủ tục, nhưng không cần phải nghĩ đến chuyện chết chóc”, Priscilla Atkins.

Nhân kỷ niệm 30 năm phúc trình diễn ra vào thời điểm có 5 người Thổ Dân tử vong khi bị giam giữ, đã được ghi nhận kể từ tháng 3 năm nay.

Từ năm 1987 đến năm 1991, Ủy ban đã điều tra tổng cộng 99 trường hợp tử vong, trong đó có 66 người bị cảnh sát giam giữ, 33 người bị giam giữ trong tù và 3 người bị giam giữ ở tuổi vị thành niên và phát hiện những thiếu sót rõ ràng, trong tiêu chuẩn chăm sóc dành cho nhiều người đã khuất.

Phúc trình cho thấy không có hành vi tệ hại nào, theo ý nghĩa là giết chết một cách bất hợp pháp, hoặc có chủ ý đối với các tù nhân Thổ Dân, do hành động của cảnh sát hay nhân viên nhà tù.

Thế nhưng phúc trình nhận thấy, điều mà phúc trình mô tả là "ít sự cống hiến hơn cho nghĩa vụ chăm sóc của các cơ quan quản lý, đối với những người bị giam giữ."

Anh Tane Chatfield là một người đàn ông bản địa 22 tuổi, đã chết khi bị giam giữ vào năm 2017.

Người em gái là Tameeka Tighe, cho biết anh trai cô không được chăm sóc y tế thích hợp.

“Em trai tôi là Tane Chatfield chết tại trung tâm cải huấn Tamworth vào năm 2017, sau khi chẳng được chăm sóc y tế cũng như chịu sự kỳ thị có hệ thống".

"Chúng tôi có mở cuộc điều tra và các đề nghị lại được trả về vụ điều tra trường hợp của Tane, với cùng các đề nghị mà chúng tôi đã nghe từ hồi 30 năm trước”, Tameeka Tighe.

Thời điểm của các sự kiện đã được trình lên tòa án Điều tra Hậu Tử New South Wales, với chi tiết cho thấy anh Chatfield đã bị co giật nhiều lần và được chở đến bệnh viện trong đêm, trước khi trở lại nhà tù mà không có giấy ra khỏi bệnh viện.

Cuộc điều tra kéo dài một tuần lễ tìm thấy cái chết của anh nầy là tự vẫn, thế nhưng việc chăm sóc y tế trước khi cái chết diễn ra là không đầy đủ.

“Đây là những chuyện mà gia đình chúng tôi thường xuyên trải qua. Những gì cần diễn ra tại đất nước nầy, để xem xét những cái chết trong tù với thủ tục khẩn cấp hay không?”, Tameeka Tighe.

Phúc trình năm 1991 đưa ra 339 khuyến nghị.

Nhìn chung, các khuyến nghị bao gồm kêu gọi cung cấp hỗ trợ y tế khi cần thiết, hợp tác tốt hơn với các cộng đồng Thổ dân, việc nhốt tù chỉ được sử dụng như một biện pháp cuối cùng.

Thượng nghị sĩ thuộc đảng Lao động, ông Patrick Dodson là một trong những Ủy viên trong cuộc điều tra.

Ông cho biết chăm sóc y tế không đầy đủ, một phần bị ảnh hưởng bởi sự định kiến vô thức và chuyện nầy tiếp tục là một vấn đề chính, đối với những trường hợp tử vong khi bị giam giữ.

“Thế nhưng trong nhiều trường hợp, việc xao lãng nhiệm vụ là nguyên nhân khiến ai đó chết vì bị giam giữ, hơn là hành động tàn bạo hoặc ác ý".

"Những người có định kiến ​​về cách cư xử với thổ dân, cho dù họ say rượu, mất trật tự, hay đơn giản là không có giá trị gì, họ đều có những quan điểm cố chấp và đối xử với mọi người theo cách thức như vậy".

"Vì thế họ đã bị bỏ bê nhiều, như nó là một sự độc hại nào đó", Patrick Dodson.
“Theo hệ thống chính phủ liên bang tại Úc, các tiểu bang và lãnh thổ có trách nhiệm về hệ thống tư pháp hình sự của họ, bao gồm cà vấn đề cảnh sát. Mục tiêu của chính phủ Úc là đề cập đến các yếu tố tiềm ẩn, dẫn đến việc giam giữ”, Ken Wyatt.
Trong khi đó, việc duyệt xét của tổ chức Deloitte năm 2018 cho chính phủ liên bang cho thấy, 64% trong số 339 khuyến nghị của Ủy ban Hoàng gia đã được thực hiện đầy đủ.

30 phần trăm đã được thực hiện một phần và 6 phần trăm chưa bao giờ được thực hiện.

Việc đánh giá cũng cho thấy, trong khi tỷ lệ người Thổ Dân bị giam giữ gần như tăng gấp đôi kể từ năm 1991, thì việc giám sát các trường hợp tử vong khi bị giam giữ đã giảm sụt.

Giáo sư Christopher Cunneen thuộc Đại học New South Wales và cũng của nhà nghiên cứu Ủy ban Hoàng gia nói rằng, tỷ lệ giam giữ người bản địa tiếp tục cao là điều đáng lo ngại.

“Khám phá căn bản của Ủy ban Hoàng gia Điều tra là chúng tôi cần đưa những người Thổ Dân ra khỏi tù, ra khỏi hệ thống tư pháp".

'Và những gì chúng ta tìm thấy bây giờ, sau 30 năm, không những chúng ta không làm được điều đó, mà còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn rất nhiều".

"Những gì chúng ta đã thấy trong khoảng thời gian đó, là một cách tiếp cận trừng phạt hơn, đối với luật pháp và trật tự".

'Một hành động nhằm nhốt nhiều người hơn và điều đó đã ảnh hưởng nặng nề đến những người Thổ Dân".

'Không cần đến khoa học phức tạp và cũng không khó để thấy rằng, kết quả cuối cùng của việc đó là gì, những người bị thiệt thòi nhất ở Úc là những người phải chịu gánh nặng của những chính sách như vậy và đó chính xác là những gì đã xảy ra”, Christopher Cunneen.

Trong khi các nhân viên công lực đã bị buộc tội về những cái chết của Người Thổ Dân khi bị giam giữ, thì trong 30 năm qua chưa một ai bị kết án.

Giáo sư Cunneen nói rằng, vẫn còn thiếu trách nhiệm khi truy tố cảnh sát hoặc nhân viên nhà tù, vốn là một vấn đề được nêu ra trong báo cáo ban đầu.

“Các hệ thống trách nhiệm không hoạt động và chính phủ dễ dàng che giấu đằng sau một loại màn khói hoàn toàn để tránh vấn đề căn bản này, là chúng ta có quá nhiều người Thổ Dân ở trong tù và chúng ta thiếu trách nhiệm".

"Tôi có thể nói thêm rằng, những người Thổ Dân đã chết khi bị giam giữ, còn đối với những người không phải là Thổ dân, cũng chết khi bị giam giữ nữa”, Christopher Cunneen.

Còn thượng nghị sĩ Dodson cho biết, các biện pháp thay thế cho những bản án khinh tội nên được tìm ra, hầu giúp cho số người Thổ Dân bị giam giữ trong tù giảm xuống.

“Chính phủ liên bang nên có sáng kiến trong việc kêu gọi các tổ chức của người Thổ Dân, cùng với người đứng đầu các bộ có trách nhiệm trong tiểu bang, để kiểm tra về mức độ hoàn thành các khuyến nghị đã diễn ra, cùng với hậu quả về mặt phẩm chất, cũng như những cách thực hành mới nhằm giảm bớt mức độ giam giữ trong thực tế”, Patrick Dodson.

Trong một thông cáo gởi đến SBS News, Tổng Trưởng phụ trách Thổ Dân sự vụ Ken Wyatt nói rằng, chính phủ hiện cứu xét các vấn đề tiềm ẩn đằng sau tỷ lệ giam giữ người Thổ Dân.

“Theo hệ thống chính phủ liên bang tại Úc, các tiểu bang và lãnh thổ có trách nhiệm về hệ thống tư pháp hình sự của họ, bao gồm cà vấn đề cảnh sát. Mục tiêu của chính phủ Úc là đề cập đến các yếu tố tiềm ẩn, dẫn đến việc giam giữ”, Ken Wyatt.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share