Chính phủ công bố lộ trình năng lượng trị giá 18 tỷ Úc kim hướng đến giảm khí thải

Energy Minister Angus Taylor.

Energy Minister Angus Taylor. Source: AAP

Chính phủ Liên bang đã công bố một bản lộ trình năng lượng trị giá 18 tỷ đô la, hướng đến mục tiêu giảm khí carbon. Với các ưu tiên tập trung vào công nghệ giảm thải thay vì sử dụng than đá và các nguyên liệu có thể tái tạo được, kế hoạch của chính phủ nhận về nhiều phản ứng trái chiều.


Hôm nay là một ngày quan trọng trong sự phát triển của chiến lược cắt giảm khí thải của chúng ta, điều mà sẽ củng cố nền kinh tế và tạo việc làm.
"Chúng ta đang đạt được các tiến triển tốt trong việc giải quyết các vấn đề này, tuy nhiên trên khắp thế giới, vấn đề giảm khí thải và duy trì nền kinh tế mạnh mẽ vẫn là một thách thức lớn."

Đó là phát biểu của Tổng trưởng Năng lượng Angus Taylor khi công bố lộ trình công nghệ về năng lượng của Chính phủ Liên bang, tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Canberra.

Bản lộ trình mà chính phủ đưa ra hướng đến mục tiêu giảm khí thải thông qua việc đầu tư vào năm mảng công nghệ được ưu tiên.

Các lĩnh vực này bao gồm: khí hydro, công nghệ lưu trữ năng lượng, thép và nhôm có mức carbon thấp, thu giữ khí carbon, và công nghệ lưu trữ carbon trong đất.

Thủ tướng Scott Morrison nói rằng kế hoạch này sẽ giúp bảo đảm nước Úc có thể cắt giảm khí thải trong khi duy trì sự thịnh vượng kinh tế.

“Điều mà chúng tôi sẽ tập trung vào, đó là một chế độ đầu tư vào công nghệ, để duy trì đèn sáng, và làm điều đó với một giá cả phải chăng hơn, với một mức khí thải thấp hơn, và tạo ra nhiều việc làm hơn.”

Hơn 18 tỷ đô la sẽ được chi cho các dự án mới, trong nỗ lực cắt giảm khí carbon của Úc. Các công nghệ đang nổi như xe hơi chạy bằng điện và năng lượng hạt nhân sẽ được cân nhắc.

Trong khi đó, các công nghệ được cho là “đã cũ” như than đá, gas, năng lượng gió và mặt trời được xếp sau cùng trong thứ hạng ưu tiên.

Điều này gây thất vọng cho các nhà vận động chống biến đổi khí hậu, với lãnh đạo Đảng Xanh Adam Bandt cho rằng chính phủ đang thiên về việc thúc đẩy ngành năng lượng hóa thạch trong khi bỏ qua năng lượng có thể tái tạo.

Giáo sư Andrew Blakers, một chuyên gia về năng lượng tái tạo từ trường Đại học quốc gia Úc, nói rằng nếu muốn giảm khí thải nhanh chóng thì năng lượng gió và mặt trời cần được ưu tiên.
Nếu như bản lộ trình đặt năng lượng gió và mặt trời ở trung tâm, thì mức khí thải sẽ giảm nhanh hơn rất nhiều so với phiên bản lộ trình hiện tại.
"Và sau đó chúng ta có thể đi vào lĩnh vực vận tải và sưởi bằng cách loại bỏ dầu, sử dụng các phương tiện chạy bằng điện từ năng lượng gió và mặt trời. Tương tự đẩy gas ra khỏi hệ thống sưởi, sử dụng gió và mặt trời.”

Kế hoạch của chính phủ sẽ được đưa ra vào các cuộc hội đàm về khí hậu COP-26 ở Glasgow dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm sau.

Các cuộc hội đàm sẽ có sự góp mặt của 70 quốc gia, những nơi đã đặt ra mục tiêu giảm thải khí carbon về 0 vào trước năm 2050, điều mà chính phủ liên bang từ chối cam kết trong lộ trình của mình.

Tuy vậy, Tổng trưởng Taylor khẳng định rằng kế hoạch của chính phủ sẽ giúp giảm khí thải một cách đáng kể.
Bạn phải tập trung vào những thứ bạn có thể làm hôm nay có thể tạo ra hiệu quả, mà chúng ta có thể làm ngay bây giờ để thiết lập quỹ đạo giảm phát thải, không chỉ cho tới năm 2030, nhưng để còn đi xa hơn nữa.
Trong khi đó, Lãnh đạo Đối lập  Anthony Albanese chỉ trích mạnh mẽ lộ trình của chính phủ liên bang, đặc biệt là việc chính phủ không cam kết về khí thải.

“Đây là một bản đồ đầy bùn lầy chứ không không phải là một lộ trình. Đối với chính phủ này, đó là về sự bỏ qua hơn là giảm thải. Không có một mục tiêu nào ở đó."
Chính phủ từ chối cam kết đưa khí thải về 0 trước năm 2050, điều mà đã được thông qua bởi mọi chính phủ tiểu bang và vùng lãnh thổ, hội đồng doanh nghiệp Úc, liên đoàn nông nghiệp quốc gia, mọi tập đoàn công nghiệp lớn trong nước.
Phát ngôn nhân đối lập phụ trách năng lượng Mark Butler mô tả bản lộ trình là “hữu ích” nhưng cho rằng nó không phải là một chính sách năng lượng toàn diện. 

Ông cho hay, để tạo ra một sự thay đổi cho người dân và doanh nghiệp Úc, “bạn không cần một bản mô ta về những công nghệ đang diễn ra trong lĩnh vực tư nhân trên khắp thế giới, mà cần một chính sách năng lượng”.

Còn cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull gọi lộ trình năng lượng của chính phủ là “điên rồ”. 

Nói chuyện với đài ABC, ông Turnbull nói rằng, việc cho rằng dùng gas để tạo đột phá trong năng lượng và mang đến điện năng giá rẻ là điều không tưởng bởi vì việc chiết xuất gas là vô cùng tốn kém. 

Thượng nghị sỹ liên đảng Tự do - Quốc gia Matt Canavan cũng tỏ ra ngờ vực về bản lộ trình, cho rằng con đường mà chính phủ đang đi vào tương tự với cách mà chính phủ Nam Úc đã làm, với kết cục là giá thành năng lượng ở tiểu bang này thuộc hàng cao nhất trên thế giới.

Theo ông Canavan, việc quay trở lại nguồn tài nguyên dồi dào và giá rẻ mà nước Úc vốn có là cách duy nhất để tạo ra điện năng chi phí thấp, giúp phục hồi ngành sản xuất ở Úc đặc biệt trong thời kỳ hậu đại dịch.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share