Chính phủ thúc giục cộng đồng hãy tích cực giúp chống khủng bố

Australian Home Affairs Minister Peter Dutton said good police work, intelligence work and tip offs from the community had prevented terror attacks.

Australian Home Affairs Minister Peter Dutton said good police work, intelligence work and tip offs from the community had prevented terror attacks. Source: AAP

Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton kêu gọi công chúng hãy giúp ngăn chặn những vụ tấn công khủng bố cho dù nhà chức trách trước đó đã biết về nghi phạm trong vụ tấn công ở Melbourne hôm thứ sáu.


Cảnh sát và cơ quan tình báo trước đó đã biết thủ phạm vụ tấn công khủng bố trên đường Bourke Str trung tâm thành phố Melbourne hôm thứ Sáu tuần trước.

Hôm đó có 3 người bị đâm, và chủ quán ăn Ý nổi tiếng ông Sisto Malaspina bị thiệt mạng.

Cơ quan tình báo ASIO đã từng nói chuyện với hung thủ Hassan Khalif Shire Ali 30 tuổi và năm 2015 nhà chức trách đã vô hiệu hóa passport của ông ta vì tin rằng ông sẽ đi qua Syria.

Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton nói rằng để ngăn ngừa những vụ tấn công đơn lẻ như thế này, nhà chức trách cần sự trình báo của thân nhân, của các nhà lãnh đạo tinh thần, của dân chúng, của bất kỳ ai nhận thấy hành vi của một người có dấu hiệu thay đổi vì đã bị cực đoan hóa.

"Tôi đặc biệt kêu gọi các thành viên trong cộng đồng người Hồi Giáo, và tất cả mọi người nếu bạn biết thông tin gì, nếu bạn thấy hành vi của một cá nhân hay người thân trong gia đình, hay nơi làm việc khiến bạn lo lắng."

"Hãy trình báo với chúng tôi, bởi vì những thông tin đó có thể giúp chúng ta ngăn được những vụ tấn công như ở Bourke St vốn đã cướp đi sinh mạng của chúng ta."

Ông Dutton nói rằng không thể chấp nhận được nếu các lãnh đạo cộng đồng có thông tin nhưng không trình báo cho cảnh sát hoặc cơ quan tình báo. Theo người thân trong gia đình, hung thủ Shire Ali đã trở nên bất mãn nhiều tuần trước khi quyết định ra tay.

Gia đình ông giải thích rằng vì bệnh tâm thần mà hung thủ tin rằng ông ta bị những người vô hình cần gươm giáo rượt đuổi ông ta.  

Ông Dutton khuyên những ai có vấn đề hãy tìm người tâm sự để có thể được giúp đỡ.

Ông Dutton nói những chương trình tiếp cận với cộng đồng do Bộ Nội Vụ phụ trách đang kết nối với cộng đồng để thu thập tin tình báo.

"Các nhân viên cao cấp trong chính phủ thường xuyên giữ liên lạc với các cộng đồng. Cách đây hai tuần tôi đến gặp các nhân vật lãnh đạo trong cộng đồng hồi giáo ở Canberra."

"Bộ trưởng Di trú David Coleman cũng giữ liên lạc với các cộng đồng. Thủ tướng cũng có liên lạc với giới lãnh đạo cộng đồng."

"Nhưng tôi nghĩ đã đến lúc các cộng đồng phải cho nhà chức trách biết những gì chúng tôi cần biết," ông Dutton nói.

Trong khi ông Dutton cho biết quan hệ giữa các viên chức cao cấp trong chính phủ với cộng đồng được duy trì tốt, Thủ tướng Scott Morrison lại bị chỉ trích là tạo căng thẳng chủng tộc với những gì ông phát biểu sau khi xảy ra vụ tấn công ở Melbourne.

Phát biểu hôm thứ bảy, ông Morrison nói dù ông ủng hộ tự do tín ngưỡng, nhưng chúng ta cần điểm mặt chủ nghĩa cực đoan.

Ông Morrison mô tả hồi giáo cực đoan là mối đe dọa nguy hiểm nhất tại Úc.

Chính phủ Lao Động ở tiểu bang Victoria tuy vậy không lên tiếng ủng hộ quan điểm của ông Morrison.

Thủ hiến Daniel Andrews cho biết ông chỉ chia sẻ riêng quan điểm của ông với Thủ tướng mà thôi, và như vậy là đủ rồi.

Nhưng Hội đồng Giáo sĩ Hồi giáo Úc, chỉ trích ông Morrsion đã liên kết Đạo Hồi với ý thức hệ cực đoan nguy hiểm, nói rằng ông Morrison đã chính trị hóa thảm họa ở Bourke Street.

Phát ngôn nhân của Diễn đàn Hồi giáo (FAIR) Kuranda Seyit nói mọi người cần tế nhị trong tình cảnh này.

"Tôi hiểu cả nước đang sốc nhưng trong những lúc như thế này chúng ta cần sự lãnh đạo có trách nhiệm."

"Một lời phát biểu cân bằng và hợp lý trong khi mọi người chung ta giải quyết vấn đề thì có lẽ sẽ được cảm kích hơn."

"Tôi nghĩ nếu chỉ nêu đích danh một cộng đồng, hàm ý rằng Hồi giáo có liên đới đến chuyện này thì quả là khôi hài. Chúng ta đều biết khủng bộ không thuộc về một tôn giáo nào cả," ông Seyit nói.

Ông Seyit nói rằng thay vì lên án Hồi giáo, chính phủ nên tập trung vào những thành công mà chính phủ cùng cộng đồng Hồi giáo đã làm được để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan.

"Cộng đồng Hồi giáo là gần gũi nhất với những người trẻ đã lầm đường lạc lối. Họ là những người chúng ta có thể nhận dạng và có biện pháp giải quyết."

"Chúng tôi có thể làm việc với cảnh sát để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên đây chỉ là một thiểu số thanh niên Hồi giáo mà thôi."

"Chúng tôi có thể giúp đỡ họ, hướng dẫn cho họ, đưa họ về lại với lẽ phải và tránh xa con đường cực đoan."

"Tôi nghĩ chúng ta đang làm được rất nhiều việc tích cực để đạt được mục tiêu đó, nhưng chúng ta phải đoàn kết thì mới làm việc được," ông Seyit nói.


Share