Chuyện của dân oan Việt Nam được đưa vào phim Hollywood

Hồng Châu trong vai Ngọc Lan cùng với Matt Damon trong vai Paul Safranek

Hồng Châu trong vai Ngọc Lan cùng với Matt Damon trong vai Paul Safranek Source: Paramount Pictures via AP

Câu chuyện của một dân oan Việt Nam xuất hiện trong phim Downsizing (Thu nhỏ) của đạo diễn Alexander Payne đã làm người ta kinh ngạc khi biết vì sao cô lại có mặt ở Mỹ.


Cuốn phim Downsizing (Thu nhỏ) của đạo diễn nổi tiếng Alexander Payne thuộc thể loại bi hài khoa học giả tưởng, nói về một giải pháp để cứu vãn tài nguyên của trái đất bằng cách thu nhỏ con người lại và như vậy sẽ tiêu thụ mọi thứ ít hơn.  

Phim được trình chiếu lần đầu tiên tại Liên hoan Điện ảnh Venice lần thứ 74 vào ngày 30  tháng 4 năm 2017, và ra mắt công chúng Mỹ vào ngày 22 tháng 12 cùng năm.

Câu chuyện xảy ra tại Omaha thành phố lớn nhất của tiểu bang Nebraska bên Mỹ.

Nam tài tử gạo cội Matt Damon thủ vai Paul Safranek, một nhân viên vật lý trị liệu tương đối hài lòng với cuộc sống của ông.

Nhưng bà vợ Audrey, do Kristen Wiig thủ diễn, thì lúc nào cũng lo lắng chuyện tiền bạc trong nhà.

Một hôm nhân buổi đoàn tụ với các bạn sinh viên ngày trước, vợ chồng ông gặp một người bạn hiện đang sinh sống trong ngôi làng dành cho người tí hon gọi là Leisureland tại New Mexico.

Dân trong làng tự nguyện thu nhỏ lại và nhờ mọi nhu cầu trong cuộc sống cũng thu nhỏ theo cho nên họ trở nên giàu có, cho dù chỉ có tài sản khiêm nhường trong cuộc sống trước khi thu nhỏ.

Thế là vợ chồng Paul và Audrey quyết định thu nhỏ để dọn vào sống trong Leisureland.

Hai vợ chồng được đưa vào phòng, nam riêng nữ riêng, cho nên họ phải tạm thời chia tay trong vài tiếng đồng hồ.

Mọi người phải cạo đầu, cạo râu, cạo lông, kể cả lông mày nhẵn nhụi, nhổ răng giả và được chích thuốc để thu nhỏ.

Một lát sau, khi tỉnh dậy, từ một người cao 1,8 mét, Paul chỉ còn chưa tới 13 cm.

Ông nôn nóng gặp lại vợ, nhưng chờ mãi không thấy thì nhận được điện thoại, trên đầu dây bên kia bà Audrey lúng túng xin lỗi chồng là bà đã đổi ý không muốn thu nhỏ.

Một khi đã thu nhỏ là vĩnh viễn không thể quay trở lại bình thường. Ít lâu sau Paul đành phải ngậm đắng nuốt cay ký vào giấy ly dị vợ gởi vào.

Paul dần quen với cuộc sống trong làng tí hon, và đúng như được quảng cáo, đó là một xã hội ngăn nắp và rất thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên ông sớm nhận ra là cũng như xã hội bên ngoài, trong làng tí hon cũng có những giai cấp của nó, cũng có người giàu, kẻ nghèo.
Paul Safranek was convinced by an old friend
Paul bị một người bạn cũ thuyết phục về cuộc sống tốt đẹp trong làng người tí hon Source: Paramount Pictures via AP
Đến đây thì phim bắt đầu không còn tạo được sự hiếu kỳ cho khán giả nữa. Phim Downsizing vì vậy không nhận được nhiều ngợi khen của các nhà phê bình điện ảnh.

Cho đến khi Paul gặp một người con gái làm nghề lau chùi nhà cửa cho người giàu trong Leisureland, tên là Ngọc Lan đến từ Việt Nam, do nữ tài tử Mỹ gốc Việt, Hồng Châu thủ diễn.

Là khán giả Việt Nam tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi biết Ngọc Lan trước đây là một dân oan ở Việt Nam.

Ngọc Lan là một cựu tù nhân lương tâm, là nạn nhân của chính sách thu nhỏ những người bất đồng chính kiến của nhà chức trách Việt Nam.

Trong phim cô cùng với nhiều nhà bất đồng chính kiến khác bị thu nhỏ và được bỏ chung vào các thùng đựng TV xuất cảng.

Khi được phát hiện trong siêu thị Target thì mọi người đã chết vì đói khát, ngoại trừ Ngọc Lan còn sống nhưng phải bị cưa mất một chân.

Cô gái Việt Nam tàn tật được đưa vô làng tí hon, nhưng sống chung với những dân nhập cư nghèo khổ khác ở ngoại thành của Leisureland.

Vai diễn của Hồng Châu được nhiều nhà phê bình khen ngợi. Bản thân cô cũng rất vui khi được đạo diễn Alexander Payne chọn.

"Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy có một vai nữ Á Châu, vốn là chuyện hiếm thấy ở Hollywood. Chưa kể là vai nữ này rất sâu sắc và đóng chung với những tài tử gạo cội như là Matt Damon trong một bộ phim Hollywood tốn kém như thế này."

Trong phim Ngọc Lan được mọi người yêu mến vì luôn luôn nhớ mang thức ăn xin được của nhà giàu về cho những người hàng xóm nghèo.

Cảm động trước tấm lòng vị tha của cô, Paul kết bạn giúp đỡ Ngọc Lan và hai người phải lòng nhau.

Điều thú vị là không có nhà phê bình điện ảnh Âu Mỹ nào bình luận gì về chi tiết Ngọc Lan từng là một dân oan ở Việt Nam.

Tôi tự hỏi vì sao Alexander Payne và Jim Taylor đã tạo ra nhân vật này trong kịch bản của hai ông?




Share