Có nên đeo khẩu trang khi dịch bệnh bùng phát trở lại?

People leave Flinders Street Station while while wearing face masks (AAP).

People leave Flinders Street Station while while wearing face masks. Source: AAP

Y tế Úc đã từng tuyên bố người dân không cần thiết phải đeo khẩu trang để ngăn sự lây lan coronavirus, nhưng với việc bùng phát dịch bệnh tại Victoria hiện nay có lẽ tuyên bố này sẽ cần phải thay đổi.


Khi tiểu bang Victoria đang phải đối mặt với khả năng con số các ca nhiễm COVID mới sẽ tăng ở mức hàng chục người trong tuần thứ ba liên tiếp, câu hỏi về việc liệu việc đeo khẩu trang có cần thiết lại một lần nữa dấy lên.

Vào giai đoạn dịch bệnh mới chớm bùng phát, giới hữu trách y tế của Úc lúc đó đã từng tuyên bố việc sử dụng khẩu trang không cần thiết cho tất cả mọi người.

Nhưng khi ngày càng có thêm nhiều ca nhiễm mới, thì các chuyên gia y tế lại nói có khả năng những khuyến cáo trước đây phải thay đổi.

Phó giáo sư về dịch tễ học tại Đại học La Trobe, ông Hassan Vally, nói rằng đã có nhiều thay đổi trong 6 tháng qua.

“Chúng ta đã học được nhiều bài học, hiểu thêm về con virus này, và cũng đã học được nhiều thứ về việc làm thế nào ngăn chặn sự lây nhiễm. Và vì kiến thức đã được nâng cao thì lời khuyên y tế cũng phải thay đổi, và chắc chắn sau này sẽ còn tiếp tục thay đổi nữa.”

Giáo sư Valley nói việc giữ khoảng cách với người khác vẫn là cách thức hiệu quả nhất để ngăn giọt bắn truyền từ người này sang người khác.

Nhưng ông cũng nói thêm rằng khẩu trang cũng là một cách hiệu quả ngăn chặn sự lây nhiễm.

“Việc có nên đeo khẩu trang hay không còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, tùy vào số ca nhiễm trong cộng đồng. Theo khuyến cáo của WHO thì nếu có quá nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, lúc đó rõ ràng là phải nên đeo khẩu trang.”

Giáo sư Valley cho biết những tranh cãi ban đầu xoay quanh việc có nên đeo khẩu trang hay không là do hai nguyên nhân chính

“Một là chúng ta khi đó  vẫn chưa biết việc đeo khẩu trang sẽ hiệu quả như thế nào trong cộng đồng, và nguyên nhân thứ hai là chúng tôi không chắc sẽ có đủ khẩu trang cho các nhân viên y tế.”
Trong nhiều tháng qua, lời khuyên y tế ở Úc là đa số người dân sẽ không cần phải đeo khẩu trang, và chỉ nên đeo khẩu trang trong tình huống mà việc giữ khoảng cách xã hội không thực hiện được.

Quyền trưởng ban y tế Paul Kelly cho rằng việc đeo khẩu trang có thể là một giải pháp nếu sự lây nhiễm cộng đồng tăng cao.

“Nhìn chung, khẩu trang là không cần thiết trong hầu hết trường hợp đối với hầu hết mọi người. Nhưng có những lúc khẩu trang lại là một trong những giải pháp nếu trong cộng đồng có sự lây nhiễm lớn và việc giữ khoảng cách xã hội không thực hiện được.”

Giáo sư Mary-Louise McLaws là thành viên của WHO trong mảng ngăn chặn sự lây nhiễm và hướng dẫn kiểm soát coronavirus. Bà đưa một ví dụ của việc đeo khẩu trang nơi công cộng.

“Chúng tôi muốn người dân hiểu rằng chúng tôi không mong chờ người dân sẽ đeo khẩu trang ngoài đường vì, hầu hết, ở ngoài đường không phải là cơ hội để lây nhiễm, nhưng nếu bạn đang ở trên phương tiện giao thông công cộng hoặc trong văn phòng, và không thể giữ khoảng cách với người khác, thì có, chúng ta phải đeo khẩu trang.”

Giáo sư McLaws nói hiện mọi người đã hiểu biết hơn về tính hiệu quả của khẩu trang, kể cả khẩu trang vải.

“WHO hiện bắt đầu có hướng dẫn về khẩu trang vải. Phải có 3 lớp, lớp ngoài cùng là lớp chống nước, lớp giữa là lớp polyester có tác dụng như một màng lọc, và lớp trong cùng phải mềm để không gây dị ứng da. Khẩu trang vải có thể giúp bạn ngăn chặn khoảng 30%, thậm chí 70% nếu chất liệu tốt.”

Giáo sư McLaws nhắc nhở người dân phải chấp nhận việc các chính sách về y tế cộng đồng sẽ thay đổi theo thời gian.

“Một điều mà chúng ta cần học là phải kiên nhẫn trong đại dịch. Nếu lời khuyên y tế từ ban đầu có thay đổi sau đó, thì bởi vì đây là một căn bệnh mới, chúng ta cần phải học. Phải chấp nhận thực tế là chúng ta vẫn đang học về căn bệnh này.”

Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.

Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.

Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.

SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại: 
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

 


Share