Còn quá sớm để biết biến thể Omicron nguy hại đến đâu

COVID-19

Dr Aggarwal in PPE to work in the lab. Source: Supplied by Anupriya Aggarwal

Khi biến thể Omicron lan rộng khắp thế giới, người ta nhận thấy rằng cho đến nay bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Cũng có những dấu hiệu cho thấy vắc-xin COVID-19 hiện tại có thể có hiệu quả chống lại các biến thể mới, nhưng cần phải tiến hành nhiều thử nghiệm hơn.


Người đứng đầu ủy ban cố vấn cấp bộ của Nam Phi về COVID-19 cho biết có những dấu hiệu "đầy hứa hẹn" về khả năng bảo vệ của vắc-xin chống lại biến thể Omicron của coronavirus. Nhưng Giáo sư Barry Schoub cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để biết mối đe dọa là như thế nào với biến thể mới chỉ được xác định gần đây.

"Vẫn còn ở những ngày đầu và tôi nghĩ chúng ta cần bảo lưu phán đoán về điều đó. Chắc chắn trong giai đoạn đầu này, tin tức có vẻ đầy hứa hẹn. Phần lớn sự lây nhiễm đột phá, hay nói cách khác là những cá nhân đã bị nhiễm bệnh mặc dù đã tiêm phòng nhưng ở mức độ nhẹ. Việc giám sát tại bệnh viện của chúng tôi đang có chút tăng lên, nhưng chắc chắn không có gì ấn tượng như chúng tôi đã thấy trong các đợt trước."

Các nhà khoa học ở Nam Phi và khắp nơi trên thế giới đang thực hiện giải trình tự gen của các mẫu Omicron để tìm hiểu thêm về nó. Vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến thể này, bao gồm cả việc liệu nó có dễ lây lan hơn hay không, liệu nó có khiến người bệnh nặng hơn hoặc liệu các loại vắc-xin hiện có chống lại nó hiệu quả không.

Tiến sĩ John Nkengasong, nhà virus học người Cameroon và Giám đốc cơ quan kiểm soát dịch bệnh CDC của Châu Phi cho biết ông "lo ngại" về tình hình ở Nam Phi, nơi omicron hiện đã trở thành biến thể nổi trội của virus.

"Chúng tôi chắc chắn rất quan tâm đến tình hình ở Nam Phi và đặc biệt là Nam Phi nhưng hãy nhớ rằng, điều này sẽ là làn sóng thứ tư mà chúng ta đang trải qua trên lục địa nên ít nhất chúng ta đã chuẩn bị tốt hơn để đối phó với làn sóng này."

Người đứng đầu CDC nhấn mạnh sự cần thiết của các quốc gia phải tìm ra các chiến lược để tăng cường nguồn cung cấp vắc-xin hiện có trên khắp châu Phi.

Hoa Kỳ, nơi đã ghi nhận trường hợp nhiễm Omicron thứ hai. Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki giải thích chi tiết về vụ việc.

"Có một cá nhân, một nam giới trưởng thành, cư dân của Hạt Hennepin. Anh ta đã được tiêm vắc xin. Người đó phát triển các triệu chứng nhẹ, bắt đầu không khỏe vào ngày 22 tháng 11 và tìm kiếm xét nghiệm COVID-19 vào ngày 24 tháng 11. Các triệu chứng của người đó đã khỏi."

Bà Psaki nói rằng người đàn ông đã báo cáo "các triệu chứng nhẹ" và các quan chức y tế công cộng, bao gồm cả CDC, đang tiến hành theo dõi tiếp xúc. Bà nói rằng trường hợp ở Minnesota chỉ là trường hợp thứ hai được phát hiện ở Hoa Kỳ, nhưng nhiều trường hợp có thể xảy ra.

"Như Tiến sĩ Fauci đã nói trong suốt tuần trước, chúng tôi làm mỗi ngày, ngay cả những hạn chế chúng tôi đưa ra cũng không ngăn được biến thể này đến đây. Nó sẽ chậm lại thôi. Đó là mục tiêu . Vì vậy, chúng tôi dự đoán sẽ có nhiều trường hợp xảy ra hơn và chúng tôi biết điều đó sẽ xảy ra và đó là lý do tại sao chúng tôi tập trung làm mọi thứ có thể để chống lại vi rút và biến thể."

Tại Anh Quốc, Thủ tướng Boris Johnson đã nhận được liều vắc-xin hôm thứ Năm và kêu gọi những người khác cũng làm như vậy.

"Điều quan trọng nhất bạn có thể làm trong mọi trường hợp là tiêm liều tăng cường khi bạn đủ điều kiện. Vì vậy, chúng tôi đang tiến hành cho tất cả những người trên 40 tuổi. Tôi vừa chích rồi, 18,6 triệu liều tăng cường, vì vậy chúng tôi đang xây dựng bức tường bảo vệ ngày càng cao hơn."

Ấn Độ đã xác nhận trường hợp đầu tiên của biến thể coronavirus omicron ở hai người đi du lịch nước ngoài.Bộ Y tế cho biết các trường hợp là hai người đàn ông ở tiểu bang bang Karnataka phía nam. Balram Bhargava, Tổng Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) đang kêu gọi bình tĩnh.

"Hai trường hợp omicron đã được phát hiện ở Karnataka cho đến nay thông qua nỗ lực giải trình tự bộ gen của hiệp hội INSACOG gồm 37 phòng thí nghiệm do Bộ Y tế thành lập. Chúng ta không cần hoảng sợ nhưng nhận thức là hoàn toàn cần thiết."

Ấn Độ đã phân loại một số quốc gia "có nguy cơ" với biến thể omicron và khách du lịch từ những quốc gia đó đang được kiểm tra khi họ đến Ấn Độ. Một số tiểu bang của Ấn Độ đã ban hành các hạn chế đối với khách quốc tế như các biện pháp phòng ngừa, bao gồm các cuộc kiểm tra COVID-19 bắt buộc đối với những người đến từ Nam Phi, Botswana và Hồng Kông.

Các biến thể của Coronavirus đã khiến các nhà khoa học bận rộn trong gần hai năm nay. Bên trong các phòng thí nghiệm vô trùng và an toàn nhất, các nhà virus học sẽ nuôi cấy vi rút. Họ đã thử nghiệm Alpha, Beta, Delta và một loạt các phiên bản khác. Và tuần này, các nhà khoa học Sydney đã bắt đầu cấy và cho ra đời biến thể Omicron

Nhà virus học, Tiến sĩ Anu Aggarwal tại Viện Kirby giải thích cách các nhà khoa học nuôi cấy virus.

"Căn bản là chúng tôi đang nuôi dưỡng chúng với thứ nước dùng đặc biệt này mà chúng tôi có và hy vọng rằng điều đó sẽ hỗ trợ sự phát triển của vi rút.”

Công việc nuôi cấy virút mất nhiều thời gian nhưng các nhà virus học hy vọng Omicron đang sinh sản sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về hành vi của nó. Các nhà khoa học tại Viện Kirby thuộc Đại học New South Wales đã nghiên cứu ít nhất 14 biến thể trong đại dịch và họ hy vọng rằng trong vòng hai tuần, họ sẽ sinh sôi đủ biến thể Omicron tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của nó.

Giáo sư Stuart Turville, một nhà virus học tại Viện Kirby, cho biết điều quan trọng là họ muốn có thể xác định xem liệu kháng thể vắc-xin có ngăn chặn Omicron hay không.

"Vì vậy, cho dù đó là tiêm chủng tăng cường hay tiêm chủng đủ hai liều, nếu chúng ta có thể chứng minh rằng những kháng thể đó vẫn còn tồn tại trong cơ thể và vẫn liên kết để ngăn chặn vi rút thì đó là tin tốt đầu tiên mà chúng tôi muốn thấy." 

Đó là những ngày đầu đối với Omicron, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới vẫn chưa tuyên bố nó là một biến thể thống trị. Nhưng nếu điều đó xảy ra, một số người trong cộng đồng khoa học, như Tiến sĩ Rob Grenfell của CSIRO, lạc quan về việc tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin cuối cùng sẽ chấm dứt được đại dịch.

"Nếu Omicron chiếm ưu thế, nó sẽ sinh sôi trong chín tháng tới như Delta đã làm và sau đó chúng ta sẽ bắt đầu thấy nó giảm dần và nếu chúng ta không thấy một biến thể khác xuất hiện ở đâu đó trong khoảng thời gian đó, thì chúng ta có thể bắt đầu nói chúng ta có thể thoát khỏi đại dịch rồi."

Đó là một dự đoán ánh sáng ở cuối đường hầm - đến tháng 9 năm sau - nhưng tất cả phụ thuộc vào mức độ bao phủ vắc xin toàn cầu.

Để biết các biện pháp hỗ trợ và sức khỏe hiện đang được áp dụng để đối phó với đại dịch COVID-19 bằng ngôn ngữ của bạn, hãy truy cập sbs.com.au/coronavirus.


Share