COVID-19 làm thay đổi căn bản cách tổ chức đám cưới và đám tang

covid wedding

A shop has a bride and groom wearing face masks on display in Berlin on December 2, 2020 (Photo by DAVID GANNON/AFP via Getty Images) Source: AFP

Mọi người đều hiểu rằng dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe, nền kinh tế và công việc, qua rất nhiều tài liệu và nghiên cứu. Nhưng ảnh hưởng xã hội của COVID thì đến gần đây mới bắt đầu nổi lên. COVID-19 đã thay đổi cách mọi người giao tiếp với nhau như thế nào, đặc biệt là trong các buổi lễ quan trọng như đám cưới và đám tang?


Trong đời mình, ai cũng trải qua sự đau đớn khi mất đi người thân yêu.

Cái chết là một phần tự nhiên của cuộc sống, nhưng năm 2020 đã thay đổi căn bản cách con người thương tiếc cho một số phận đã nằm xuống.

‘Đây có lẽ chủ đề tôi thật sự chưa từng nghĩ rằng sẽ nói đến, nhưng tôi hiểu lúc này là cần thiết.’

Đó là vlogger AjaytheCEO, giới thiệu trên Youtube, về một bài hướng dẫn cho những ai có nhu cầu tự thực hiện một đám tang online ngay trong nhà.

Không chỉ một mình anh làm chuyện này, rất nhiều người thuộc các tôn giáo khác nhau đều lên mạng để hướng dẫn mọi người cách tổ chức một đám tang từ xa.

Còn đây là người chủ trì lễ cưới và lễ tang Stephen Lee.

‘Đám tang là nơi bạn muốn chia sẻ với ai đó một cái ôm, hay một cái nắm tay, hay một nụ hôn để tỏ lòng thương tiếc và chia buồn với họ. Năm nay thật là một thử thách cho những ai không thể bày tỏ những tình cảm nhân văn này. Tôi nhận được rất nhiều lời động viên từ mọi người nói rằng, dĩ nhiên họ rất muốn được có mặt ở đó, nhưng họ cũng cảm thấy an ủi khi họ có thể xem đám tang cử hành từ xa, cũng như chính họ được ở bên người đã khuất và cảm nhận được giây phút thiêng liêng. Khi họ xem cử hành tang lễ qua online, họ cảm thấy thích ứng được, dần dần thấy thoải mái hơn, cũng như tôi đang chờ xem liệu cách làm này có tiếp tục hiện diện như là một phần của cuộc sống một khi COVID đã chấm dứt hay không. Bản thân tôi nghĩ nó sẽ còn ở lại’.  

Ông Stephen Lee mô tả công việc của ông là tổ chức các buổi lễ như đám cưới và đám tang theo kiểu thế tục, chứ không theo một tôn giáo đặc biệt nào.

Nhưng không nói đến mặt tín ngưỡng, thì đám tang nào cũng là một kinh nghiệm mang tính chất riêng tư của chính thân nhân những người đã khuất.

Vì vậy sự chạm khẽ vào nhau, và những khuôn mặt thân quen xung quanh, đóng vai trò quan trọng giúp cho quá trình thương tiếc người ra đi của thân nhân.

Ra đời năm 1817, dịch vụ Sydney Chevra Kadisha thực hiện tang lễ theo Do Thái Giáo.

Cô Ellie Nagel thuộc dịch vụ Chevra Kadisha.

Cô nói cơ quan của mình trước giờ vẫn luôn live-stream tang lễ nhưng hiện nay đây chính là cách làm thường xuyên nhất và chi tiết nhất chưa từng có.

‘Chủ yếu chúng tôi live stream cho những ai không thể ở gần và không thể đến tham dự, chứ không tính đến việc live stream cho những thân nhân gần gũi nhất với người đã khuất. Thật bất thường khi thực hiện dịch vụ qua Zoom với chính thân nhân của người vừa nằm xuống. Họ muốn có mặt ở đó và bản thân tôi muốn an ủi họ, cũng như họ muốn được an ủi bởi những thân nhân và bạn bè khác nữa. Nếu mẹ của bạn qua đời liệu bạn có muốn ở trên Zoom theo dõi tang lễ của mẹ bạn không, chúng tôi phải trải qua cùng nhau như vậy đấy, đó là một cảm giác không dễ dàng chút nào.’

Với các tín đồ của những tôn giáo lớn, nhiều nghi lễ đám tang phức tạp cũng bị hủy bỏ trong thời gian áp dụng các giới hạn.

Cô Nagel nói có nhiều người Do Thái tình nguyện cử hành nghi thức đám tang tại dịch vụ Chevra Kadisha, chẳng hạn như thực hiện lễ Minyan.

Đó là một dịch vụ cầu nguyện cho thân nhân người chết, tổ chức hàng ngày trong suốt giai đoạn shiva, kéo dài ít nhất một tuần nhưng thông thường thì dài hơn thế.

Mục đích là an ủi cho gia đình và bạn bè của người đã khuất.

Tuy nhiên COVID đã khiến dịch vụ cầu nguyện này bị hủy bỏ, vì các giới hạn về tụ tập, đặc biệt tại Sydney và Melbourne.

‘Tôi nghĩ rất nhiều người, đặc biệt là người Do Thái, sẽ cảm thấy đau buồn vì không thể làm lễ Minyan sau tang lễ bởi vì theo truyền thống bạn phải thực hiện nghi thức này cả năm. Vì vậy sau khi một người qua đời, trong vòng một năm, thân nhân nam giới gần với người chết nhất sẽ tham gia lễ Synagogue và cầu nguyện mỗi ngày. Đó là điều mọi người không thể làm được trong năm nay. Vì vậy họ có thể cảm thấy rất bứt rứt. Dĩ nhiên sức khỏe và sự an toàn phải đặt lên trên hết. Nhưng tôi nghĩ nhiều người cảm thấy họ không thể hoàn thành sự cầu nguyện này và nó ảnh hưởng rất lớn đến nỗi đau và sự tiếc nuối với người đã khuất.’

Tiến sĩ Philip Bachelor là giảng viên về Sự vụ Nghĩa trang tại trường đại học Deakin, đại học Melbourne và là một chuyên gia về chia buồn và tang lễ.

Ông sống tại thành phố Melbourne, và ông nói rằng bản thân ông không thể tham dự đám tang của người anh rể khi thành phố bị phong tỏa.

‘Tôi cảm thấy thật kỳ lạ khi chứng kiến tang lễ qua một màn hình tại nhà, đơn giản chỉ vì tôi hy vọng mình sẽ có mặt ở đó. Tôi hy vọng mình có thể trực tiếp chia sẻ bằng lời nói và thông qua sự đụng chạm về thể xác để an ủi thân nhân. Nhưng quả thật chúng tôi đều cảm thấy mình như được có mặt ngay ở đó. Chỉ là theo một cách làm khác mà thôi’.

Nhưng ảnh hưởng của COVID xảy ra khác nhau với những người khác nhau, dựa trên mức độ thân thiết với người chết, và dựa trên chính bản thân người đó có sự chịu đựng về mặt tinh thần đến đâu, để không bị ảnh hưởng, thậm chí không gặp chấn thương tâm lý từ sự kiện này.

Tiến sĩ Bachelor nói con người càng có nhu cầu đánh dấu các thời điểm quan trọng của cuộc đời như sinh nhật, lễ trưởng thành, lễ cưới và đám tang với các nghi thức quan trọng.

Nhưng dù có thay đổi như thế nào, thì sự căng thẳng khi thương tiếc người đã khuất cũng phải xảy ra với phần lớn thân nhân cảm thấy thất vọng.

‘Nếu chúng ta muốn chia sẻ nỗi đau với mọi người và xã hội, thì cần phải thật sự hiểu rằng nỗi đau này không của riêng ai hết, rằng tôi sẽ không nổi điên vì thất vọng, tôi sẽ không trở nên khó chịu vì tình huống bắt buộc của dịch bệnh, và những gì tôi đang trải qua hoàn toàn bình thường trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành. ‘

Không chỉ đám tang bị ảnh hưởng, đám cưới cũng bị hoãn lại hoặc thay đổi vì dịch bệnh.

Cô Mahum Afraz đã thay đổi lịch đám cưới nhiều lần vì COVID-19, nhưng cô nói thật may mà cô đã không bị mất tiền mình đã ứng trước để chi cho buổi tiệc.

Thay vì trì hoãn cưới xin, cô Afraz và người yêu đã rút ngắn hôn lễ xuống chỉ còn 20 phút vào tháng Tư, ngay khi các giới hạn khó khăn nhất được áp dụng.

Trả lời chương trình SBS Small Business Secrets vào tháng Mười, cô Afraz nói cô rất bận chuẩn bị cho đại tiệc vào tháng Tư năm 2021.

Cô hy vọng sẽ mời hàng trăm khách từ khắp thế giới đến Úc để tham dự hôn lễ.

‘Hai vợ chồng tôi đều đến từ Punjab ở Pakistan. Một đám cưới tại Pakistani thật xa hoa và cũng thật tốn kém. Tôi đã đặt trước tới 20,000 đô la cũng may là món tiền đã chuyển trả xong. Tôi biết nhiều cặp không được may mắn như vậy.’

Các giới hạn đối với đám cưới hoặc đám tang đều được áp dụng tại mọi tiểu bang và vùng lãnh thổ, cũng như chúng thường đến thật bất ngờ, chỉ được báo trước trong thời gian ngắn.

Tại Auburn thuộc miền Tây Sydney, các dịch vụ của Đền Sri Mandar đang khôi phục một cách chậm chạp, các đơn đặt chỗ cho lễ cưới và lễ chúc mừng sơ sinh mới bắt đầu quay trở lại nhỏ giọt sau nhiều tháng trời bị trì hoãn.

Bà Sangida Kashyad là quản lý việc đặt tiệc cưới tại một sảnh nhỏ thuộc đền thờ.

 ‘Ngay từ đầu, khoảng tháng Ba và tháng Tư, tôi nhớ khi đó COVID bị nặng nề nhất, chỉ có 5 người được có mặt tại một đám cưới, thậm chí các nhà thờ cũng không ngoại lệ. Nhưng đám cưới là trường hợp không thể né tránh hay trì hoãn, vì vậy nếu gia đình nào muốn tổ chức thì họ có thể tự tổ chức giống như họ đang ở trong nhà thờ, chỉ với 5 người, bao gồm cha xứ, cô dâu chú rể, và phụ huynh. Nhưng bây giờ tôi thấy nhiều người vốn trì hoãn trước đó đã nghĩ đến kế hoạch mời khách, gồm bà con và bạn thân tới đám cưới.’

Nhưng không ai cũng chờ được đến lúc các giới hạn được gỡ bỏ.

Ông Stephen Lee nói trong năm 2020, nhiều đôi lứa đã thay đổi các tổ chức hôn lễ đơn giản hơn.

 ‘2020 là năm của đám cưới tổ chức trong vườn nhà. Tôi đã kết duyên cho rất nhiều người ngay tại vườn nhà của họ, ở trên ban công hay trong công viên, với số khách mời ít ỏi đếm trên đầu ngón tay. Nhưng theo tôi nghĩ đó đã là một lễ cưới trọn vẹn rồi. Khi hai người đứng trước mặt nhau tuyên thệ rằng họ yêu nhau và mong muốn ở bên cạnh nhau trong suốt cuộc đời. Đó là giây phút đầy ý nghĩa đối với cô dâu và chú rể. Thật tuyệt vời nếu có khoảng 150 hay 200 người ở đó chứng kiến, nhưng về căn bản tôi nghĩ rằng chỉ cần hai người là đủ, đó đã là toàn bộ hôn lễ. Và tôi nghĩ mọi người đã tìm lại được ý nghĩa thiêng liêng riêng biệt này trong năm nay’.

Để tìm hiểu những biện pháp hỗ trợ và y tế ứng phó với COVID-19 bằng tiếng Việt, xin mời vào trang mạng sbs.com.au/coronavirus.

Share