Cùng giữ tiếng Việt: Hãy giúp con giữ tiếng mẹ đẻ

Hai cháu gái đang học tiếng Việt ở nhà

Hai cháu gái đang học tiếng Việt ở nhà Source: Supplied

Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ những suy nghĩ, khó khăn và kinh nghiệm khi giữ tiếng Việt cho con em ở Úc, cũng như lắng nghe tiếng nói của các em nhỏ sinh ra và lớn lên ở Úc, các tấm gương thế hệ thứ hai giỏi tiếng Việt và tiếng Việt đã giúp các em phát triển sự nghiệp như thế nào. Chương trình cũng khai thác những khía cạnh thú vị, những nét đẹp của ngôn ngữ và văn hóa Việt mà đôi khi, vì cuộc sống bận rộn, chúng ta ít để tâm đến.


- Mẹ ơi, hôm nay mình không phải lo học. Vì hôm nay là ngày technology free day, mình làm nhiều fun activities. Con muốn bake blueberry muffins với mẹ.
- Hay quá. Mà ở nhà con nhớ nói tiếng Việt nhé.
- Vâng ạ. Nhưng vì sao con phải nói tiếng Việt hả mẹ? 

Câu hỏi của bé Vy có thể là câu hỏi mà nhiều bậc cha mẹ, ông bà chúng ta thường nghe khi nhắc nhở con cháu nói tiếng Việt. Những lúc nghe con hỏi như vậy, bản thân chúng ta chắc cũng sẽ tự hỏi mình câu hỏi tương tự. Tại sao mình lại muốn giữ tiếng Việt cho con?

Trong số đầu tiên của Cùng nhau giữ tiếng Việt hôm nay, Hồng Vân xin mời quý vị cùng lắng nghe những chia sẻ của một người bà, một người bố, và một người mẹ về lý do tại sao họ muốn giữ tiếng Việt cho con em mình.

Cô Ngọc Dung (Sydney):Tôi muốn giữ tiếng Việt cho các cháu của mình để giữ cội nguồn của mình và để các cháu nói chuyện được với ông bà, họ hàng ở Việt nam. Mình tuy sinh ra và lớn lên ở Úc nhưng mình vẫn có cái gốc là người Việt, mình vẫn cần biết tiếng Việt. Hơn nữa, khi các con về Việt Nam mà biết nói tiếng Việt, các con sẽ có cơ hội giao lưu, học hỏi nhiều hơn. Thế nên việc giữ tiếng Việt và động viên các cháu học tiếng Việt là một điều rất cần thiết.
Cô Ngọc Dung đi lễ chùa vào dịp Tết Nguyên Đán
Cô Ngọc Dung đi lễ chùa vào dịp Tết Nguyên Đán Source: Supplied
Những chia sẻ của cô Dung làm Hồng Vân* nhớ lại câu chuyện được nghe từ một bác trai. Bác kể về một người anh của bác sống ở Mỹ, khi mẹ ốm nặng thì anh bác bay về Việt nam, vào những giây phút bên mẹ, anh trai bác đã khóc và nói: Con xin lỗi mẹ là con đã không giữ được tiếng Việt cho các cháu, để bao năm nay các cháu không nói chuyện được với  mẹ.
Tôi không nói được tiếng Anh, nếu các cháu tôi không nói được tiếng Việt thì tôi không thể nói chuyện được với cháu, sẽ mất dần tình cảm gia đình, đó là cái thiệt thòi cho các bậc ông bà cha mẹ.
Đối với các bậc ông bà thì giữ tiếng Việt là để ông bà có thể nói chuyện với các cháu dễ dàng hơn, làm tăng tình cảm giữa ông bà và các cháu. Còn đối với các bậc cha mẹ, tại sao chúng ta muốn con nói tiếng Việt?

Anh Capstan (Sydney): Có nhiều lợi ích của việc giữ tiếng Việt, lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất là về mối quan hệ. Khi mình giữ tiếng Việt cho con là mình xây dựng được mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, con sẽ thấy dễ dàng tâm sự và chia sẻ khó khăn và bố mẹ có thể giúp đỡ, hướng dẫn các con. Cha mẹ cũng có thể chia sẻ kiến thức, văn hóa, phong tục của người Việt nam. Ngược lại nếu con không nói được tiếng Việt, con sẽ thấy khó khăn khi giao tiếp với cha mẹ, dẫn đến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Đến tuổi teen, con sẽ chia sẻ với bạn bè nhiều hơn, nếu con có những người bạn tốt thì sẽ có những ảnh hưởng tích cực, còn nếu con có bạn bè không tốt thì sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực.
Gia đình anh Capstan Lê vào dịp Tết nguyên đán
Gia đình anh Capstan Lê vào dịp Tết nguyên đán Source: Supplied
Chị Thanh Vân (Melbourne): Đối với tôi, việc giữ gìn tiếng Việt cho con là điều thiết yếu trong cuộc sống gia đình. Với các bé lớn lên ở môi trường đa văn hóa như nước Úc thì trong quá trình trưởng thành chắc chắn các con sẽ tự hỏi là mình là ai, bản sắc của mình là gì, mình đang ở đâu trong thế giới này. Là người mẹ, tôi muốn giúp cho con bằng cách tạo cho con mối liên hệ với nguồn gốc của mình, giúp con hiểu nguồn gốc của bản thân để phát triển tốt hơn trong tương lai.
Đối với các bé lớn, như ở tuổi thiếu niên, mình có thể giải thích cho con là khi con học thêm một ngôn ngữ, con có được những trải nghiệm văn hóa khác nhau, điều đó làm bản thân con trở nên phong phú hơn, cuộc sống con có nhiều màu sắc hơn. Với các bé nhỏ, mặc dù khi học nhiều ngôn ngữ các bé lúc đầu có thể có khó khăn so với các bé chỉ nói một ngôn ngữ, nhưng về sau thì tư duy các bé sẽ phát triển hơn, giúp các bé học nhanh hơn, thành công hơn trên con đường học tập.
Đối với thế hệ thứ nhất ở Úc thì cái bản sắc Việt của chúng ta rất đậm nét. Nhưng với con cháu của chúng ta, sinh ra và lớn lên ở Úc thì các em thường coi các em là người Úc hay có khi là nửa Úc nửa Việt nam. Các em nghĩ là mình ở Úc thì mình chỉ cần nói tiếng Anh là đủ rồi. Là cha mẹ mình phải giải thích thế nào với con?

Anh Capstan: Lợi ích nữa của việc nói tiếng Việt là lợi ích về tư duy và nhận thức. Ngôn ngữ phản ánh văn hóa qua cách chúng ta giao tiếp, tư duy và nhận thức. Một nền văn hóa có thể giới hạn cách chúng ta tư duy và nhận thức trong khuôn khổ của nó.

Anh Capstan tình nguyện dạy tiếng Việt vào cuối tuần tại trường Việt ngữ Canley Vale.
Anh Capstan tình nguyện dạy tiếng Việt vào cuối tuần tại trường Việt ngữ Canley Vale. Source: Supplied
Ngôn ngữ là chìa khóa mở cánh cửa tới các nền văn hóa khác, học cách họ suy nghĩ, tư duy và nhận thức và giải quyết vấn đề theo các cách khác nhau. Nếu con mình nói được hai hay nhiều ngôn ngữ, chúng có thể học được nhiều cách khác nhau để sống, học tập và trải nghiệm thế giới này.
Cô Ngọc Dung: Ngoài những lợi ích như để giao lưu học hỏi và giữ cội nguồn văn hóa của mình, biết tiếng Việt cũng giống như biết một ngoại ngữ thứ hai, nhưng tiếng Pháp, tiếng Đức. Hai bạn cùng đi phỏng vấn xin việc làm, bạn nào có nhiều ngoại ngữ thì có thể vào được mà người khác không có thì không được tuyển chọn.

Với xu thế toàn cầu hóa hiện nay, các hoạt động kinh tế không chỉ bó gọn trong một quốc gia mà có xu hướng liên quốc gia, việc nói được tiếng Việt giống như nói được một ngoại ngữ, sẽ giúp con em chúng ta có thêm các cơ hội việc làm.

Ngoài ra, được nói chuyện tâm sự, rủ rỉ với con bằng tiếng Việt, đối với nhiều bậc ông bà cha mẹ, sẽ thoải mái hơn là tiếng Anh. Nếu con cũng có thể nói chuyện chia sẻ với mình bằng tiếng Việt thì thật là tuyệt vời. Điều đó chắc chắn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của chúng ta để giữ tiếng Việt cho con từ khi còn bé và duy trì nó khi các con lớn hơn.
Nếu con nói tiếng Việt là con sẽ smarter phải không mẹ? Con sẽ smarter hơn bạn Brenda phải không? Không phải là con sẽ thông minh hơn các bạn khác mà con sẽ thông minh hơn bản thân con khi chưa nói tiếng Việt.

Nước Úc tự hào là đất nước đa văn hóa, đa ngôn ngữ nhờ vào sự đóng góp của hơn 200 cộng đồng văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Với dân số khoảng 300.000 người, chiếm 1.2% dân số nước Úc, cộng đồng người Việt nằm trong top 5 cộng đồng nhập cư đông dân nhất nước Úc. Việc duy trì tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt cũng như các cộng đồng đa sắc tộc không những góp phần vào việc duy trì bản sắc đa văn hóa của nước Úc mà còn mang lại nhiều lợi ích cho mỗi cộng đồng, mỗi gia đình và cá nhân.

Lợi ích của việc duy trì tiếng mẹ đẻ và nói được nhiều thứ tiếng đã được các nghiên cứu chứng minh, bao gồm:

  • Về mặt tình cảm và tinh thần: Tăng sự gần gũi và kết nối các thành viên trong gia đình
  • Về mặt trí tuệ: Hỗ trợ khả năng học tập, tư duy và và tăng cường trí nhớ ở trẻ
  • Về mặt văn hóa xã hội: Tăng hiểu biết về bản sắc văn hóa của bản thân và cộng đồng, mở rộng tầm nhìn, và tăng sự cảm thông và chia sẻ
  • Về mặt kinh tế: Tăng cơ hội việc làm trong xu hướng kinh tế toàn cầu hóa
Mời quý vị tham gia trả lời câu đố và nhận một phần quà của SBS: Có bao nhiêu chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và theo quý vị có bao nhiêu người có câu trả lời đúng?

Xin gửi câu trả lời về chương trình theo địa chỉ: hoặc nhắn tin trên .


*Chương trình Cùng giữ tiếng Việt của SBS do tiến sỹ ngôn ngữ Trần Hồng Vân thực hiện. Chị Hồng Vân hiện là giảng viên chuyên ngành Biên Phiên dịch tại trường Đại học Western Sydney, đồng thời là nghiên cứu viên của dự án  của trường Đại học Charles Sturt, một dự án nghiên cứu về duy trì tiếng Việt và phát triển ngôn ngữ của trẻ em Việt Nam ở Úc.

 

 

 


Share