"Cứu Chương trình Song ngữ Việt": Bộ Giáo dục thiếu quan tâm, phụ huynh FPS vẫn kiên trì

Học sinh Song ngữ tại FPS múa quạt năm 2011, người đứng giữa là ông David Brown, phụ trách mục thời tiết của đài số 7

Học sinh Song ngữ tại FPS múa quạt năm 2011, người đứng giữa là ông David Brown, phụ trách mục thời tiết của đài số 7 Source: Cô Châu Công

Ngay hôm nay, 8/10, từ 10g sáng, một hội nghị trực tuyến Úc-Mỹ sẽ được tổ chức để các nhà giáo dục hàng đầu tại Mỹ chia sẻ kinh nghiệm về cách họ đã thiết lập các chương trình song ngữ Việt thành công tại California như thế nào, cách tuyển mộ và duy trì giáo viên song ngữ Việt và cũng có phần hỏi đáp.


Bộ Giáo dục không quan tâm đúng mức đến Chiến dịch "Cứu Chương trình Song ngữ tiếng Việt"

Trong những tuần qua, quý vị đã cùng chúng tôi theo dõi diễn tiến Chiến dịch "Cứu Chương trình Song ngữ tiếng Việt" của phụ huynh trường Footscray Primary School sau hai quyết định của giới lãnh đạo nhà trường: hủy bỏ Chương trình Song ngữ Việt hồi tháng 4 năm nay và thiết lập Chương trình Song ngữ tiếng Ý từ năm học tới 2021 được công bố ba tháng sau đó. 

Chúng ta đã biết Chương trình Song ngữ Việt tại trường Footcray Primary School, phía tây Melbourne, đã từng được áp dụng cho tất cả học sinh toàn trường cả Úc lẫn Việt trong những năm 2010 với sự thành công của chương trình được cả phụ huynh của trường lẫn Bộ Giáo dục công nhận, đặc biệt là hai giải thưởng của Bộ Giáo dục và Chính phủ Victoria mà trường đã được vinh danh nhờ chương trình Song ngữ Việt này, đó là giải thưởng National Literacy and Numeracy Week 2007 của Bộ Giáo dục Victoria năm 2007 nhân Tuần lễ Đọc Viết và Làm toán và Giải thưởng Giáo dục Văn hóa đa nguyên - Victorian Multicultural Education Award của Chính phủ Victoria năm 2008.
Chúng ta đã nghe đại diện phụ huynh, ông Tony Bùi, cho biết các phụ huynh đã bất bình như thế nào về quyết định hủy bỏ Chương trình Song ngữ Việt. Trường tiểu học Footscray viện lẽ là do không thể tuyển được đủ giáo viên cho chương trình, nhưng phụ huynh cho rằng quyết định hủy bỏ chương trình song ngữ tiếng Việt đã tồn tại trên 20 năm là "không hợp lý" và "có nhiều khuất tất".
Sau những phản ảnh của phụ huynh:

Ban Việt ngữ SBS đã liên lạc bà Hiệu trưởng trường Fooscray Primary School là bà Jen Briggs để yêu cầu phỏng vấn, nhưng không được bà trực tiếp trả lời, mà người hồi đáp là bà Christine McGinn, Cố vấn cao cấp về mặt truyền thông của Bộ Giáo dục và Huấn nghệ Victoria, với bức thư chưa đầy nửa trang viết rằng "Quyết định thay đổi chương trình song ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Ý vào năm 2021 là kết quả của quá trình tham vấn cộng đồng" sau khi trường không thể tuyển dụng giáo viên song ngữ Việt Nam. Bà cũng yêu cầu chỉ gởi qua thư trực tiếp cho Bộ những câu hỏi khác (written questions) nếu có (chứ không qua Hiệu trưởng Jen Briggs nữa).  

̣Ngay sau đó, nhóm phụ huynh đã đưa lên mạng một   với những sự phân tích cặn kẽ và những số liệu cụ thể chứng minh rằng các giáo viên đã rời trường vì họ thường bị Ban Giám Hiệu dưới thời Hiệu trưởng Phillip Fox "đe dọa" và bị "đối xử tệ hại", trong khi Hiệu trưởng mới về trường năm 2020 bà Jen Briggs đã không nỗ lực đầy đủ trong việc tuyển dụng giáo viên, không hề tham vấn Cộng đồng Người Việt Victoria hoặc Hội Giáo chức Việt Nam Victoria, cũng như không liên lạc với các nước trên thế giới có chương trình song ngữ thành công để nhờ giúp đỡ trong việc tuyển dụng này như những trường song ngữ khác tại Úc đang thực hiện. 

này cũng nhấn mạnh sự chênh lệch rất lớn giữa số trường dạy tiếng Ý với số trường dạy tiếng Việt tại Victoria tính theo đầu người và nhấn mạnh Chương trình Song ngữ tiếng Việt là chương trình gần như duy nhất tại tiểu bang Victoria, trong khi Chương trình tiếng Ý là Chương trình thứ nhì tại tiểu bang này.

Cùng lúc, chúng ta cũng đã nghe cô Châu Công, người đã rời trường Tiểu học Footscray từ năm 2018 và nay đang dạy Chương trình Song ngữ tiếng Pháp tại trường Tiểu học Camberwell tiết lộ nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng Chương trình Song ngữ Việt đi xuống và thiếu giáo viên trầm trọng.

Theo cô, đó là vì giới lãnh đạo nhà trường lúc bấy giờ không ủng hộ chương trình, đánh giá năng lực của giáo viên song ngữ một cách bất công và sử dụng khoản tài trợ đặc biệt (150.000 Úc kim) cho việc tuyển dụng giáo viên một cách không hợp lý, nhất là không giữ lại giáo viên sau khi đã hết hạn sử dụng ngân khoản này vào năm 2018.

Đồng thời với 17 năm kinh nghiệm giảng dạy song ngữ Việt Pháp và với bằng Thạc sĩ chuyên ngành, cô Châu Công cũng khẳng định việc tuyển dụng giáo viên cho chương trình này luôn là một thử thách cho tất cả các trường song ngữ, bất kể ngôn ngữ đó là gì.

Và cô kết luận: "Chương trình Song ngữ tiếng Việt bị hủy bỏ vì giới lãnh đạo trường Footscray Primary School muốn dẹp bỏ chương trình này, chứ không có lý do nào khác!"
Những lập luận của nhóm phụ huynh và cô Châu Công dẫn đến các câu hỏi nhức nhối sau đây:   

  • Tại sao các tài liệu được dựa vào để ra quyết định huỷ bỏ Chương trình Song ngữ Việt lại không được công khai?

  • Làm thế nào phụ huynh có thể thẩm định được giá trị của quyết định đó nếu không hiểu nội dung của các văn bản này?

  • Tại sao Bộ giáo dục đã cung cấp thêm kinh phí cho trường ($150,000) để tuyển dụng giáo viên) nhưng lại không giám sát việc quản lý và sử dụng ngân khoản đó?

  • Ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng về quyết định hủy bỏ Chương trình?

  • Những sự thiếu minh bạch này của Bộ Giáo dục có chứng minh được việc hủy bỏ di sản quý báu của một cộng đồng là hợp lý? 

  • Nếu một Trường Song ngữ tiếng Ý thứ nhì sắp được thành lập tại Victoria, tại sao lại được thực hiện bằng cái giá của Chương trình Song ngữ tiếng Việt duy nhất của tiểu bang, tại một ngôi trường nằm ngay trung tâm của Cộng đồng người Việt ở Victoria?

Tất cả những cáo buộc nêu trên của phụ huynh và cô Châu Công cũng đã được Ban Việt Ngữ nêu lên trực tiếp với với Bộ Giáo dục Victoria qua email theo yêu cầu trước đó của Bộ, nhưng đã được phát ngôn viên của Bộ bà Christine McGinn hồi đáp qua email là: Bộ đã trả lời trong thư trước và sẽ không đưa ra thêm nhận định nào khác ("we will not provide a further comment").
No "further comment" hoặc thậm chí hoàn toàn không trả lời cũng là cách mà FPS và Bộ Giáo dục Victoria giải quyết phần lớn các thư khiếu nại của phụ huynh về những câu hỏi nhức nhối nêu trên.

Cuộc đấu tranh kiên trì của phụ huynh

Dù vậy, các phụ huynh không nản chí mà vẫn cương quyết tiếp tục cuộc đấu tranh kéo dài nhiều năm trời nhằm duy tri Chương trình Song ngữ Việt.

Cuộc đấu tranh này đã có những những kết quả nhất định trong thời gian đầu.

Từ năm 2016, khi FPS dưới thời Hiệu trưởng Philip Fox lần đầu tiên tuyên bố quyết định hủy bỏ Chương trình Song ngữ Việt, cả phụ huynh Úc Việt lẫn Cộng đồng người Việt Victoria đã chống đối quyết liệt khiến nhà trường phài hủy bỏ quyết định này.

Đến năm 2018 - 2019, phụ huynh và Cộng đồng người Việt cũng đã phải thường xuyên liên lạc và vận động Bộ Giáo dục sau khi trường lại đưa ra thông báo có thể huỷ bỏ Chương trinh Song ngữ Việt.

Và đến nay, năm 2020, cuộc tranh đấu đã đến hồi quyết liệt khi Chương trình đã chính thức bị hủy bỏ hồi tháng 4. Dù ngay thời đại dịch COVID-19, nỗ lực trên vẫn không suy giảm mà càng liên tục và mạnh mẽ hơn nữa:

Trong đoạn ghi âm đầu trang, đại diện phụ huynh Tony Bùi cho biết ngoài thư từ hàng loạt gởi cho Hiệu trưởng FPS Jen Briggs và Bộ trưởng Giáo dục và Huấn nghệ Victoria (DET) James Merlino kêu gọi phục hồi Chương trình Song ngữ Việt, ngoài những cuộc vận động giới chức chính quyền tiểu bang và địa phương, phụ huynh cũng đã có ba nỗ lực lớn khác: 

- Bản kiến nghị yêu cầu Bộ Giáo dục xét lại quyết định hủy bỏ Chương trình Song ngữ Việt đến nay đã thu hút được trên 16.000 chữ ký với đồng đảo thành phần từ khắp nơi trên nước Úc ủng hộ. Xem bản kiến nghị  

- Thư ngõ gởi Bộ trưởng James Merlino ngày 2/10/2020 với chữ ký của trên 130 người, trong đó có 18 học giả, 20 nhà giáo dục, 14 lãnh tụ cộng đồng, yêu cầu tạm ngưng việc rốt ráo tuyển dụng giáo viên song ngữ tiếng Ý cho Chương trình Song ngữ Ý năm tới ngay lập tức. Xem thư ngõ .

- Đặc biệt, hôm 8/10/2020, Ban Chấp hành Cộng đồng người Việt Tự do Victoria cũng phối hợp với phụ huynh tổ chức một hội nghị Úc-Mỹ trực tuyến với hai diễn giả then chốt tại Hoa Kỳ là hai nhà giáo dục hàng đầu về Chương trình Song ngữ tại Mỹ:

  • Tiến sĩ Natalie Trần, giám đốc của Trung tâm Tài nguyên dành cho các Ngôn ngữ Á châu (National Resource Center for Asian Languages thuộc California State University, là Trung tâm hỗ trợ cho các Chương trình Song ngữ tiếng Việt tại California, Hoa kỳ).
  • Tiến sĩ Shannon Villanueva, Hiệu trưởng trường Cecil B. DeMille Elementary School, ngôi trường đầu tiên tại California cung cấp Chương trình Song ngữ tiếng Việt.
Theo nhóm phụ huynh, điều đáng chú ý là khi được phụ huynh liên lạc trước đó:
Tiến sĩ Natalie Trần đã rất hào phóng khi đề nghị hợp tác với bất kỳ trường Song ngữ tiếng Việt Nam nào ở Victoria và mọi sự hổ trợ đều miễn phí, trong đó có việc đào tạo giáo viên song ngữ, cung cấp các khóa tu nghiệp, tài liệu giáo dục, và giúp nối kết với các cộng đồng của những Trường Song ngữ tiếng Việt khác để chia sẻ những cách giảng dạy hiệu quả nhất.
Trong hội nghị trực tuyến kéo dài một tiếng này, vừa kể sẽ trình bày trước các đại diện Bộ Giáo dục, FPS, phụ huynh và cộng đồng người Việt Victoria về việc họ đã thiết lập các Chương trình Song ngữ Việt thành công tạ i California, Hoa kỳ như thế nào, cách tuyển mộ và duy trì giáo viên song ngữ Việt ra sao, và phần hỏi đáp.

Diễn đ̀àn có bà Natalie Bakai đại diện DET và dân biểu Maribyrnong bà Katie Hall dự thính. Hiệu trưởng FPS bà Jen Briggs cáo lối không dự với lý do bận sắp xếp cho việc học sinh trở lại trường học vào tuần tới sau khi các biện pháp giới hạn vì COVID 19 được nới lỏng.

Ban tổ chức diễn đàn cho biết:

"Rất nhanh sau đó cả hai bà Natalie Bakai và Katie Hall cùng tham dự một buổi họp trực tuyến khác với Hiệu trưởng và School Council President của FPS về quyết định DET tài trợ 2.249.000 Úc kim  để xây dựng cơ sở hạ tầng cho trường tiểu học Footscray. Quyết định được FPS công bố cùng ngày trên fanpage của trường và cũng được bà Katie Hall share trên trang ."

Share