Du học ở Úc (219) Học sai ngành thì phải làm sao?

Students stressed

Source: element envato

Có thể mỗi chúng ta đều mơ ước tương lai mình được làm công việc mà buổi sáng thức dậy mình đều háo hức được đi làm và không bao giờ thấy đủ thời gian để cống hiến cho công việc đó. Để ngày đó xảy ra, không bao giờ là quá sớm để mình suy nghĩ và tìm ra điều mình thật sự đam mê và có thể phát huy được tối đa điểm mạnh của bản thân.


Tuổi trẻ của chúng ta luôn mắc sai lầm để có thể trưởng thành hơn mỗi ngày. Với các bạn sinh viên, những ai đã biết rõ mình muốn gì ngay từ đầu và có lộ trình rõ ràng để xây dựng mục tiêu đó sẽ thực sự may mắn. Còn những bạn khác, họ chưa thực sự hiểu rõ mình muốn gì, thích gì, hay đôi khi là chịu ảnh hưởng của gia đình để theo ngành học mà bản thân không chắc có phải dành cho mình hay không.

Do đó, nhiều người trong chúng ta đã hoặc đang học sai ngành, và gặp nhiều khó khăn trong cơ hội việc làm sau tốt nghiệp và định hướng tương lai.

Tham gia với chúng ta hôm nay có Lê Tuấn Anh. Tuấn Anh từng làm trong Ban Hướng Nghiệp của Đại học RMIT ở Việt Nam. Hiện bạn đang là chuyên viên tư vấn hướng nghiệp và blogger về phát triển bản thân.

SBS: Xin chào Tuấn Anh, cảm ơn bạn đã dành thời gian tham gia tạp chí Du học SBS Vietnamese hôm nay. Được biết bạn từng tốt nghiệp ngành Truyền thông tại Đại học RMIT Việt Nam và đang theo đuổi con đường tư vấn hướng nghiệp cũng như là blogger về phát triển bản thân. Điều gì đã khiến bạn quyết định theo con đường này?

Tuấn Anh: Xin chào tất cả các thính giả của đài SBS. Tuấn Anh đang công tác tại công ty Tâm Lý Hồn Việt với cương vị là chuyên viên tư vấn hướng nghiệp. Con đường đưa mình đến công việc như hiện tại có thể nói là do chữ “duyên". Cái duyên đã đưa mình đến với con đường tư vấn hướng nghiệp cũng như là trở thành blogger về phát triển bản thân. Tuy nhiên, mình cũng muốn nhấn mạnh rằng cái duyên này không phải “từ trên trời rơi xuống", mà do mình tạo ra thông qua một quá trình thử, sai và hiểu hơn về bản thân. Khi mình học trong ngành Truyền thông tại RMIT, thì mình đã nghĩ mình sẽ theo con đường về ngành truyền thông. Trong quá trình học và khi ra trường, mình đã thử sức ở nhiều vị trí trong lãnh vực marketing và truyền thông. Nhưng sau đó, mình tìm thấy lãnh vực đó không phù hợp với mình lắm. Mình còn nhận thấy mình thích giúp đỡ người khác , mình thích đem kiến thức và năng lượng tích cực trao  cho người khác. Thời điểm đó, Đại học RMIT có vị trí thực tập phòng Tư vấn hướng nghiệp và mình đã tham gia vào vị trí đó trong vòng 4 tháng. Sau thời gian gặp gỡ và làm việc với mọi người trong lãnh vực tư vấn hướng nghiệp, mình nhận thấy đây là con đường mình yêu thích và muốn theo đuổi lâu dài.
Lê Tuấn Anh
Blogger Lê Tuấn Anh Source: Supplied
SBS: Bạn xác định con đường nghề nghiệp của mình từ lúc nào?

Tuấn Anh: Hồi học cấp 3, mình cũng như các bạn thôi, cũng chưa định hướng được mình sẽ làm gì. Thời điểm đó mình chơi máy tính khá giỏi nên mình đã nghĩ là mình học ngành IT. Nhưng lúc đó, trường RMIT không có khoá IT ở Hà Nội, và bản thân mình cũng không giỏi về tài chính kế toán, nên mình quyết định học ngành Truyền thông Chuyên nghiệp (Professional Communication) chứ lúc đấy cũng chưa xác định mình sẽ làm ngành gì. Suốt thời gian học cho đến lúc ra trường, mình trải qua nhiều công việc chuyên ngành này nhưng không thấy yêu thích cho đến khi thử sức với vị trí trong Ban Hướng nghiệp của RMIT.

SBS: Theo những gì Tuấn Anh nói, thì có vẻ như bạn đang được làm đúng công việc mình yêu thích. Và dường như Khánh Uyên cũng thấy bạn đã học đúng ngành học phù hợp với bản thân mình cũng như đang hỗ trợ rất tốt cho nghề nghiệp hiện tại của bạn đúng ko?

Tuấn Anh: Đúng là mình đang được làm công việc mình rất yêu thích, giúp đỡ cho các em học sinh sinh viên và phụ huynh của các em trong lãnh vực hướng nghiệp và định hướng cho các em. Sáng nào mình cũng háo hức được thức dậy thực sớm để đi làm, để cống hiến những gì tinh tuý của bản thân cho công việc mình.  Nhưng về ngành học thì mình đã tốt nghiệp ngành không chính xác cho lắm , vì với công việc này , lẽ ra mình phải nên học ngành giáo dục hoặc tâm lý. Tuy nhiên, việc học truyền thông cũng đã hỗ trợ cũng như hỗ trợ mình phát huy thế mạnh rất nhiều cho công việc hướng nghiệp. Cụ thể là, khi các bạn muốn có uy tín trong mắt các em học sinh và các vị phụ huynh, thì bên cạnh kinh nghiệm làm việc và kỹ năng chuyên môn tốt , họ rất tin tưởng một người có uy tín khi có thương hiệu cá nhân vững được nhiều người biết đến. Nhờ ngành truyền thông mà mình đã biết cách xây dựng thương hiệu cá nhân mình trên mạng xã hội cũng như mình có trang blog hiện tại có khoảng 2,000,000 lượt xem và 1,000,000 lượt độc giả. Mình chia sẻ về những tin tức hướng nghiệp và phát triển bản thân ở trên đó, nên các vị phụ huynh và các em học sinh biết đến mình và tin tưởng mình nhiều hơn.
Trước khi ra quyết định chọn ngành hay nghề, các bạn cần ngồi lại và hiểu bản thân mình trước. Ít nhất các bạn phải trả lời được những câu hỏi như: kỹ năng mình đang có là gì? sở thích mình có là gì và giá trị sống mình đang theo đuổi là gì. Đây là những viên gạch đầu tiên để các bạn hiểu bản thân và từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.
SBS: Tuy nhiên, có rất nhiều bạn trẻ ngày nay rơi vào trường hợp hoặc là không biết mình thích gì nên chọn học ngành theo xu hướng của xã hội cho rằng khi ra trường sẽ dễ kiếm việc làm. Hoặc nghe theo gia đình học ngành không đúng sở thích của mình. Điều này còn xảy ra cả với những du học sinh sang đây, nhiều bạn phải bỏ dở việc học vì không theo nổi và tiêu tốn rất nhiều tiền bạc học ngành mà các bạn ấy không yêu thích và không biết khả năng ‘hồi vốn" sau trường sẽ như thế nào. Tuấn Anh nghĩ sao về điều này?

Tuấn Anh: Trường hợp này khiến mình nghĩ ngay đến lý thuyết hướng nghiệp gọi là “Cây Nghề Nghiệp". Lý thuyết này có hai phần là quả và rễ. Quả là kết quả. Lỗi thường gặp hiện nay nhất của các sinh viên và nhiều phụ huynh của các em đó là chúng ta thường chọn ngành học hoặc chọn nghề theo cái quả ( lương cao, cơ hội việc làm, được nhiều người biết đến). Đôi khi chúng ta chọn ngành theo cái quả trong khi ngành đó lại không phù hợp với rễ ( sở thích, kỹ năng, kiến thức mà bản thân chúng ta có). Tuy nhiên, mình nghĩ các bạn cũng không cần tiêu cực quá. Ở thời điểm hiện tại so với năm hay mười năm trước, công việc hướng nghiệp ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã phát triển rất nhanh. Ngày càng có nhiều người làm hướng nghiệp, cũng như có nhiều trang web, nhiều công cụ giúp các bạn hiểu rõ bản thân mình hơn và cung cấp nhiều thông tin về ngành học và nghề nghiệp để các bạn lựa chọn đúng với bản thân hơn. Lời khuyên của mình là trước khi ra quyết định chọn ngành hay nghề, các bạn cần ngồi lại và hiểu bản thân mình trước. Ít nhất các bạn phải trả lời được những câu hỏi như: kỹ năng mình đang có là gì? sở thích mình có là gì và giá trị sống mình đang theo đuổi là gì. Đây là những viên gạch đầu tiên để các bạn hiểu bản thân và từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.


SBS: Có trường hợp khác nữa, là nhiều bạn học một chuyên ngành mà các bạn ấy không hứng thú lắm nhưng khả năng học lại không hề tệ. Đến khi tốt nghiệp, các bạn ấy lại theo một ngành nghề hoàn toàn khác. Vậy Tuấn Anh nghĩ có rủi ro hay không khi các bạn ấy làm một ngành nghề không đúng bằng cấp của mình?

Tuấn Anh: Như mình đã chia sẻ, mình là một nhân chứng sống của một người không làm đúng với ngành học của mình. Và mình nghĩ nếu các bạn hỏi xung quanh ba mẹ hay bạn bè của ba mẹ bạn, có bao nhiêu người làm công việc đúng với ngành học của họ, mình nghĩ con số đó cũng không nhiều.  Đương nhiên khi được làm một nghề đúng với bằng mình học, thì sẽ rất là tốt. Nếu như bạn làm một nghề chưa đúng với ngành học của bạn thì cũng không sao cả. Ở trường đại học, mình học một phần về kiến thức chuyên môn. Nhưng ở đó, họ không chỉ dạy về kiến thức chuyên môn mà còn các kỹ năng mềm , những hoạt động ngoại khoá. Ví dụ, bạn học ngành Kế toán và có kiến thức chuyên môn về Kế toán. Nhưng khi ra trường bạn làm ngành Truyền thông, không có liên quan gì đến chuyên môn bạn đã học. Lúc đó, trong môi trường Đại học, nếu bạn nào dành thời gian tham gia các hoạt động ngoại khoá hay trau dồi những kỹ năng thiết yếu ( employability skills) - kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề. Khi các bạn có những kỹ năng này, thì khi ra trường các bạn vẫn có thể làm những ngành nghề không đúng với chuyên ngành của mình, thậm chí còn làm rất tốt.
Khi các bạn có những kỹ năng thiết yếu (employability skils), thì lúc ra trường các bạn vẫn có thể làm những ngành nghề không đúng với chuyên ngành của mình, thậm chí còn làm rất tốt.
SBS: Vậy nếu những bạn thính giả đang theo dõi đề tài này đang học sai ngành, Tuấn Anh có lời khuyên gì cho các bạn?

Tuấn Anh: Có hai hướng cho các bạn đang học sai ngành. Hướng một là dành cho các bạn học sai ngành và không có khả năng học ngành hiện tại. Ngành này khiến các bạn cảm thấy mất thời gian,  các bạn thấy stressed , các bạn thấy rất mệt thì các bạn nên cân nhắc nghỉ và tìm hiểu thêm về bản thân. Ví dụ các bạn đang học ngành Kế toán nhưng các bạn là một người sáng tạo, thích tự do , thích nghệ thuật và không hề yêu thích kế toán thì đó không phải là lựa chọn tốt.  Hướng thứ hai đó là các bạn đang học sai ngành, các bạn không yêu thích ngành đấy nhưng các bạn lại học khá là tốt, các bạn không bị trượt môn, các bạn không cảm thấy quá áp lực khi phải làm bài tập của ngành học đó. Mình nghĩ các bạn có thể cân nhắc giữa lựa chọn nghỉ hoặc tiếp tục học . Bên cạnh đó, bạn cũng nên dành thời gian tìm hiểu bản thân xem vì sao mình không thích ngành đó, đặc điểm gì của ngành này khiến bạn không thích . Đối với những thứ bạn thích thì bạn có thể tìm xem những hoạt động ngoại khoá trong trường, ngoài trường nào bạn có thể tham gia để bù đắp lại cho sở thích của mình và mang lại nguồn năng lượng tích cực  cho bản thân bạn.

SBS: Cảm ơn Tuấn Anh về buổi phỏng vấn.

Tuấn Anh: Rất vui được chia sẻ với mọi người trong chương trình của SBS Vietnamese. Hy vọng nếu có cơ hội mọi người muốn trò chuyện thêm với mình, mọi người có thể lên blog cá nhân của mình hoặc Facebook của mình Anh Tuan Le.

Blog cá nhân của Tuấn Anh ở .

Facebook của Tuấn Anh ở .  

Điểm tin tại Úc
MVISC Cherry Picking
Source: MVIS Fanpage
Hội sinh viên Việt Nam tại trường Đại học Monash MVISC sắp tổ chức một chuyến dã ngoại hái cherry từ vườn và câu cá vào ngày 6/12 này.

Giá vé sẽ dao động từ $51 đến $60/ người bao gồm các hoạt động:

  • Phí xe bus
  • Vé vào cổng Cherry farm và Trout farm
  • Cần câu và thức ăn cho cá
  • Bàn BBQ, giấy bạc và những vật dụng cần thiết
  • Bữa ăn sáng (bánh mì thịt nguội) và nước uống
Hạn chót đăng ký tham gia là vào ngày 1/12

Tìm hiểu thêm tại .

Mỗi tuần một điều không thể bỏ lỡ ở Úc

Arbory Afloat
Arbory Afloat Source: theurbanlist.com
Quý vị và các bạn đã bao giờ trải nghiệm một nhà hàng trên thuyền phao chưa?

Nếu chưa thì quý vị và các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội này với Arbory Afloat, một nhà hàng nhỏ thú vị trên thuyền phao ngắm khung cảnh đẹp tuyệt ngoài trời ngay trung tâm thành phố Melbourne.

Chiếc thuyền phao này được mở vào năm 2015. Arbory ​​Afloat là một nhà hàng nhỏ xinh có phong cách thiết kế pha trộn giữa màu cam quýt và màu xanh lá cây, với nhiều chiếc giường được đặt chủ ý giữa khu vườn xanh mát, với các tán cây cam quýt và cây vả mang lại cho thực khách những trải nghiệm sống động.

Từ 16/11- 28/12, Arbory Afloat đang mở sự kiện hàng tuần vào mỗi thứ Sáu lúc 17 giờ với sự trình diễn âm nhạc của những DJ tài năng.  

Vé tham dự hoàn toàn miễn phí.


Share