Du học ở Úc (249): Du học sinh chuyển xuống Tasmania có dễ kiếm việc làm không?

jobs in tasmania

Source: element envato

Gần đây, chính sách mới của chính phủ nhằm khuyến khích dân nhập cư chuyển đến các vùng xa đang là mối quan tâm lớn của nhiều du học sinh. Để gia tăng cơ hội được định cư ở Úc, sinh viên đang dần chuyển sang các tiểu bang thưa dân, khu vực ngoại thành để sinh sống, học tập và mong muốn ổn định lâu dài. Liệu những nơi ít dân cư như Tasmania thì có nhiều cơ hội việc làm hơn không?


Một nỗi lo canh cánh rất điển hình của những ai sắp chuyển đến các khu vực ngoài đô thị đó là cơ hội việc làm.

Liệu những nơi ít dân cư hơn thì có nhiều việc hơn hay không? Cùng tìm hiểu đề tài này ở khu vực vùng xa, tiêu biểu là tiểu bang Tasmania.

Chương trình có sự góp mặt của khách mời là Duy Quốc, từng là một sinh viên năng nổ trong các hoạt động du học sinh ở Melbourne. Hiện nay, Duy Quốc đang giữ vai trò chủ đạo của Hội sinh viên Việt Nam tại Tasmania.

SBS: Quốc nằm trong những lứa sinh viên đầu tiên chuyển đến Tasmania sau khi chính sách bang này mở cửa cho du học sinh. Cuộc sống ở Tasmania lúc Quốc mới chuyển xuống cho đến bây giờ có thay đổi nhiều không?

Quốc: Quốc chuyển đến Hobart Tasmania tính đến thời điểm này cũng khoảng 3 năm rồi. Hobart hiện nay và ba năm trước theo Quốc thì rất khác.

Ngày đầu tiên đặt chân đến Hobart, ấn tượng của Quốc là thành phố này ít dân lắm. Quán xá 4, 5 giờ chiều đã đóng cửa hết. Đi lại trong trung tâm vào ban đêm thì gần như không một bóng người.

Có một chuyện cười người ta hay kể với nhau rằng ‘Hobart là một thành phố, nhưng đó là một sự dối trá bởi vì nó là một thành phố nhỏ thì đúng hơn'.

Cùng với làn sóng sinh viên chuyển đến, Hobart hiện nay đã ra dáng một thành phố lớn hơn. Dân thì cũng đông hơn và quán xá thì cũng nhiều hơn, với các thương hiệu lớn có mặt tại Hobart như H&M, trà sữa Gongcha, vv.
‘Theo mình tất cả mọi người đều khó khăn trong việc tìm part-time jobs ở Tasmania. Tuy nhiên, mình khá may mắn khi tìm được một công việc ở đây. Mình không có kinh nghiệm nhưng khá chủ động trong chuyện đi tìm việc. Chủ động ở đây có nghĩa là sáng mình ra khỏi nhà lúc 9h sáng, đi in tầm 30 đơn xin việc và và nộp khắp nơi xung quanh. Cứ làm thế sau ba tuần thì mình cũng được vài nơi gọi đến thử việc. Đến bây giờ, mình đã có công việc khá ổn định để có thể tự chi trả mọi sinh hoạt phí của bản thân, cải thiện được kỹ năng tiếng Anh, giao tiếp và có thêm nhiều bạn bè mới', sinh viên Phương Nguyễn ở Tasmania
SBS: Ngày càng có nhiều du học sinh chuyển xuống Tasmania để tìm kiếm cơ hội định cư. Và mặt bằng chung có thể thấy kinh tế Tasmania nhờ đó mà phát triển khá nhanh. Liệu điều đó có mang lại nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên hơn không?

Quốc: Quốc thấy dạo gần đây ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh mới được mở ra. Tuy nhiên, Quốc nghĩ rằng con số này tăng không kịp so với lượng người chuyển đến, dẫn đến chuyện tìm việc làm cạnh tranh hơn.

Lúc trước khá dễ tìm việc vì ít nhân công hơn. Gần như chỉ cần bạn muốn đi làm thì có việc làm ngay. Ngày nay, để tạo được lợi thế cho mình, bạn cần có kinh nghiệm hoặc kỹ năng đặc thù.

Còn đối với những chủ doanh nghiệp ở Tasmania, theo Quốc cảm nhận có vẻ như họ còn khá xa lạ với sinh viên quốc tế nên cơ hội tìm việc làm của du học sinh cũng bị hạn chế một chút xíu.
Duy Quốc ở Tasmania
Duy Quốc ở Tasmania Source: Supplied
SBS: Được biết là Tasmania là một tiểu bang có tỷ lệ già hoá dân số cao nhất của Úc. Đây có phải là một cơ hội rất tốt để thế hệ trẻ di dân, đặc biệt là du học sinh như Quốc có cơ hội phát triển và ổn định cuộc sống nhiều hơn không? Theo Quốc thấy thì những kỹ năng nào được ưa chuộng ở Tasmania?

Quốc: Theo Quốc thấy thì phần lớn dân số ở Tasmania là người lớn tuổi. Quốc đã đi làm thêm trong một số ngành khác nhau và nhận thấy là có những kỹ năng tạm gọi là ‘kỹ năng trẻ', như làm social media, thiết kế đồ họa, poster, chỉnh ảnh, video thì ở Tasmania đang khá thiếu.

Mình không có ý vơ đũa cả nắm nhưng cá nhân nhận thấy ít người lớn tuổi làm những kỹ năng trên. Nếu các bạn có những kỹ năng đó, thì đó là một lợi thế rất lớn để tìm việc làm ở Tasmania.

Ngoài ra, có một thực tế là trường University of Tasmania là một nhà tuyển dụng lớn ở đây, Quốc thấy trường thường đăng tuyển khá nhiều vị trí part-time cho sinh viên, đặc biệt là du học sinh.

Một lời khuyên nho nhỏ của Quốc dành cho những bạn nào dự định đến Tas học thì các bạn nên chú ý đến kết quả học tập, tham gia các hoạt động ngoại khoá và chăm sóc các mối quan hệ trong trường để có thêm cơ hội ở những vị trí vừa kể.
‘Hoạt động và xây dựng mối quan hệ ở Tasmania rất quan trọng và hữu ích. Trong quá trình thực tập, mình đã nỗ lực hết mình đóng góp các kỹ năng trẻ như social media, website và xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp. Nhờ đó, sau khi hoàn tất kỳ thực tập, mình may mắn được nhận vị trí full-time trong kỳ nghỉ hè. Lời khuyên của mình với mọi người là hãy chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập và volunteer từ trường hoặc ở ngoài, dù không được trả lương nhưng bạn sẽ xây dựng được mối quan hệ tốt với những tổ chức đó. Khi đi làm hãy chăm chỉ và chủ động', sinh viên Vy Phạm ở Tasmania.
SBS: Vậy Quốc có trải nghiệm cá nhân nào về chuyện tìm việc làm ở Tasmania không?

Quốc: Ở Tasmania có nét đặc thù là do dân số ít nên hầu như ai cũng dễ biết nhau, đặc biệt là doanh nghiệp và những người làm tuyển dụng. Do đó, networking bình thường đã quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn ở Tasmania.

Quốc từng nhận được offer công việc từ một chỗ mà Quốc không hề nộp resume. Hỏi ra mới biết chỗ đó với người sếp cũ của Quốc quen nhau nên họ xin số điện thoại và gọi cho mình.

Nếu như chúng ta làm việc không tốt ở một chỗ, thì có khả năng nhỏ là chúng ta mất đi cơ hội thứ hai. Khi bạn lỡ mang tiếng ở một nơi thì có thể những nơi khác sẽ biết chuyện của mình và từ chối tuyển dụng.

SBS: Cảm ơn Quốc về buổi trò chuyện thú vị này.

Điểm tin tại Úc

coffee
Source: Pixabay
Tuần vừa rồi, Chủ người Việt của hai quán cà phê ở Richmond và Brunswick đã phải hoàn lại cho 26 nhân viên của mình số tiền lương bị ăn chặn là $24.947 đô la. Hai cơ sở này cũng sẽ bị kiểm tra chặt chẽ trong vòng ba năm sau cuộc điều tra của Uỷ ban Công bằng Nơi làm việc.

Bà Cindy Huynh- giám đốc của công ty Café Touchwood Pty Ltd đứng tên kinh doanh là Café Touchwood ở Richmond và công ty Cafecino Enterprise Pty Ltd sở hữu kinh doanh tiệm cà phê A Minor Place ở Brunswick, cùng với chồng là ông Duy Phuong Dang vừa là một cổ đông và quản lý việc kinh doanh của quán.

Cả hai đã phải cam kết cải thiện việc tuân thủ luật pháp tại nơi làm việc bằng cách ký vào một Bản Cam kết Cưỡng chế của Tòa án (EU).

Các thanh tra của Uỷ ban Fair Work đã phát hiện hai công ty này đều trả mức lương dưới mức quy định cho nhân viên trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 4 năm ngoái. Nhân viên làm việc bán thời tại mỗi quán cà phê chỉ được nhận khoảng $20 đô/giờ và nhân viên phục vụ làm ở Café Touchwood nhận từ $17 đến $22 đô la mỗi giờ.

Đọc chi tiết tại .

Mỗi tuần một điều không thể bỏ lỡ ở Úc

World Press Photo
Source: World Press Photo website
Cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm tin tức bằng hình ảnh hàng đầu thế giới bắt đầu hồi năm 2018, được tuyển chọn từ cuộc thi ảnh báo chí uy tín World Press Photo Exhibition lần thứ 62.

Triển lãm trưng bày hơn 150 bức ảnh và những câu chuyện được kể qua ảnh- những sản phẩm báo chí mạnh mẽ, giàu tính gợi mở, được ghi lại  bởi các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới.

Chủ đề trưng bày đa dạng gồm tin tức, các vấn đề đương đại, con người, đời sống hàng ngày, thể thao, thiên nhiên và môi trường.

Sự kiện triển lãm hình ảnh báo chí thế giới được tổ chức thường niên tại 45 quốc gia, hơn 100 thành phố và được chiêm ngưỡng bởi hơn 4 triệu người xem mỗi năm, hiện đã đến với Sydney.

Thời gian: Từ nay đến hết 23/06/2019

Vào cửa: Miễn phí

Địa điểm: Exhibition Galleries, State Library of NSWMacquarie St, Sydney

Tìm hiểu thêm tại .

Share