Lo sợ và bất an cho người tị nạn khi trại di trú trên đảo Manus đóng cửa

Behrouz Boochani người tị nạn Iran gốc Kurdish từng làm phim về cuộc sống ở Manus

Behrouz Boochani người tị nạn Iran gốc Kurdish từng làm phim về cuộc sống ở Manus Source: SBS

Những người tị nạn trên đảo Manus đang hoang mang lo lắng khi chính phủ Úc bắt đầu dẹp bỏ trại nhưng họ lại không nghe nói gì về chuyện đi định cư ở Mỹ.


Trong trại tạm giam di trú ở Lombrum còn khoảng 800 người, trước khi trại bị tối cao pháp viện PNG tuyên bố là bất hợp pháp.

Shamindan, người tị nạn Tamil đến từ Sri Lanka đã bị giam gần 4 năm trong đó nói anh thực sự không cảm thấy an toàn.

"Tôi trốn khỏi đất nước của tôi là để bảo vệ mình bởi vì tôi bị đàn áp và tra tấn, nhưng người địa phương tại đây không muốn chúng tôi ở lại đây."

Nhiều người tị nạn thường xuyên vô Lorengau, thị trấn chính trên đảo Manus, nhưng vô số trường hợp bức hiếp và trấn lột đã xảy ra khiến họ lo sợ, một số thậm chí đã bị thương.

Công việc dọn dẹp trại giam di trú Foxtrot ở Lombrum đã bắt đầu, và các dịch vụ dành cho người tị nạn như giáo dục, y tế và tiêu khiển đã bị ngưng.

Chính phủ Úc và PNG buộc người tị nạn đến thị trấn Lorengau cho những dịch vụ đó.

Một trung tâm chuyển tiếp gần thị trấn Lorengau được dùng làm nơi cư ngụ cho vài chục người nhưng có thể chứa đến vài trăm người.

Chỉ huy cảnh sát Manus, David Yapu trấn an người tị nạn.

"Tôi nghĩ những người tị nạn không nên lo lắng bởi vì cách bày tỏ sự hiếu khách và thân thiện của dân địa phương."

Nhưng những người tị nạn muốn rời khỏi PNG. Họ hy vọng được định cư ở Mỹ khi biết rằng họ không bao giờ được đặt chân đến Úc.

Naeem đến từ Pakistan là một trong số hàng trăm người đã được phái đoàn Mỹ phỏng vấn.

"Trước tiên chúng tôi cần sự an toàn và chúng tôi muốn đi định cư ở Mỹ. Chúng tôi không biết khi nào thì chúng tôi được đi Mỹ. Chúng tôi cũng không rõ nữa."

Mới đây chính phủ Úc đồng ý bồi thường những người còn trong trại giam Manus trên 70 triệu đôla, nhưng Naeem nói tiền đối với họ không có ý nghĩa gì trong lúc này.

"Tiền bạc không đền bù được bốn năm tôi đã mất ở đây mà không phạm bất kỳ tội gì," Naeem nói.

Dù bị giam trong hơn 4 năm trời nhưng những người tị nạn xem trại là nơi toàn nhất trong lúc này.

Behrouz Boochani người tị nạn Iran gốc Kurdish, người đã từng làm phim về cuộc sống ở Manus, tiên đoán điều xấu nhất có thể xảy ra.

"Nếu chính phủ muốn chuyển trại cưỡng bức, chắc chắn sẽ có bạo loạn, có thể có nổi loạn vì người ta cảm thấy là họ không còn gì để mất cả."

Thủ tướng PNG, ông Peter O'Neill cho biết nước ông muốn giải quyết chuyện này một cách êm thắm.

"Để lo liệu cho những người còn lại trên đảo Manus, chúng tôi đã cho họ ở lại định cư, một số đã đồng ý, đâu chừng chưa tới 20 người chọn định cư tại PNG. Chúng tôi xem xét mọi giải pháp cho họ."

Trại giam di trú trên đảo Manus chính thức đóng cửa vào tháng 10. Chính phủ Úc giúp cho người tị nạn hàng chục ngàn đôla nếu họ tự nguyện hồi hương, nhưng họ chỉ có cho đến tháng 8 để ghi danh. Trong lúc này, những người Shamindan đến từ Sri Lanka tuyệt vọng trước một tương lai mù mờ.

"Cuộc sống của tôi vô cùng bất định, tôi thực sự không có sự lựa chọn nào. Không có sự lựa chọn nào hết."
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

 


Share