Hội nghị G20 thúc giục thế giới hợp tác nhiều hơn để đẩy lùi dịch bệnh

Italian Foreign Minister Luigi Di Maio arrives for a G20 Foreign and Development Ministers' meeting in Matera, southern Italy.

Source: AAP

Các ngoại trưởng của nhóm G20 kêu gọi có thêm các biện pháp giải quyết đa phương trong những cuộc khủng hoảng toàn cầu, bao gồm đại dịch COVID-19. Giữa lúc này, một nghiên cứu mới nói lĩnh vực văn hóa của châu Âu đã mất tới 4/5 doanh thu và số lượng khách tham gia do đại dịch.


Các ngoại trưởng của G20 kêu gọi có thêm các biện pháp giải quyết đa phương trong những cuộc khủng hoảng toàn cầu, bao gồm đại dịch COVID-19, tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên sau hai năm.

Cuộc họp chỉ diễn ra trong một ngày tại thành phố Matera, miền nam nước Ý, chú trọng về việc cải thiện các hoạt động hợp tác, vực dậy nền kinh tế thế giới sau đại dịch.

Các thành viên G20 chiếm hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội thế giới, 75% giao dịch quốc tế và 60% dân số trên hành tinh.

Tham dự cuộc họp tại Matera gồm có các nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Ấn Độ.

Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio nói cần phải củng cố mối quan hệ đối tác trong giai đoạn quan trọng này.

Chấp nhận Tuyên bố Matera là một ví dụ cụ thể về tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương hiệu quả. Những hành động quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19 đã cho thấy rõ tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, như một giải pháp thay thế việc quốc gia hóa các biện pháp can thiệp, và điều này được áp dụng cho mọi sự thách thức lớn lao trên thế giới chứ không riêng COVID-19.

Tại Ấn Độ, công ty dược phẩm Cipla đã được cơ quan quản lý dược phẩm nước này cấp giấy phép khẩn cấp để nhập cảng vaccine COVID-19 do công ty Moderna phát triển.

Bác sĩ Vinod Kumar Paul nói đây sẽ là lần cấp phép thứ tư tại Ấn Độ.

Vì vậy, hiện nay có bốn loại vaccine được cấp phép, là COVAXIN, COVISHIELD, Sputnik và Moderna, như vậy giỏ đựng vaccine của chúng tôi hiện phong phú hơn nhờ sự bổ sung lần này. Như chúng tôi đã thông báo, chúng tôi đã nỗ lực mời gọi để tiếp tục có được các loại vaccine khác đang phát triển trên thế giới, cụ thể là vaccine Pfizer và J&J (do công ty Johnson & Johnson sản xuất), các quy trình này đang được thực hiện. Chúng tôi đang giảm bớt các hạn chế, mọi người đang quay trở lại đường phố và đây vẫn còn là giai đoạn rủi ro.

Tại Mỹ, lực lượng quân sự nhận mũi tiêm vaccine COVID-19 cho thấy tỷ lệ bị đau tim cao hơn dự kiến, mặc dù phản ứng này vẫn cực kỳ hiếm có trong số đã tiêm.

Một nghiên cứu mới cho biết 23 nam giới khỏe mạnh có độ tuổi trung bình 25 tuổi đã bị tức ngực trong vòng 4 ngày sau khi tiêm phòng COVID-19.

Tỷ lệ gặp sự cố này cao hơn so với ước tính.

Chuyện xảy ra giữa lúc hàng chục ngàn người Mỹ vô gia cư từng được ở trong những khách sạn do chính phủ liên bang trả tiền nay phải quay lại đường phố.

Khi các khách sạn mở cửa trở lại cho khách du lịch và nguồn tài trợ đại dịch của liên bang dần kết thúc, nhiều người đang phải đối mặt với sự bất định.

Tại một cộng đồng ở Vermont, các nhân viên xã hội đang cung cấp lều cắm trại cho những người vô gia cư, không đủ điều kiện để ở trọ vào cuối tháng.

Bà Ivy LeGrand nói sẽ rất khó để có thể đứng vững trở lại.

Chỉ là tôi đã quá quen với cuộc sống trong mấy tháng qua, giờ thì giống như, chúng tôi biết làm gì đây. COVID là một điều gì thật kinh khủng, nhưng cùng lúc cũng đã ban cho chúng tôi một cuộc sống tốt đẹp. Một khi bạn quay lại đường phố, bạn không có cách nào chuẩn bị cho việc này. Vì vậy, chúng tôi đang níu giữ cọng rơm cuối cùng. Bây giờ chúng tôi biết điều này sẽ kết thúc và chúng tôi lại đối mặt với tất cả những việc cần phải vượt qua. Một chồng giấy tờ đang cần hoàn thành. Vẫn rất khó để chúng tôi có thể vào ở được một căn hộ, giống như chúng tôi đã ở trong thời gian qua, thậm chí chúng tôi phải vượt qua rất nhiều rào cản nữa, như việc làm và thu nhập, tất cả những thứ đó.

Trong khi đó tại Nga, giới chức y tế đã phê duyệt các mũi tiêm nhắc lại cho những người đã được tiêm vaccine COVID-19, sáu tháng sau khi họ tiêm mũi đầu tiên.

Hội Hồng Thập Tự Indonesia nói chính phủ cần nhanh chóng tăng thêm sự hỗ trợ cho lĩnh vực chăm sóc y tế.

Còn Liên minh châu Âu nói lĩnh vực văn hóa thuộc khối này đã mất tới 4/5 doanh thu và khách tham dự khi đại dịch COVID-19 tàn phá khắp khu vực.

Các số liệu mới nhất của liên minh châu âu trong một phúc trình vừa tung ra cho thấy các bảo tàng tại các khu du lịch nổi tiếng đã mất tới 80% doanh thu vào năm ngoái; các rạp chiếu phim chứng kiến​​doanh thu phòng vé giảm tới 70%; trong khi đó các buổi hòa nhạc và lễ hội giảm tới 64% doanh thu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Liên minh Châu Âu Margaritis Schinas nói không ai là người thắng cuộc trong đại dịch, chỉ có kẻ thua cuộc và ngành văn hoá cần được hồi sinh khẩn cấp.

Chúng tôi đã nhìn thấy lòng nhiệt tình của công chúng đối với lĩnh vực này trên khắp Châu Âu. Và chính sự nhiệt tình đó cho chúng ta thấy một lần nữa rằng khu vực văn hóa và sáng tạo tại Châu Âu quan trọng như thế nào. Đó là một phần trong DNA của người Châu Âu. Để Châu Âu có thể giành lại vị thế của mình như một cường quốc văn hóa toàn cầu, các ngành thuộc lĩnh vực này cần một sự nỗ lực phối hợp trên khắp khu vực, giúp họ mở cửa trở lại một cách an toàn và lâu bền.

Trong khi đó tại Hoà Lan, một tổ chức y tế đang tư vấn cho chính phủ về việc cung cấp vaccine Pfizer cho tất cả trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.

Hội đồng Y tế Hoà Lan nói tiêm chủng cho thanh thiếu niên sẽ giúp giảm bớt việc đóng cửa trường học.

Trong khi đó, Hungary sẽ tài trợ nửa triệu vaccine COVID-19 cho các nước thuộc Trung Âu và Đông Nam Âu, khi việc tiêm chủng của Hungary dần hoàn thành và nguồn cung đang tang lên.

Còn tại Hy Lạp, chính phủ sẽ tặng cho mỗi thanh niên từ 18 đến 25 tuổi một thẻ trả trước trị giá 150 euro, tương đương 237 đô la Úc, nếu họ đi chích ngừa COVID-19.

Thẻ trả trước này có tên gọi "Freedom Pass", có mặt vào cuối tháng 7, và được sử dụng làm vé vào cửa tại các sự kiện du lịch và văn hóa.

Đây là một nỗ lực của chính phủ Hy Lạp nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng trong lúc đất nước sắp bước vào mùa lễ hội.

Một người dân tên là Gina cho biết sáng kiến ​​này chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của những người trẻ tuổi.

Chỉ cần tiêm liều đầu tiên, là bạn sẽ nhận được thẻ này. Và đây không phải là tiền mặt, mà giống như một loại thẻ trả trước. Bạn có thể sử dụng thẻ để mua vé đi du lịch. Bạn có thể sử dụng thẻ để đi nghe hòa nhạc hoặc tham dự các sự kiện văn hóa. Bạn có thể sử dụng nó để đi vào các viện bảo tàng.

Tại Nhật Bản, một số chặng trong lễ rước đuốc Olympic Tokyo sắp bị bỏ dở, do lo ngại về sức khỏe cộng đồng.

Còn Sri Lanka đã ban bố lệnh cấm đi lại trong 13 ngày đối với du khách đến từ 6 quốc gia thuộc vùng Vịnh.

Cơ quan Hàng không Dân dụng Sri Lanka nói những du khách trong 14 ngày trước đó đã đi qua Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Saudi, Oman, Bahrain và Kuwait sẽ không được hạ cánh xuống Sri Lanka, bắt đầu từ ngày thứ Năm.

Và cuối cùng tại Brazil, có những cáo buộc cho rằng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã che giấu một thương vụ mua bán vaccine coronavirus có dấu hiệu tham nhũng.

Hiện đang có những nỗ lực đề nghị phải kết án hình sự đối với tổng thống.

Để biết các biện pháp hỗ trợ và sức khỏe hiện đang được áp dụng nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 bằng tiếng Việt, mời quý vị vào trang mạng sbs.com.au/coronavirus

Share