Hơn hai triệu người Úc đã tiêm vaccine giữa lúc chính phủ bị áp lực hồi hương 9,000 người bị kẹt tại Ấn Độ

The COVID-19 vaccine rollout in Melbourne

The COVID-19 vaccine rollout in Melbourne Source: AAP

Hai triệu người đã được tiêm chủng nhưng chương trình vẫn bị chậm tiến độ. Áp lực đang tăng lên kêu gọi chính phủ liên bang phải giúp đỡ 9,000 người Úc bị mắc kẹt tại Ấn Độ có thể về nước. Còn hệ thống khách sạn cách ly tại tiểu bang NSW hôm nay ghi nhận mức kỷ lục 15 ca nhiễm mới vừa về nước.


Lo lắng đang tăng lên vì tại NSW, số ca nhiễm coronavirus ở các khách sạn cách ly đang tăng vọt.

Hệ thống khách sạn cách ly tại tiểu bang NSW chỉ trong 4 ngày qua đã có thêm 44 ca nhiễm mới, và hôm nay thứ Năm ghi nhận số ca nhiễm cao nhất là 15 du khách vừa về nước đã bị nhiễm. Thứ Hai có thêm 8 ca mới, thứ Ba 12 ca và ngày hôm qua có 9 ca mới được xác nhận tại các khách sạn NSW.

Các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ bị tạm dừng cho đến ít nhất là ngày 15 tháng 5 và Thủ tướng Scott Morrison nói ông hy vọng các chuyến bay hồi hương từ Ấn Độ sẽ được nối lại sau vài tuần.

Chúng tôi sẽ khởi động lại các chuyến bay này. Chúng tôi sẽ quay lại thực hiện hồi hương trong vài tuần nữa, hy vọng là như vậy, điều này có nghĩa là cơ sở cách ly ở Úc đã sẵn sàng tiếp nhận những người Úc quay trở lại, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đưa nhiều người Úc từ khắp nơi trên thế giới quay trở về Úc một cách an toàn nhất. Chúng ta đã mang về hơn nửa triệu người, nửa triệu người Úc đã quay trở lại Úc trong suốt thời gian COVID vừa qua. Chúng tôi đã tạo điều kiện cho những chuyến bay hồi hương. Chúng tôi đã trực tiếp điều hành để đưa người Úc về nhà và đó là số người Úc đã quay trở lại trong suốt thời gian COVID.’

Ấn Độ đang phải đối mặt với một thảm họa nhân đạo do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trong tuần qua, mỗi ngày quốc gia này ghi nhận thêm 300.000 ca nhiễm mới, Trưởng ban Y tế Victoria, Giáo sư Brett Sutton đã đăng dòng tweet cho rằng số ca nhiễm và tử vong mỗi ngày trong thực tế có thể cao hơn nhiều so với số liệu chính thức.

Khoảng 9,000 người Úc đang mắc kẹt tại Ấn Độ và lãnh đạo đối lập Anthony Albanese cho rằng chính phủ không nỗ lực để hồi hương những người này.

‘Tôi đồng cảm với những công dân Úc đang mắc kẹt ở Ấn Độ cũng như gia đình của họ ở đây, nhiều người trong số họ đang rất đau khổ. Đã hơn sáu tháng kể từ khi tôi tổ chức họp báo tại sân sau một ngôi nhà tại Wentworthville, Sydney, với một người đàn ông không thể đưa vợ về nhà vào thời điểm đó, và thực tế là sự đáp ứng của chính phủ liên bang về nghĩa vụ với công dân Úc vẫn chưa tốt.’

Hơn hai triệu người Úc đã nhận ít nhất liều vaccine coronavirus đầu tiên.

Thủ tướng Scott Morrison nói việc triển khai vaccine vẫn đang chú trọng vào những người dễ bị tổn thương nhất.

‘Chương trình tiêm chủng tiếp tục được triển khai, tập trung vào những người Úc dễ bị tổn thương nhất và những người ở tuyến đầu trong lực lượng y tế, chúng tôi sẽ sớm chuyển sang bước tiếp theo vào ngày 3 tháng 5 tới, tiếp cận những người trên 50 tuổi được tiêm AstraZeneca, thông qua mạng lưới bệnh nhân có sẵn của các GP, bệnh nhân tại các phòng khám về hô hấp ở các tiểu bang và vùng lãnh thổ. Rồi tới hai tuần sau đó, chúng tôi sẽ chuyển sang toàn bộ những người có độ tuổi trên 50 trên diện rộng, thông qua hệ thống GP trên toàn quốc’.

New South Wales sẽ mở một trung tâm tiêm chủng hàng loạt vào ngày 10 tháng 5 tại Sydney Olympic Park, ban đầu sẽ phục vụ cho những người đủ điều kiện thuộc Giai đoạn 1, bao gồm nhân viên chăm sóc sức khỏe và nhân viên làm công tác cách ly.

Những người trên 50 tuổi sẽ không được sử dụng cơ sở tiêm chủng này cho đến ngày 24 tháng 5.

Thủ hiến New South Wales bà Gladys Berejiklian nói rằng những người trên 50 tuổi nên cố gắng tìm cách chủng ngừa thông qua bác sĩ gia đình của mình từ ngày 17 tháng 5.

Bà nói chính phủ liên bang đã yêu cầu tiểu bang giúp đỡ trong việc tiêm chủng cho các nhân viên chăm sóc cao niên.

‘Chính phủ liên bang đã yêu cầu chúng tôi hỗ trợ tiêm chủng cho nhân viên chăm sóc người cao niên, đây là nhóm trước giờ chưa được tiêm vaccine, cũng như hỗ trợ tiêm chủng cho số nhân viên chăm sóc người khuyết tật. Và New South Wales tất nhiên đã đồng ý giúp đỡ. Vì vậy, gánh nặng của chúng tôi sẽ tăng thêm nhưng chúng tôi rất vui khi làm điều này, vì họ là những người dễ bị tổn thương nhất, đây cũng là những nhân viên mà nếu không may, họ bị nhiễm bệnh và truyền bệnh thì sẽ là bi kịch cho tất cả những người có liên quan.’

Úc có khoảng 2,500 cơ sở chăm sóc người cao niên, và số liệu mới nhất cho thấy 910 nơi trong số này đã có 100% cư dân được tiêm chủng đầy đủ, so với con số 878 cơ sở cao niên hoàn thành tiêm chủng vào thứ Hai (26/4).

Đối với nhóm chăm sóc cao niên tại nhà, sự tiến bộ càng nhanh chóng hơn, tính đến hôm qua đã có tới 1,554 người được tiêm chủng, so với chỉ có 492 người hoàn thành tiêm chủng vào thứ Hai.

Tuy nhiên Giám đốc Điều hành Dịch vụ Cộng đồng và Cao niên Úc, bà Patricia Sparrow cho rằng việc triển khai tiêm chủng trong lĩnh vực chăm sóc cao niên diễn ra quá chậm.

‘Tôi nghĩ nó mất nhiều thời gian hơn bất kỳ sự ước đoán nào, chúng ta đã trải qua sáu tuần rồi. Tôi nghĩ bây giờ phải tập trung bảo đảm những cư dân còn lại được tiêm chủng càng nhanh càng tốt. Họ rất dễ bị tổn thương và họ cần phải được tiêm chủng’.

Những người sống trong các trung tâm chăm sóc người khuyết tật cũng thuộc nhóm được ưu tiên tiêm chủng.

Ít nhất 1640 cư dân ở đây đã được tiêm vaccine.

Đại tá Eric Young là người điều phối chương trình tiêm vaccine Úc.

‘Tại các cơ sở chăm sóc người khuyết tật, chúng tôi đã thực hiện 97 chuyến viếng thăm tiêm mũi đầu tiên và 17 chuyến viếng thăm để tiêm mũi thứ hai, trong tuần này chúng tôi sẽ triển khai thêm 17 chuyến viếng thăm nữa.’

Ông Bill Shorten, phát ngôn nhân của Lao Động về Chương trình Bảo hiểm Người khuyết tật Quốc gia NDIS, đã phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Canberra hôm qua, ông đặt câu hỏi về việc triển khai vaccine trong lĩnh vực chăm sóc khuyết tật.

‘COVID vẫn chưa kết thúc. Đó là lý do tại sao những người khuyết tật nên được tiêm phòng. Đó là lý do tại sao nhân viên chăm sóc họ nên được tiêm phòng vì COVID vẫn chưa hết. Dịch bệnh thật đáng sợ và đó là lý do tại sao tôi nghĩ chính phủ nên tiêm chủng cho những người khuyết tật đang sống trong các ngôi nhà chung, như họ đã hứa. Phải nói rằng giá trị lời hứa của ông Scott Morrison ở đất nước này đang bị mất giá, ông đã hứa, nhưng ngay cả khi ông ta hứa chúng ta cũng không thể tin ông được, bởi vì bản thân ông ta cũng không tin và ông ta không chịu trách nhiệm. Ông ta hứa rằng 4 triệu người sẽ được tiêm chủng trước cuối tháng Ba, nhưng đến nay vẫn là chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi.’

Để biết các biện pháp hỗ trợ và y tế hiện đang được áp dụng để đối phó với đại dịch COVID-19 bằng tiếng Việt, xin mời các bạn vào trang mạng sbs.com.au/coronavirus

Share