Hơn một phần trăm dân số thế giới là người tị nạn

Rohingya refugees walk through one of the arterial roads at the Kutupalong refugee camp in Cox's Bazar, Bangladesh.

Rohingya refugees walk through one of the arterial roads at the Kutupalong refugee camp in Cox's Bazar, Bangladesh. Source: AAP

Những cuộc xung đột, khủng bố và bạo lực đang ảnh hưởng đến hơn một phần trăm dân số thế giới. Cứ 97 người thì có một người bị ép buộc phải chạy trốn khỏi quê hương lưu lạc khắp nơi. Phúc trình của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc mang tên “Xu hướng Toàn cầu” cho biết đến cuối năm 2019, toàn thế giới có 79.5 triệu lưu dân đã bỏ nước ra đi. Đó là con số cao nhất từ trước đến nay mà phúc trình ghi nhận được.


Gần 80 triệu người đang lưu lạc trên khắp thế giới. Đó là số lượng cộng đồng tha hương cao nhất trong lịch sử 70 năm thành lập mà Cao ủy Tị nạn LHQ ghi nhận được.

Phúc trình thường niên mang tên “Xu hướng Toàn cầu” ước tính khoảng 40% trong số 80 triệu lưu dân là trẻ em dưới 18 tuổi, hàng chục ngàn em trong số đó được biết là không có cha mẹ hay người thân đi kèm.

Trong 80 triệu dân bỏ nước ra đi, chỉ có 26 triệu người được công nhận là người tị nạn, 46.7 triệu người đang bơ vơ tại khắp các quốc gia và 4.2 triệu người là những người tầm trú.

Một trong những người đã trốn thoát khỏi sự hành hạ vì kỳ thị tôn giáo là cô gái 24 tuổi Hadeel Alnashy.

Cô cùng cha mẹ và bốn anh em trốn khỏi Iraq vào 7 năm trước, sau khi gia đình cô bị đe dọa.

Cô vừa học xong trung học, và nay đang mơ ước được vào đại học.

‘Tôi đã từng ước mơ trở thành bác sĩ – tôi từng học rất giỏi, luôn đạt điểm cao, nhưng thật không may mọi chuyện đã xảy đến, chúng tôi bỏ hết mọi thứ và trốn thoát. Chúng tôi đã chạy tới Jordan, và ở đó hai năm’.

Trong thời gian tị nạn tại Jordan, Hadeel cũng như gia đình cô không được đi học hay đi làm.

‘Chúng tôi không thể đi học vì rất tốn kém. Chúng tôi cũng không có quyền làm việc. Chúng tôi không được đến trường nên hai năm đó coi như xong. Khi chúng tôi đến đây, chúng tôi không có gì trong tay cả, mọi thứ bắt đầu từ con số không’.

Câu chuyện của cô cũng là một thực tế mà hàng triệu người bỏ nước ra đi gặp phải, nhưng họ vẫn quyết định lưu lạc vì nỗi lo sợ mạng sống bị đe dọa nếu ở lại quê nhà.

Tính đến năm 2019, có tới 73% người tị nạn chạy đến sống tại một nước láng giềng với cố quốc của họ, mà hầu hết những nước này đều là nước đang phát triển.

Thổ Nhỹ Kỳ đang thu nhận số lượng người tị nạn lớn nhất thế giới, với 3,6 triệu người. Đứng nhì là Colombia nhận 1,8 triệu lưu dân, sau đó tới các nước Pakistan, Uganda và Đức quốc.

Số lượng lưu dân đã tăng lên gần 10 triệu người chỉ trong một năm, từ năm 2018 đến năm 2019. Cao ủy Tị nạn LHQ cho rằng có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Nguyên nhân thứ nhất là xung đột tiếp tục leo thang tại nhiều quốc gia, trong đó có Cộng hòa Dân chủ Congo, Yemen và Syria.

Cuộc chiến tại Syria đã bước sang năm thứ chín, và khiến cho 13 triệu người phải bỏ nước này ra đi, chiếm 1/6 tổng số lưu dân trên thế giới.

Tại Yemen, một quốc gia từng bị xem là đang xảy ra “khủng hoảng mà không ai hay biết”, cũng góp phần không nhỏ vào số lượng người tị nạn ngày càng tăng trên thế giới.

Đại diện của cao ủy tị nạn LHQ tại Yemen ông Jean-Nicolas Beuze cho biết:

‘Ước đoán có tới 80% dân số Yemen phải sống dựa vào nguồn tài trợ nhân đạo từ bên ngoài, để có thể sống sót qua ngày. Cuộc xung đột kéo dài 5 năm đã khiến 1/8 dân số phải rời bỏ nhà cửa vì bị bom đạn tàn phá, phi cơ oanh tạc và họ không còn cảm thấy an toàn khi sống trong chính ngôi làng của mình’.

Không giống như những người dân đang gặp cảnh chiến tranh ở các nước khác, hầu hết người Yemen không thể đào thoát đến các quốc gia láng giềng.

‘Họ không thể rời Yemen vì vị trí địa lý của nước này, họ sẽ bị chôn vùi ngay trong chính quê hương mình, và thường xuyên phải sống gần các chiến trường’.

Phúc trình cũng chỉ ra số lượng lưu dân tăng thêm đến từ cuộc khủng hoảng tại Venezuela.

Tính tới cuối năm 2019, khoảng 4,5 triệu người Venezuela đã chạy trốn khỏi nước này để đi sang những khu vực khác tại Mỹ La Tinh và Caribbe.

Đây được xem là một trong những cuộc khủng hoảng bỏ nước ra đi lớn nhất trên thế giới.

Tuy nhiên mối quan tâm của Cao ủy Tị nạn LHQ về lượng người tị nạn trong tương lai đến từ thiên tai và khí hậu thay đổi.

Cố vấn đặc biệt của Cao ủy Tị nạn LHQ về khí hậu thay đổi, ông Andrew Harper nói nhiều gia đình và cộng đồng đang chịu đựng hậu quả của biến đổi khí hậu, khiến họ phải rời bỏ nhà cửa để tìm đến một nơi chốn mới.

‘Chúng tôi thật sự lo lắng rằng biến đổi khí hậu sẽ trở thành một mối đe dọa đối với rất nhiều người, từ đó sẽ dẫn tới xung đột leo thang, một cách trực tiếp hay gián tiếp. Bởi vì hầu như ở khắp mọi nơi, chúng ta đang nhìn thấy mọi thứ trở nên khô hạn, lương thực ngày càng khó gieo trồng, người ta tranh chấp với nhau về nguồn tài nguyên, vì vậy một mặt họ sẽ bỏ đi bởi vì họ không thể sinh sống trên mảnh đất đã nuôi sống họ nhiều thế hệ, mặt khác họ sẽ bỏ đi vì không thể giành giật lẫn nhau để sinh tồn với nguồn tài nguyên ít ỏi’.

Một phần cộng đồng tị nạn hiện tại cũng là những nạn nhân của thiên tai và khí hậu thay đổi.

Hồi năm ngoái, cơn bão nhiệt đới Idai ập đến Đông Nam Phi Châu và tàn phá nặng nề, khiến Cao ủy Tị nạn LHQ phải nhanh chóng di chuyển các gia đình lưu dân tại Mozambique và Malawi, để đi tìm nơi cư trú mới an toàn hơn.

Tương tự, những người tị nạn Rohingya tại Nam Bangladesh đối mặt với sự nguy hiểm dâng cao suốt mùa mưa khiến ngập lụt và lở đất thường xuyên xảy ra.

Ông Harper nói ông chỉ có thể ước đoán những vấn đề như thế này sẽ tăng thêm trong những năm tới, và ông thúc giục các chính phủ hãy hành dộng thêm nữa.

Còn đối với Hadeel và gia đình, cả nhà mới được định cư lâu dài tại Úc bằng visa nhân đạo vào năm 2015.

Sau năm năm học tập chăm chỉ, vừa học tiếng Anh, vừa thi lấy bằng lái xe, cô còn trúng một học bổng toàn phần tại Western Sydney University. Nay cô đang học năm cuối Khoa Y tá.

Theo phúc trình cho hay, Úc đã đón 11% số người tị nạn đã được tái định cư.

Trong năm 2019, Úc nhận hơn 18,000 người.

Cô Alnashy nói cô vui sướng vì mình là một trong số đó.

‘Một quê hương mới, đồng nghĩa với một cơ hội mới. Và một cuộc đời mới.’


Share