Cả ngàn người tầm trú kẹt lại Nauru sẽ đi đâu?

refugees on Nauru

Refugee children play a game on Nauru. Source: Amnesty

Theo phúc trình của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Quốc tế, hơn một ngàn người lớn và trẻ em hiện còn kẹt lại trên đảo Nauru, bên trong “một pháo đài bí mật”.


Chính giới và báo chí Úc đang bàn tán xôn xao về bản phúc trình có tựa đề ‘Island of Despair: Australia's processing of refugees on Nauru’  (Hòn đảo của sự thất vọng: Trung tâm Thanh lọc Người tỵ nạn của Úc ở Nauru).

Trong đó, số phận và cuộc sống của những con người còn kẹt lại hệ thống giam giữ ngoài nước Úc trên một quốc đảo nhỏ, được phơi bày một cách chân thực nhất.

Bản phúc trình được thực hiện căn cứ vào một cuộc nghiên cứu kéo dài nhiều tháng, bao gồm các cuộc phỏng vấn trực tiếp với hơn 60 người tầm trú và tỵ nạn tại Nauru và ngay tại Úc.
“Chúng ta cần phải tìm ra một giải pháp tái định cư cho những người này, nếu không thì tình hình vẫn như hiện tại, họ phải đối mặt với viễn cảnh bị giam giữ vô thời hạn,” Phó giáo sư Alex Reilly, ĐH Adelaide
Giám đốc cao cấp của cuộc nghiên cứu này, bà Anna Neistat cho hay Tổ chức Ân xá Quốc đã đăng ký chính thức để vào bên trong trung tâm thanh lọc người tầm trú của Úc 6 lần trong vòng 2 năm, thế nhưng, lời yêu cầu chính thức đó không những bị từ chối mà còn bị phớt lờ.

Sau đó, bà đã tìm đường đến thăm hòn đảo bằng nỗ lực cá nhân, để tìm cách gặp gỡ được một vài người bị cầm giữ ở đó.

“Có 2 nhóm người ở đó: những người còn ở bên trong trung tâm, thật ra họ không còn bị giam giữ trong đó mà hoàn toàn có thể ra vào cơ sở này. Tuy nhiên, họ đâu còn chỗ nào khác mà ở ngoài cơ sở đó.” 

“Vì vậy, họ vẫn còn ở đó thôi. Nhóm này gồm cả người tầm trú và người đã được xét tư cách tỵ nạn, có cả trẻ em. “

“Cuộc sống của họ hoàn toàn bị quản thúc, họ chỉ có thể ăn vào những giờ giấc cụ thể, họ sống trong các điều kiện khốn khổ, nằm trong những căn lều đầy chuột và côn trùng, mọi người đều chui rúc ở đó và không có bất cứ sự riêng tư nào hết.” 

“Nhóm thứ hai thì được sống chung với cộng đồng bên ngoài, điều kiện sinh sống của họ có khá hơn một chút, tuy nhiên, trong sinh hoạt hàng ngày thì họ cũng phải đối mặt với những vấn đề khác.”

“Một vài người cho biết khi sống trong cộng đồng họ phải chấp nhận thực tế là cảm giác thiếu an toàn,” bà Neistat nói.

Bà Neistat cho biết nhiều người tầm trú trong trại không biết làm gì với 24 giờ mỗi ngày bởi vì họ không hề có việc làm, nhiều trẻ em không dám đi học ở các trường địa phương vì sợ bị lạm dụng, quấy rối.

Bà cũng cho hay bản phúc trình kể trên nêu bật tình hình sức khỏe tâm thần ngày càng tệ hại của những trẻ em và cả người lớn còn ở lại Nauru, bởi vì họ tiếp tục phải đối mặt với viễn cảnh bị giam giữ vô thời hạn ở nơi này.

“Chúng tôi đưa vào bản phúc trình này một số ví dụ về các gia đình, mà những người phụ nữ trong đó, đang được các cơ sở y tế giám sát chặt chẽ vì đã từng tìm cách tự tử nhiều lần.”

“Tình trạng sức khỏe tâm thần của họ được liệt vào dạng không thể để cho sống riêng tại nhà được.”

“Còn những người chống của họ thì đang phải tìm mọi cách tốt nhất để chăm sóc cho con cái trong tình trạng ngày càng tồi tệ,” bà Neistat nói.

Tổ chức Ân xá Quốc tế hiện nay đang kêu gọi chính phủ đẩy nhanh quá trình tái định cư cho hơn 1 ngàn người tầm trụ và tỵ nạn còn kẹt lại ở Nauru.

Trong khi đó, Tổng trưởng Di trú, Peter Dutton vừa tái khẳng định rằng những người tầm trú tại Nauru sẽ không được tái định cư ở Úc.

Tuy nhiên, khi được hỏi tại thượng viện về kế hoạch tái định cư trong tương lai cho những người này, Thư ký Bộ Di trú Michael Pezzullo, lại tránh không đưa ra câu trả lời cụ thể và chính thức về biện pháp và thời gian thực hiện tái định cư cho những người còn ở Nauru.

“Như ông Dutton, Thủ tướng và những vị chính khách khác đã từng đề cập thì chúng tôi đang làm việc tích cực với một số bên để xác định địa điểm tái định cư ở một nước thứ ba, cũng như hợp tác với Papua News Guinea và Nauru, về vấn đề hiện nay, tức là tái định cư cho những người được phát hiện là còn xót lại ở PNG và Nauru.”

“Đến lúc này tôi không có quyền tiết lộ là chúng tôi đang bàn thảo với những quốc gia nào trong vấn đề này,” ông Pezzullo nói.

Phó giáo sư Alex Reilly, một chuyên gia trong lĩnh vực Di dân tại Đại học Adelaide, cho rằng, cũng giống như nước Úc, mặc dù Nauru đã ký kết vào Công ước LHQ về người tỵ nạn, nhưng lại đang làm khó dễ cho người tỵ nạn, tầm trú và cả những người phản đối việc giam giữ và ủng hộ việc tái định cư cho người tầm trú.

Phó giáo sư Reilly nói thật khó để biết được chính phủ Úc sẽ tìm đến nơi nào để tái định cư cho những người đã được xét tư cách tỵ nạn.

“Đa số những người được phát hiện còn xót lại tại Nauru là người tỵ nạn, và đến lúc này thì vẫn chưa có lựa chọn tái định cư nào dành cho họ.”

“Thực tế là không có quá nhiều lựa chọn để tái định cư trong khu vực trong bối cảnh chỉ có vài quốc gia ký kết vào công ước về người tỵ nạn, và Nauru là một trong số đó.”

“Tuy nhiên, Nauru thì lại không phải là nơi mà những người này có thể tái định cư vĩnh viễn.”

“Đây là một hòn nhỏ với dân số chỉ 9 ngàn người. Việc tái định cư vĩnh viễn cho những người này ở đó có vẻ không hợp lý.”

“Nước Úc đã thử tìm đến Campuchia. Chúng tôi không biết là nếu thử tìm đến thỏa thuận với các nước phương Tây thì sẽ khó khăn thế nào, ví dụ như với Hoa Kỳ và Canada.”

“Tuy nhiên, gần như các nước này không sẵn lòng nhận người tỵ nạn từ khu vực Á châu Thái Bình dương này,” ông Reilly nói.

Và khi được hỏi khi nào mới thực hiện được việc tái định cư cho người tầm trú, thì chính phó giáo sư cũng phải thừa nhận, bây giờ thì ai đi nữa cũng chỉ có thể ngồi đó dự đoán mà thôi.

“Chúng ta cần phải tìm ra một giải pháp tái định cư cho những người này, nếu không thì tình hình vẫn như hiện tại, họ phải đối mặt với viễn cảnh bị giam giữ vô thời hạn,” ông Reilly nói.


Share