Liệu Úc sẽ đạt được mục tiêu đã ký trong thỏa thuận Paris về khí hậu?

Renewable energy

Solar panels on a Sydney home Source: AAP

Một báo cáo mới cho thấy, Úc có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải vào năm 2030, tức sớm hơn 5 năm so với dự tính, nếu việc sử dụng năng lượng tái tạo vẫn tiếp tục với tốc độ như hiện nay. Nghiên cứu này của Đại học Quốc gia Úc cho thấy, Úc đang dẫn đầu thế giới trong sử dụng năng lượng tái tạo tính theo bình quân đầu người. Tuy nhiên, các chuyên gia khí hậu cho biết, lượng khí thải carbon từ sản xuất điện chỉ là một phần của vấn đề.


Khi ký kết thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Úc đã cam kết sẽ đạt tới lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2050.

Với mục tiêu trung hạn, Úc cũng hứa rằng, đến năm 2030, sẽ giảm phát thải khí nhà kính xuống 26% so với mức phát thải được ghi nhận vào năm 2005.

Một báo cáo mới từ các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Úc đã nhận thấy rằng, mục tiêu trung hạn nói trên là có thể đạt được sớm hơn 5 năm, nếu việc đầu tư vào năng lượng tái tạo của Úc vẫn tiếp tục với mức độ như hiện tại.

Trưởng nhóm nghiên cứu, GS. Andrew Blakers nói rằng, Úc đang dẫn đầu toàn cầu trong vấn đê này. Ông cho hay: “Úc đang lắp đặt các cơ sở năng lượng tái tạo với tỉ lệ tính trên đầu người với tốc độ nhanh hơn 4 hoặc 5 lần so với Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh Âu châu. Tốc độ xây dựng nhanh này có ý nghĩa quan trọng đối với khí thải nhà kính. Nếu chúng ta tiếp tục làm như những gì chúng ta  đang làm hiện nay, chúng ta sẽ đáp ứng mục tiêu giảm phát thải mà chúng ta cam kết trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu phát thải Paris sớm hơn 5 năm, tức là vào năm 2025”.

 GS. Blakers nói rằng đầu tư từ khu vực tư nhân đang thúc đẩy sự bùng nổ năng lượng tái tạo: “Mọi người vẫn đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà hay tại các doanh nghiệp của họ. Các công ty quyết định xây trang trại điện gió hoặc năng lượng mặt trời. Và điều đã xảy ra là, tốc độ xây dựng, hoặc tỉ lệ hoàn thành các cơ sở năng lượng mặt trời và điện gió này tăng từ giữa năm 2018. Và nó không có dấu hiệu bị chững lại”.

GS. Blakers khẳng định, nghiên cứu của ông dựa trên quan sát chứ không phải ước đoán và ông nói rằng, điều duy nhất khiến Úc không thể đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2030 trước thời hạn là chính phủ đầu tư không phù hợp hoặc không đủ cho lĩnh vực này.
"Chúng ta hiện không đi đúng hướng để đạt được mục tiêu đó. Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa, mới đạt mục tiêu đó. Và đứng về khoa học khí hậu mà nói, 26% là không đủ. Đến năm 2030, chúng ta cần giảm lượng khí thải bằng 50 cho đến 60%”- GS. Andrew Stock thuộc Hội đồng Khí hậu
Dẫu rất phấn khích trước phát hiện rằng, đầu tư vào năng lượng tái tạo của Úc đang tăng lên, nhưng GS. Andrew Stock thuộc Hội đồng Khí hậu cũng nói rằng, việc cho rằng, tỉ lệ đầu tư và lắp đặt hiện tại sẽ được duy trì là không thực tế. Ông nói: “Thực tế là trên thị trường, ngành công nghiệp nhiên liệu than và hóa thạch sẽ không bao giờ chịu từ bỏ nếu không có một cuộc đấu tranh rất lớn. Chúng ta đều biết, họ vận động hành lang hiệu quả như thế nào. Và nếu ngành năng lượng tái tạo chỉ nghĩ đơn giản là, chỉ tính toán về chi phí không thôi là đủ để những công trình như hiện tại sẽ lại được tiếp tục xây dựng trong tương lai, thì họ và mọi người sẽ thấy vô cùng thất vọng”.

Ông nhấn mạnh một sự thật là, Úc đã không đi đúng hướng để đạt mục tiêu được đưa ra trong thỏa thuận Paris và khẳng định rằng, báo cáo về phát thải gần đây nhất của chính phủ đã xác nhận điều đó.

“Cam kết của Úc đối với điều đó cho đến nay là giảm phát thải vào năm 2030 xuống 26% so với năm 2005. Chúng ta hiện không đi đúng hướng để đạt được mục tiêu đó. Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa, mới đạt mục tiêu đó. Và đứng về khoa học khí hậu mà nói, 26% là không đủ. Đến năm 2030, chúng ta cần giảm lượng khí thải bằng 50 cho đến 60%”- ông nói.

ClimateWorks Australia là tổ chức gồm các chuyên gia tư vấn độc lập, nhằm giúp Úc đạt mục tiêu đến năm 2050, lượng khí thải carbon bằng 0.

Giám đốc điều hành của tổ chức này, Anna Skarbek cho biết, trong khi loại bỏ các cơ sở thải khí carbon ra khỏi thị trường năng lượng là một phần quan trọng nhằm đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thì Úc cũng cần đầu tư vào các lĩnh vực khác, mới có thể thực hiện thành công mục tiêu này.

“Hiện tại, phát thải từ ngành điện ở Úc chiếm khoảng 1/3 tổng lượng phát thải quốc gia. Vì vậy, ngay cả khi ngành điện đã loại bỏ 100% việc thải khí cacbon thì chúng ta vẫn phải hỗ trợ vào việc đầu tư cũng như đổi mới cho các ngành khác trong nền kinh tế của chúng ta. Nếu không, chúng ta vẫn tiếp tục có khí thải. Chẳng hạn, các tòa cao ốc, các cơ sở sản xuất công nghiệp, giao thông hay làm đất” – bà Skarbek cho hay.

Mục tiêu chung của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 20C.

GS. Andrew Blakers của Đại học Quốc gia Úc nói rằng, Úc cần trợ giúp các quốc gia khác chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo: “Điều quan trọng là phải nhận ra rằng, quan sát này cho thấy Úc đang làm rất tốt trong việc lắp đặt các cơ sở năng lượng tái tạo tính  theo bình quân đầu người. Đó sẽ là một ví dụ tố để các nước đang phát triển đi theo”.


Share