Khí thải quay lại mức cao vút trước đại dịch

Ray Minniecon (left) and Virginia Marshall

Ray Minniecon (left) and Virginia Marshall Source: SBS

Một phúc trình mới dự báo lượng khí thải carbon toàn cầu sẽ tăng trở lại gần với mức trước đại dịch vào năm 2021. Dữ liệu cho thấy lượng khí thải carbon đã giảm 5,4% vào năm 2020, phần lớn là do việc phong tỏa COVID-19 làm giảm tần suất di chuyển bằng đường bộ và đường hàng không.


Một phúc trình mới dự báo lượng khí thải carbon toàn cầu sẽ tăng trở lại gần với mức trước đại dịch vào năm 2021.

Đó là kết quả của báo cáo Ngân sách carbon toàn cầu lần thứ 16 từ Dự án carbon toàn cầu.

Dữ liệu cho thấy lượng khí thải carbon đã giảm 5,4% vào năm 2020, phần lớn là do việc phong tỏa COVID-19 làm giảm tần suất di chuyển bằng đường bộ và hàng không.

Nhưng chúng dự kiến sẽ tăng 4,9% trong năm nay, tương đương 36,4 tỷ tấn.

Tiến sĩ Pep Canadianell là Giám đốc Điều hành của Dự án carbon Toàn cầu và là Trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Khí hậu CSIRO.

"Lượng carbon quay lại vào năm tới, chúng sẽ đạt đến mức giống như trước đại dịch và có thể cao hơn thế nữa. Lý do là phần còn lại của thế giới, chiếm gần 60% lượng khí thải, những quốc gia đó vẫn bị chi phối bởi nhiên liệu hóa thạch. Họ vẫn đang chơi trò đuổi bắt, Châu Âu, Hoa Kỳ, Úc đều đứng đằng sau, nhưng thực sự sẽ bắt kịp nhanh chóng với Trung Quốc."

Lượng khí thải carbon trong năm nay từ cả Ấn Độ và Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trên mức của năm 2019, lần lượt là 4,4% và 5,5%.

Hai nước gây ô nhiễm lớn khác, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu dự kiến sẽ giảm lượng khí thải xuống mức kỷ lục so với mức năm 2019.

Bản báo cáo được đưa ra khi các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau tại COP26 ở Glasgow để thống nhất kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết vào năm 2015 sẽ hướng tới việc hạn chế sự nóng lên 1.5 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này.

Tuy nhiên, các cam kết hiện tại của các quốc gia nhằm giảm lượng khí thải đã đưa thế giới vào đà tăng 2.7 độ C.

Phát biểu khai mạc COP26, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các cường quốc kinh tế hành động nhanh hơn để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

"Hành tinh của chúng ta đang thay đổi trước mắt chúng ta. Từ độ sâu đại dương đến đỉnh núi, từ sông băng tan chảy đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt không ngừng.

Mực nước biển dâng cao gấp đôi tốc độ ba mươi năm trước. Các đại dương đang nóng hơn bao giờ hết và ngày càng ấm hơn. Các bộ phận của rừng nhiệt đới Amazon hiện thải ra nhiều carbon hơn lượng chúng hấp thụ".
Các thông báo về hành động khí hậu gần đây có thể tạo ấn tượng rằng chúng ta đang đi đúng hướng để xoay chuyển tình thế. Nhưng đây là một ảo tưởng.
"Ngân sách carbon" là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ lượng khí nhà kính có thể được thải ra trong khi giữ cho sự nóng lên toàn cầu dưới một mục tiêu nhiệt độ cụ thể.

Các nhà nghiên cứu của Dự án Carbon Toàn cầu đã đưa ra ước tính về lượng ngân sách carbon còn lại để có 50% cơ hội hạn chế sự nóng lên ở mức 1.5 và 2 độ C.

Các nhà hoạt động khí hậu Thổ dân và người dân đảo Torres Strait tại hội nghị thượng đỉnh COP-26 đang kêu gọi sự tham gia nhiều hơn vào các chính sách biến đổi khí hậu của Úc.

Một số nhà lãnh đạo thổ dân đã đến Glasgow để bảo đảm rằng tiếng nói của những chủ nhân truyền thống được lắng nghe.

Tiến sĩ Virginia Marshall là một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc và là người có tiếng nói hàng đầu về cách biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các cộng đồng thổ dân.

“Việc này được hỗ trợ bởi các công ty khai mỏ và họ là những kẻ hủy diệt vùng đất này! Chúng ta phải có tiếng nói trong các diễn đàn này. Chúng tôi không thể cho phép chính phủ, được hậu thuẫn bởi các công ty khai mỏ, đại diện thay cho tôi."

Các cộng đồng thổ dân từ các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Nam Mỹ, có sự hiện diện rất lớn và rất dễ nhận thấy ở Glasgow.

Các nhà hoạt động khí hậu thổ dân cảm thấy họ phải đấu tranh để được lắng nghe.

Kế hoạch của chính phủ để đạt được phát thải bằng không, "Con đường của Úc", không đề cập đến First Nations- những người chủ đất.

Đó là một sai lầm, các đại biểu thổ dân như Tiến sĩ Marshall nói, bởi vì kiến thức được truyền qua nhiều thế hệ đang bị bỏ qua.

“Cách chúng tôi đọc dấu hiệu đất và nước cũng như những điều đang xảy ra, thông qua tất cả các loài động vật và hoa lá đang bị thay đổi do khí hậu.

Chúng tôi cần phải nói với các chính phủ trên toàn thế giới, nếu bạn lắng nghe người thổ dân, chúng ta có thể làm việc cùng nhau, với các phương pháp phòng chống cháy rừng của chúng tôi, với sự hiểu biết của chúng tôi về đất và nước.”

Hơn 25.000 người tham gia tại COP26, bao gồm hàng chục quan chức chính phủ Úc và đại diện doanh nghiệp. Nhưng chỉ có bốn đại diện của các cộng đồng Thổ dân và cư dân trên eo biển Torres.

Share