Khu Chinatown lịch sử ở Portland, Oregon trở thành nạn nhân của COVID và nạn kỳ thị

Portland Oregon Retains Its "Weird" Title

The entrance to Chinatown on Burnside Road is viewed on February 11, 2012, in Portland, Oregon. Source: (Photo by George Rose/Getty Images)

Khu phố Chinatown ở thành phố Portland, tiểu bang Oregon, Hoa kỳ, là một trong những khu phố Chinatown lâu đời nhất trong lịch sử Hoa kỳ xuất hiện từ giữa thế kỷ thứ 19. Thế nhưng càng ngày nơi đây càng trở nên hoang vắng, số lượng khách viếng thăm đã giảm hơn 80% trong năm nay.


Nạn kỳ thị sắc tộc và những luật lệ hạn chế di dân Trung Quốc cũng không ngăn cản nhiều lao động từ Trung Quốc đến vùng bờ tây bắc nước Mỹ để làm việc tại các mỏ vàng và các xưởng chế biến đồ hộp.

Những lao động này còn giúp xây dựng phần nguy hiểm nhất trong tuyến đường sắt xuyên lục địa.

Khu phố Tàu Chinatown ở Portland tiểu bang Oregon cũng là một phần lịch sử của thành phố này.

Bob Saiget, một phóng viên đã về hưu và là một người Mỹ gốc Hoa thế hệ thứ 4, ông kể:

“Nơi đây từng có những tiệm sách, một tiệm thuốc, và bạn có thể tìm được mọi thể loại sách từ Trung Quốc và Hong Kong. Đây là một trong những nơi để người ta đến ăn dim sum và là nơi dành cho cộng đồng người Hoa. Rất nhiều toà nhà ở đây đã phải dán giấy che cửa kính sau những cuộc phá hoại vào năm ngoái.”

Nơi đây từng là một khu vực sầm uất nhưng giờ đã trở nên hoang vu, chỉ còn sót lại những người vô gia cư và lều tạm của họ bên vỉa hè.

Qua nhiều thập kỷ qua, người Mỹ gốc Hoa đã dần chuyển ra khỏi các căn hộ dân cư ở khu phố Chinatown nhộn nhịp để mua nhà ở những vùng giàu có hơn.

Thế hệ di dân mới người châu Á cũng thích mở doanh nghiệp ở những vùng khác thay vì ở Chinatown.

Thời điểm xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực chống lại sự kỳ thị sắc tộc và sự đàn áp của cảnh sát sau cái chết của George Floyd cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp địa phương.

Ông Saiget đã trở về nhà sống sau nhiều năm sống ở nước ngoài, không che giấu nỗi thất vọng về những gì xảy ra ngay tại thành phố quê hương ông

“Toàn bộ Chinatown giống như đã bị chôn vùi, đặc biệt là sau đại dịch.”

Về bảo tàng Chinatown ở Portland, ông Terry Chung, một nhà sử học người Mỹ gốc Hoa, nói rằng ông và những người đồng sáng lập đã thành lập viện bảo tàng này để bảo tồn những câu chuyện lịch sử của cộng đồng nguời Hoa.

Ông đã chỉ cho phóng viên một bức ảnh một tiệm giặt ủi của người Hoa, tại một nơi trông giống như một thị trấn viễn tây xa xưa, có những cỗ xe ngựa kéo.

“Và chúng ta biết rằng cộng đồng người Hoa rất quan trọng vào năm 1851 vì bức ảnh này cho thấy có một tiệm giặt ủi người Hoa.”

Những người Mỹ gốc Hoa đã sinh sống ở Mỹ thậm chí trước cả cuộc Nội chiến, lịch sử ghi nhận là từ năm 1820.

Nhưng với những điều luật mang tính kỳ thị khi cấm người Hoa sở hữu địa ốc đã buộc họ phải chuyển ra khỏi vùng Chinatown Portland. Ông Chung giải thích

“Có nhiều nhà đầu tư ở bờ đông nước Mỹ đã đến đây, và bởi vì người Hoa không thể sở hữu địa ốc, nên rất nhiều toà nhà cũ ở Chinatown đã bị mua lại, và vì thế người Hoa đã phải chuyển đến vùng Chinatown mới hiện nay.”

Những năm gần đây, người Mỹ gốc Hoa đã hơn một lần là đối tượng của sự phân biệt sắc tộc.

Các vụ tấn công nhắm vào người gốc Á đã gia tăng trong đại dịch COVID-19, một trong những nguyên nhân là sau khi cựu Tổng thống Trump đã châm thêm dầu vào lửa khi gọi coronavirus là ‘virus Tàu’.

“Người gốc Hoa là nạn nhân của bạo lực. Chúng tôi đều thấy điều đó. Không chỉ bị công kích chung chung mà mọi người vẫn nghe thấy ở New York hay San Francisco hay Los Angeles, mà có những trường hợp cá nhân đã bị tấn công.”

Ông Terry tin rằng viện bảo tàng Chinatown ở Portland, nơi đã từng bị đóng cửa trong đại dịch, có thể có ích trong việc giáo dục công chúng.

“Tôi hi vọng họ sẽ có sự hiểu biết tốt hơn về lịch sử của tất cả những vấn đề hiện nay, những hành hạ mà người Hoa đã từng phải trải qua.”

Nhưng thành phố Portland có thể sẽ phải giải quyết những vấn đề xã hội ở Chinatown và vùng trung tâm Portland gần đó trước khi có nhiều người cảm thấy an toàn để trở lại bảo tàng một lần nữa.

 


Share