'Khủng hoảng về nhà ở đang nhấn chìm nước Úc'

An auction sign at a Canberra house.

An auction sign at a Canberra house. Source: AAP

Hội đồng Cung cấp Nhà ở Giá cả phải chăng Quốc gia đã công bố báo cáo đầu tiên, trong đó phơi bày chiều sâu của cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm hệ thống nhà ở của Úc. Phúc trình chỉ ra chính phủ khó có thể đạt được mục tiêu về nhà mới đầy tham vọng của mình.


Khả năng chi trả nhà ở của Úc đã ở mức khủng hoảng. 

Báo cáo đầu tiên từ Hội đồng Cung cấp Nhà ở Giá cả phải chăng Quốc gia, được thành lập vào tháng 12 năm 2023 nhằm cung cấp lời khuyên của chuyên gia, phát hiện ra rằng tình hình sẽ còn xấu hơn nữa trong sáu năm tới.

Người phát ngôn về vấn đề nhà ở của phe đối lập, Michael Sukkar, nói rằng báo cáo đã chứng minh tình hình đã trở nên tồi tệ như thế nào. 

"Vấn đề nhà ở của Úc chưa bao giờ tồi tệ hơn thế. Cho dù bạn đang cố gắng mua căn nhà đầu tiên của mình hay đang nỗ lực tìm một căn nhà để thuê, điều đó chưa bao giờ khó hơn." 

Báo cáo của Hội đồng đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về tình hình nhà ở trên khắp các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc, đồng thời đổ lỗi cho việc thiếu nguồn cung là nguyên nhân cốt lõi của vấn đề.

Phúc trình nói rằng trong khi số lượng nhà trống đang ở mức thấp nhất mọi thời đại, giá cả và tiền thuê nhà bị đẩy lên với tốc độ nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng lương. 

Chỉ 13% số nhà được bán trong năm 2022-23 phù hợp với túi tiền của một hộ gia đình có thu nhập trung bình. 

Cuộc khủng hoảng đang trở nên tồi tệ hơn do lãi suất tăng, thiếu hụt kỹ năng, lạm phát và chi phí xây dựng cao. 

Bà Denita Wawn là giám đốc điều hành của Master Builders Australia, tổ chức đại diện cho ngành xây dựng. 

Bà Wawn thất vọng vì một số yếu tố mà bà cho là trở ngại trong việc cải thiện nguồn cung, bao gồm cải cách quan hệ lao động, chi phí nguyên vật liệu tăng cao và tình trạng thiếu lao động.

Tháng trước, một báo cáo của BuildSkills Australia cho thấy Úc cần thu hút 90.000 công nhân xây dựng mới vào lĩnh vực này vào đầu tháng 7 để chính phủ đạt được mục tiêu đề ra.

Denita Wawn cho rằng việc làm chưa đủ để thúc đẩy ngành này.
Trong nhiều thập niên liên tiếp ở đất nước này, chúng ta đã ưu tiên các trường đại học hơn là các chứng chỉ nghề. Chúng tôi cho là việc này không công bằng, khi coi những người thợ xây như công dân hạng hai.
Giám đốc đều hành Master Builders Australia, Denita Wawn
Chúng ta phải thừa nhận rằng tất cả các bậc phụ huynh, nhà giáo dục và học sinh đều cần được thông tin tốt hơn về các cơ hội trong lĩnh vực xây dựng. Chắc chắn theo quan điểm của chúng tôi, trí tuệ nhân tạo sẽ không sớm đảm nhận công việc tay chân so với một số bằng cấp đại học." 

Báo cáo dự đoán rằng đến năm tài chính 2028/29, Úc vẫn sẽ thiếu 39.000 căn nhà. 

Người ta nhận thấy rằng chính phủ khó có thể đáp ứng cam kết về 1,2 triệu ngôi nhà mới như được nêu trong Hiệp định Nhà ở Quốc gia mà Đảng Lao động đã thúc đẩy như một phần giải pháp.

Hội đồng cho biết chỉ có 943.000 ngôi nhà có khả năng được xây dựng từ nay đến tháng 6 năm 2029. 

Điều đó có nghĩa là chính phủ sẽ không thể giải quyết nhu cầu chưa được đáp ứng hiện có trong hệ thống nhà ở, bao gồm ít nhất 122.000 người Úc hiện đang trong tình trạng vô gia cư.

Người phát ngôn nhà ở của Đảng Xanh Max Chandler-Mather nói rằng Đảng Lao động chưa làm đủ để giúp mọi người có nhà ở phù hợp. 

"Đảng Lao động thất bại thảm hại với mọi biện pháp, tỷ lệ nhà ở công thấp nhất được ghi nhận, chi phí nhà ở cho các hộ gia đình cao nhất được ghi nhận. Chúng ta đã gặp phải một cuộc khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng và hệ thống nhà ở của chúng ta ở Úc đã bị phá vỡ." 

Nhưng Bộ trưởng Nhà ở liên bang Julie Collins đang coi các vấn đề nêu trong báo cáo là một cơ hội.
Những gì báo cáo đưa ra là cho thấy những thách thức rất lớn mà chúng ta gặp phải trong hệ thống nhà ở của Úc. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi. Chúng ta đã bắt đầu các thay đổi đó. Chúng tôi biết còn nhiều việc phải làm.
Bộ trưởng Nhà ở liên bang Julie Collins
Chúng tôi biết cần phải có tham vọng và chúng tôi có tham vọng. Chúng tôi muốn thay đổi hệ thống nhà ở của Úc và đã bắt đầu công việc đó. Hiện chúng tôi đã cam kết đầu tư hơn 25 tỷ đô la trong thập kỷ tới kể từ khi chúng tôi nhậm chức." 

Những người có thu nhập thấp, thanh niên, người khuyết tật, người Úc thuộc các quốc gia đầu tiên và những người chạy trốn bạo hành gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng khả năng chi trả nhà ở. 

Liên đảng đề xuất Lao động nên hạn chế di cư như một phần trong phản ứng của họ đối với vấn đề này. 

Nhưng Haitham Subhi, từ Settlement Services International, cho rằng đó không phải là câu trả lời. 

SSI được giao nhiệm vụ tái định cư hàng nghìn người tị nạn mới đến mỗi năm. 

Một cuộc thăm dò của Essential Research được nhóm này thực hiện cho thấy hơn một phần tư (26%) đã buộc phải rời bỏ căn nhà họ đang ở do chi phí nhà ở tăng cao trong năm qua. 

Ông Subhi nói rằng người di cư và người tị nạn nằm trong số những người đang gặp khó khăn hơn trong việc tìm một mái nhà cho mình. Họ thường "ở cuối danh sách" vì không thể chứng minh được lịch sử thuê nhà ở Úc. 

"Tất nhiên người nhập cư và tị nạn sẽ phải cạnh tranh với những hồ sơ mạnh hơn từ các gia đình trung bình ở Úc, nơi họ phải chứng minh mình có thu nhập ổn định, lịch sử thuê nhà, lịch sử việc làm. Một yếu tố khác là rào cản ngôn ngữ.

Chúng ta thậm chí có thể thấy điều đó trong quá trình xem nhà khi người di cư và người tị nạn gần như bị kỳ thị. Họ nói 'Tôi sẽ không cho anh thuê nhà, vì tôi lo ngại rằng anh sẽ không thể giao tiếp rõ ràng bằng tiếng Anh'." 

Ông Subhi nói rằng người nhập cư vẫn bị coi là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở một cách bất công. 

"Thành thật mà nói, đó là do việc đưa tin của truyền thông. Nhận thức tiêu cực này không chính xác. Chúng tôi làm việc với hàng nghìn người nhập cư và người tị nạn trong nhiều năm. Trước Covid, không có vấn đề gì cả, vì đã có đủ nguồn cung trên thị trường.

Cuộc khủng hoảng hiện nay không chỉ xảy ra ở các thành phố đô thị, nó diễn ra ở các vùng ngoại ô, thậm chí trên toàn cầu. Vì vậy, họ không thể đổ lỗi người nhập cư cho cuộc khủng hoảng này - thực tế là họ đang phải trả giá vì cho rằng mình là nạn nhân. 

Hội đồng đã khuyến nghị chính phủ tập trung vào 10 lĩnh vực, bao gồm đầu tư vào nhà ở xã hội, giảm tình trạng vô gia cư, cải thiện thị trường cho thuê, củng cố hệ thống quy hoạch và đảm bảo hệ thống thuế hỗ trợ nguồn cung xây dựng.

Các chuyên gia cũng kêu gọi thị trường cho thuê tư nhân phải được quản lý đầu vào và thực thi pháp luật từ các cơ quan trong ngành. 

Ngân sách liên bang sẽ được chuyển giao vào ngày 14 tháng 5, vẫn còn phải xem chính phủ sẽ làm gì tiếp theo để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Share