Kính lặn giải trí được điều chỉnh thành thiết bị chống lây nhiễm virus

A hospital in Turin, Italy, has pioneered the use of snorkel masks in hospital

A hospital in Turin, Italy, has pioneered the use of snorkel masks in hospital Source: AAP

Kính lặn giải trí là thiết bị đã được các nhà nghiên cứu Úc điều chỉnh và đưa vào thử nghiệm nhằm giảm sự lây lan COVID-19 giữa các nhân viên y tế và bệnh nhân. Phát hiện này được đưa ra khi ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu khẩu trang và các thiết bị bảo vệ cá nhân khác.


Khi các bệnh viện ở miền bắc nước Ý trở nên quá tải với số lượng bệnh nhân nhiễm coronavirus ngày càng tăng, các bác sĩ buộc lòng phải ứng biến. Sau khi cạn kiệt máy áp lực đường thở dương liên tục, còn được gọi là C-PAP, các bác sĩ đã nhanh chóng cải biến các thiết bị phi y tế, bao gồm kính lặn có ống thở, thành máy thở khẩn cấp.

Tiến sĩ Simon Joosten, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Monash ở Melbourne cho biết, tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo vệ cá nhân của nước Ý đã thôi thúc ông hành động:

"Điều đó làm tôi sợ và lo lắng rằng chúng tôi sẽ gặp tình huống tương tự ở Melbourne. Và vì vậy tôi bắt đầu thử nghiệm mặt nạ ống thở và mặt nạ C-PAP, vì chúng tôi nghiên cứu sinh lý học và chúng tôi có một phòng thí nghiệm được thiết lập để thực hiện các loại thử nghiệm này. "

Tiến sĩ Joosten cho biết thiết kế của mặt nạ ống thở giải trí cho phép cung cấp oxy đồng thời lọc không khí thở ra, hạn chế sự lan truyền của các giọt nước bọt bị nhiễm khuẩn. Giờ đây, nước Úc đã cố gắng làm phẳng biểu đồ đường cong lây nhiễm coronavirus, ông nói rằng có nhiều thời gian hơn để thử nghiệm thiết bị một cách an toàn trong môi trường bệnh viện:
“Nếu bệnh nhân đeo nó trong bệnh viện, họ có thể hít không khí từ môi trường, nhưng không thở ra qua van đó. Đó là một yếu tố an toàn thực sự thú vị của mặt nạ. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi mặt nạ bị bịt kín thì bệnh nhân vẫn có thể hít thở không khí từ môi trường. Đó là một thiết lập thú vị mà hiện nay không thiết bị y tế nào có được.”
Thử nghiệm lâm sàng dự kiến sẽ bắt đầu vào tuần tới và kéo dài trong sáu tháng. Trong một giải pháp tiềm năng khác, các nhóm nghiên cứu ở đại học Monash cũng đang điều chỉnh mặt nạ thông khí C-PAP cho bệnh nhân bị bệnh nặng.

Mặt nạ C-PAP loại thông thường có một lỗ thông hơi ở phía trước để ngăn ngừa bệnh nhân hít lại carbon dioxide mà họ đã thở ra. Tuy nhiên, lỗ thông hơi cũng có thể tạo điều kiện cho bệnh nhân COVID-19 lây lan virus sang người khác.

Tiến sĩ Joosten cho biết các nhà nghiên cứu đã phát triển một loại mặt nạ C-PAP kín, cùng với mặt nạ ống thở, có thể giúp điều trị trong khi giảm thiểu sự lây lan của virus.

“Đó là một sản phẩm đã tồn tại nhưng đang bị thiếu hụt, vì vậy cần xác định rằng chúng ta có thể bịt kín loại mặt nạ C-PAP thông thường một cách an toàn hay không, và nó có hoạt động giống như loại mặt nạ C-PAP kín hay không, đó là những gì chúng tôi đang làm với loại mặt nạ đó.”

Trong khi thế giới tiếp tục chiến đấu với coronavirus, nhiều quốc gia đang bị thiếu hụt trầm trọng nguồn cung cấp y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân. Tại New York, tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Hoa Kỳ, chính phủ đã hợp tác với sáu tiểu bang phía đông bắc khác để mua thiết bị bảo hộ cá nhân, thiết bị xét nghiệm, máy thở và các thiết bị y tế khác trị giá 5 tỷ đô la.

Thống đốc tiểu bang New York Andrew Cuomo nói rằng việc hợp tác sẽ giúp họ mua được với giá cạnh tranh hơn.

“Tôi cũng tin rằng việc đó sẽ giúp chúng tôi thực sự có được các thiết bị, vì chúng tôi gặp khó khăn khi mua thiết bị từ các nhà cung cấp ở phía bên kia. Họ đang giao dịch với các quốc gia. Họ cũng đang giao dịch với chính phủ liên bang.”

Tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, nơi đã báo cáo khoảng 700 trường hợp nhiễm coronavirus, người dân đang tình nguyện làm các thiết bị bảo hộ cá nhân để cung cấp cho các bệnh viện.

Mufti Sadia 28 tuổi là một nhà thiết kế thời trang và cũng là một trong những tình nguyện viên:

“Bất cứ thứ gì đang có sẵn trên thị trường đều có giá rất cao, và khẩu trang đang bị thiếu hụt trầm trọng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tại sao mình không đóng góp cho xã hội? Tôi đã may mắn có được nguồn lực và các công nhân vào thời điểm khó khăn này. Chúng tôi đã may hàng trăm cái khẩu trang để quyên góp cho xã hội, và sau đó, nhiều tổ chức và tổ chức phi chính phủ đã tiếp cận tôi để xin số lượng lớn khẩu trang.”

Và quý vị có thể cập nhật thông tin mới nhất về coronavirus tại sbs.com.au/coronavirus.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share