Vòng hòa đàm sau cùng về Syria và LHQ giận dữ trước tin có vũ khí hóa học tại Mosul

Nạn nhân của vụ tấn công của IS có thể do vũ khị hóa học

Nạn nhân của vụ tấn công của IS có thể do vũ khị hóa học Source: AAP

Vòng đàm phán cuối cùng của cuộc hòa đàm tại Geneva về Syria đã kết thúc với một ghi nhận tích cực, thế nhưng chẳng có bất cứ một bước đột phá nào quan trọng.


Đặc sứ Liên hiệp quốc về vấn đề Syria hy vọng sẽ tổ chức các cuộc hội đàm mới vào cuối tháng nầy, với một nghị trình rõ ràng để đạt đến một giải pháp chính trị.

Trong khi đó, Liên hiệp quốc bày tỏ sự kinh ngạc trước tin tức cho biết, vũ khí hóa học đã được xử dụng trong việc tiến chiếm thành phố Mosul tại Iraq.

Có ít nhất 12 người bị ảnh hưởng của các chất độc, trong đó gồm phụ nữ và trẻ em.

Đặc sứ Liên hiệp quốc về vấn đề Syria, ông Steffan de Mistura đã tổ chức các cuộc thương thuyết, trong gần 3 năm qua.

Ông cho biết hòa đàm Syria, là cuộc họp đầu tiên trong gần một năm qua.

"Vào lúc bắt đầu vòng đàm phán nầy, chúng tôi nói không mong đợi một sự đột phá nào, đây là cuộc chiến kéo dài trong 6 năm, trong đó mọi người chẳng ai nhìn ai, mà chỉ lo đánh nhau mà thôi".

Trong 9 ngày hội họp, ông đã thương thuyết riêng rẽ với phái đoàn chính phủ Syria và phe kháng chiến đối nghịch.

Các cuộc họp nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 6 năm, đã gây ra biết bao đau khổ cho người dân Syria.

Bên ngoài hội nghị, những người biểu tình giơ cao các hình ảnh về những thảm kịch tại Syria, mà họ muốn chấm dứt.

Không có việc thông qua bế tắc nào được hứa hẹn và cũng chẳng có bước đột phá nào đạt được, thế nhưng ông De Mistura cho biết cuộc họp hiện đi đúng hướng.

"Chuyến xe lửa đã sẳn sàng và đây là nhà ga với đầu máy đã nổ máy sẵn, khi mọi thứ đều sẵn sàng, chỉ cần gạt cần tăng tốc và việc nầy nằm trong tay những người tham dự cuộc hoà đàm nầy".

Đã có những tranh luận về 4 vấn đề then chốt sẽ được thảo luận trong lần tới, đó là việc thành lập chính phủ, dự thảo Hiến Pháp, bầu cử và chống khủng bố.

Vấn đề thứ tư được phái đoàn chính phủ Syria nhấn mạnh và không đưa ra lời bình luận, trong khi phía chính phủ xem mọi phiến quân đều là khủng bố.

Người đứng đầu của phái đoàn kháng chiến, ông Nasr el Hariri nói rõ về định nghĩa của khủng bố, vốn là một vấn đề còn tranh luận.

"Chúng tôi cam kết chống khủng bố dưới mọi hình thức, chính yếu là sự khủng bố của chế độ Bashar el Assad, sự khủng bố của Vệ binh Cách mạng Iran, dân quân Iran, Hezbollah, phiến quân tự xưng nhà nước Hồi giáo IS và El Qada. Cam kết cuả chúng tôi trong cuộc chiến nầy là thực sự, chứ không chỉ là lời tuyên bố suông".

Ông cũng nói rằng, trong khi ông muốn có thêm thời gian tại Geneva, thì một vài tiến trình đã đạt được.

"Mặc dù chúng ta kết thúc vòng đàm phán nầy mà không có kết quả nào rõ ràng, thế nhưng tôi có thể nói rằng lần nầy cuộc họp tích cực hơn".

"Đây là lần đầu tiên, chúng ta thảo luận các vấn đề liên quan đến tương lai cuả Syria với mức độ sâu xa chấp nhận được, đó là tương lai cuả việc chuyển quyền chính trị tại Syria", ông Hariri nói.

Về viễn cảnh một giải pháp quân sự đối phó với cuộc xung đột rộng lớn hơn, ông De Mistura hoàn toàn bác bỏ chuyện nầy.

"Đó là điều tuyệt vời, chỉ có một giải pháp chính trị mà thôi, thế nhưng phải là một giải pháp đáp ứng được mọi khát vọng của người dân Syria, mới có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nầy".
"Có 12 bệnh nhân và chúng tôi hết sức lo lắng cũng như cực lực lên án vụ tấn công bằng chất hoá học nầy, bởi vì nó đi ngược lại các qui luật của bất cứ cuộc xung đột võ trang nào", ông Avin Yassin thuộc Hội Hồng thập tự quốc tế nói.
Được biết một vòng đàm phán riêng rẻ tại Kazakhstan, do Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ, nhằm bàn đến một số vấn đề quân sự, dự trù sẽ diễn ra vào cuối tháng nầy.

Một nhật kỳ sẽ được xác định vào cuối tháng nầy, cho cuộc hòa đàm tái tục tại Geneva.

Trong khi đó tại thành phố Mosul của Iraq, nhiều người chạy ra khỏi thành phố, để tránh cuộc đụng độ giữa lực lượng Iraq được Mỹ hậu thuẩn và phiến quân tự xưng nhà nước Hồi giáo IS.

Một số cho thấy, dấu hiệu bị ảnh hưởng của vũ khí hóa học.

Có khoảng một chục người hiện được chữa trị, do các triệu chứng bao gồm da bị phồng dộp lên, mắt bị đỏ, ngứa ngáy, ói mửa và ho liên tục.

Người phụ nữ nầy cho biết, bà đang chăm sóc con cái bị nhiễm độc do các chất hóa học.

"Lúc 4 giờ chiều hôm thứ tư tuần rồi, các con tôi ngồi trong phòng và tôi thì đang đứng ở giữa sân".

"Một trái hỏa tiễn rớt ngay nhà tôi, làm văng ra các chất như là dầu vậy".

"Một đứa con đang ngủ trong một cái nôi và trời bỗng tối sầm lại, khiến tôi không thấy gì cả".

"Tất cả các con tôi đều bị thương, một đứa bị ở đầu và con gái tôi bị phỏng ở chân, còn tôi hai bàn tay và mặt đều bị phỏng", một phụ nữ tại Mosul nói.

Quân đội Iraq đã mở cuộc hành quân tái chiếm Mosul hồi tháng 10 vừa qua và hồi tháng rồi, đã đẩy mạnh việc tái chiếm phần phía tây của thành phố.

Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết, đã tiến hành một kế hoạch hành động khẩn cấp, cùng với giới chức y tế trong bản phúc trình.

Tổ chức nầy nói rằng, các bệnh nhân nhận được chữa trị từ ngày 1 tháng 3 về các triệu chứng tại Erbil, thủ đô của người Kurd tại Iraq, ở phía đông Mosul.

Tiến sĩ Lawand Neran thuộc bệnh viện Khẩn cấp phía tây Erbil nói rằng, các nhân viên hiện làm mọi việc trong bất cứ tình huống nào.

"Có một mùi rất khó ngửi và da bị phỏng cấp 1 hay cấp 2 một cách kỳ lạ, nạn nhân cũng bị choáng váng, hơi thở ngắn và rõ ràng là đã có vũ khí hóa học hay một loại hơi nào đó được xử dụng".

Tuyên bố với đài Al Jazeera, ông Avin Yassin thuộc Hội Hồng thập tự quốc tế lên án vụ tấn công.

"Đây là lần đầu tiên toán của chúng tôi gồm bác sĩ và các nhân viên, chứng kiến các trường hợp như thế nầy, đó không chỉ một gia đình, mà có thêm nhiều người nữa bị thương".

"Có 12 bệnh nhân và chúng tôi hết sức lo lắng cũng như cực lực lên án vụ tấn công bằng chất hoá học nầy, bởi vì nó đi ngược lại các qui luật của bất cứ cuộc xung đột võ trang nào", ông Avin Yassin thuộc Hội Hồng thập tự quốc tế nói.

Trong một thông cáo, Liên hiệp quốc cho biết tin tức về các vụ tấn công là hết sức kinh khủng và là một vụ vi phạm trầm trọng luật pháp quốc tế về nhân đạo và là một tội ác chiến tranh.

Liên hiệp quốc nói rằng, bất kể là phe nào tấn công đối phương, việc xử dụng vũ khí hóa học là không thể biện minh được.
 


Share