Mái ấm gia đình: Thuận vợ thuận chồng tát cạn biển Đông thời nay

pexels-anastasiya-gepp-3995921.jpg

Khi một em bé ra đời, đi đôi với niềm vui là trách nhiệm mới, thêm những gánh nặng và căng thẳng. Source: Pexels

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tất cả các cặp đôi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân đều mong ước một cuộc sống viên mãn. Nhưng cả hai vợ chồng cần làm gì trước tiên khi bắt đầu phải chăm sóc con nhỏ giữa áp lực cơm áo gạo tiền và nhiều khó khăn khác?


Một trong những thay đổi lớn trong đời sống vợ chồng là khi có sự xuất hiện của thiên thần nhỏ. Khi một em bé ra đời, gia đình có thêm nhiều niềm vui nhưng cũng đồng thời có thêm nhiều trách nhiệm, gánh nặng và căng thẳng.

Trong cuộc trò chuyện với SBS Việt ngữ, Tiến sĩ Cường Lã khẳng định những thay đổi khi có con là điều bình thường, là phần tất yếu của cuộc sống.

Một em bé chào đời có ảnh hưởng như thế nào tới đời sống hôn nhân?

Thường thì cha hoặc mẹ cần có một người nghỉ làm ở nhà chăm con, người còn lại vẫn đi làm với trách nhiệm kiếm tiền nặng nề hơn trước, nhất là khi họ là nguồn thu nhập duy nhất.

Trách nhiệm của cả cha và mẹ sẽ tăng lên vì phải tập trung vào nhu cầu của em bé. Cha mẹ cũng ngủ ít đi và có nhiều việc nhà phải làm hơn, điều này ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe và tâm lý.

Có em bé khiến gia đình phải chi tiêu thêm nhiều thứ, việc giao lưu bên ngoài cũng đổi khác, chi tiêu có xu hướng tiết kiệm hơn.

Tâm lý của cha mẹ có thể sẽ rất nhớ cảm giác lúc còn son rỗi, không bị lệ thuộc, có thể tự do đi làm kiếm tiền, cảm thấy bản thân có ích, được cống hiến và đạt thành tích trong công việc.

Những xáo trộn trong đời sống khi đứa con ra đời rất dễ ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng, khi cả hai ít có thời gian để trò chuyện với nhau, gắn kết hoặc thấu hiểu mong muốn của nhau. Sự mệt mỏi do có nhiều việc phải làm hơn khiến cả hai dễ căng thẳng và mất bình tĩnh hơn.

Một nghiên cứu ở Úc cho thấy có đến 1/4 các cặp đôi li hôn do không thể giao tiếp tốt với nhau.
Nhiều khi những thay đổi trong cuộc sống đến nhanh quá, và cặp đôi không được chuẩn bị cho sự thay đổi đó, nên họ không dễ dàng để nói ra những mong muốn của mình, cũng không thể dễ dàng ứng phó với sự thay đổi.
Tiến sĩ Cường Lã
Người làm cha mẹ thường chịu những áp lực nào từ gia đình và xã hội?

Trở thành cha mẹ sẽ kéo theo một loạt những mong đợi mới đến từ cộng đồng, văn hóa và từ gia đình về quan niệm thế nào là một người mẹ tốt và một người cha tốt. Những điều này có thể đến từ cộng đồng, văn hóa, đức tin cũng như cách mỗi người lớn lên và được dạy dỗ trong gia đình.

Chẳng hạn như có quan niệm cho rằng một người mẹ tốt phải là người chăm sóc chính cho con, nấu ăn cho chồng con, quán xuyến chu đáo mọi việc trong nhà, biết ‘đối nội, đối ngoại’... còn người cha tốt chỉ cần biết kiếm tiền cho gia đình và giúp đỡ vợ khi cần thiết.

Những kỳ vọng từ cộng đồng, gia đình và văn hóa về việc nuôi dạy con cái thường đè nặng lên người mẹ hơn là người cha. Chẳng hạn như mọi người thường khen ngợi khi thấy một người cha đưa con đi chơi, thay tã cho con... và ít ai khen ngợi việc một người mẹ chăm sóc cho con, vì họ cho rằng đó là chuyện đương nhiên.

Vì sao những người cha ở Úc ít dành thời gian chăm sóc con?

Các nghiên cứu của Viện nghiên cứu về gia đình của Úc chỉ ra rằng, vào các ngày trong tuần, trong khoảng 9 giờ mà con thức, các bà mẹ dành khoảng sáu giờ ở một mình với con, trong khi các ông bố chỉ dành khoảng 30 phút. Và vào cuối tuần thì người cha dành thêm được 12 phút cho con. Điều này không thay đổi ngay cả khi em bé lớn lên trong những năm tiếp theo.

Đối với công việc nhà, nghiên cứu của Nha Thống kê Úc cho thấy đàn ông dành khoảng tám giờ một tuần để làm việc nhà, dù có con hay chưa thì điều này vẫn không thay đổi. Trong khi đó, phụ nữ vừa đi làm vừa dành khoảng 14 giờ/tuần để làm việc nhà, và con số này tăng lên 26 giờ/tuần khi có đứa con thứ hai.

Các nghiên cứu được thực hiện rộng rãi trên mọi sắc dân ở Úc. Không phải gia đình nào cũng xảy ra tình trạng nêu trên, nhưng dữ liệu này là khởi đầu tốt để nói về cách chia sẻ việc nhà.
pexels-j-carter-254054.jpg
Có nhiều lý do khiến các ông bố ở Úc ít dành thời gian cho con nhỏ. Source: Pexels
Nhưng vì sao các ông dành ít thời gian chăm sóc con?

Có thể là do họ phải dành nhiều giờ làm việc để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình, nhất là khi vợ nghỉ ở nhà chăm con.

Một lý do khác là niềm tin cho rằng việc trong nhà là việc của phụ nữ, nên khi người chồng làm thì bị xem là “đàn ông mặc váy”. Nhưng theo tiến sĩ Cường Lã, quan niệm cho rằng ‘chăm sóc con cái và làm bếp là việc của đàn bà’ là suy nghĩ bị mắc kẹt ở giữa thế kỷ 20, tức là suy nghĩ đã lỗi thời, cần phải thay đổi cho phù hợp với thời đại ngày nay.

Bên cạnh đó, đôi khi người chồng không đủ tự tin để chăm sóc con vì thiếu kỹ năng hoặc bị chê là làm không tốt.
Bây giờ là lúc để suy nghĩ và trao đổi về cách bạn chia sẻ gánh nặng của nhiệm vụ và trách nhiệm trong gia đình mình. Ai sẽ chịu trách nhiệm về những gì? Trao đổi thẳng thắn giữa vợ và chồng về những vấn đề này sẽ giúp duy trì và củng cố các mối quan hệ của bạn.
Tiến sĩ Cường Lã
a cuong.jpg
'Trao đổi thẳng thắn giữa vợ và chồng về trách nhiệm trong gia đình sẽ giúp duy trì và củng cố mối quan hệ' - Tiến sĩ Cường Lã - hình chụp tại hội chợ Tết St Albans 2023.
Thế nào là một mối quan hệ lành mạnh và bình đẳng trong hôn nhân?

Điều đầu tiên tạo nên một mối quan hệ tốt đẹp là sự tôn trọng nhau, một điều thiết yếu để bên nhau lâu dài.

Điều thứ hai là cùng nhau chia sẻ tâm tư, tình cảm lẫn công việc, trách nhiệm trong gia đình.

Các cặp đôi cũng cần phải bảo đảm sự trung thực với nhau. Và khi có sự trung thực thì hai bên mới có thể tin tưởng nhau trong mối quan hệ.

Một điều quan trọng nữa là vợ chồng phải luôn giữ sự thân mật với nhau, giao tiếp tốt với nhau. Và cả hai cần có cảm giác an tâm, an toàn khi ở bên nhau.

Mời quý vị vào phần Audio để nghe toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Cường Lã trong chương trình Mái ấm gia đình.

Đôi dòng về khách mời

Cường Lã là Tiến sĩ về Sức khỏe Cộng đồng, anh hiện đang làm Cố vấn về Chính sách và Nghiên cứu tại Hiệp hội Sức khỏe Tâm linh Úc (Spiritual Health Association).

Podcast  trên Spotify chia sẻ những góc nhìn, chiêm nghiệm cá nhân về đời sống hằng ngày dựa trên những trải nghiệm phong phú của anh.

Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 
Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ 
hay 

Share