Mái ấm gia đình: Mẹ mà đánh con thì con sẽ gọi 'police'

pexels-gustavo-fring-4173335.jpg

Đánh con có phải là giải pháp giáo dục hiệu quả? Credit: Pexels

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nhiều cha mẹ Việt chia sẻ khi con đã lớn, sống trong xã hội Úc, biết và hiểu quyền của mình, thường đối đáp khi cha mẹ dạy dỗ bằng đòn roi là “con gọi police bắt cha mẹ”. Úc xử lý như thế nào khi con cái bị cha mẹ đánh đập? Nếu con tiết lộ việc bị cha mẹ đánh ở nhà với thầy cô trong trường, việc này sẽ ra sao?


Tiết mục Mái ấm gia đình tuần này mời quý vị đến với tâm sự của một thính giả giấu tên, liên quan đến việc "đánh và nạt nộ con cái".

“Em cảm giác như mình lúc nào cũng trong trạng thái chực chờ đánh, la hét con. Cứ con làm gì không vừa ý một chút là em thấy nổi nóng, chỉ muốn la hét cho hả giận. Em rất hay đánh con, có lúc tức giận quá em tát vào mặt con và tét vào mông con liên tục. Còn la hét con thì xảy ra như cơm bữa.

Em hiểu làm vậy là không tốt. Nhưng cứ cơn giận dữ đến là lại lôi con ra đánh và nạt nộ, xong lại khóc và tự trách mình.

Em cảm thấy áp lực trong cuộc sống gia đình, tình cảm vợ chồng không ổn, một mình em chăm sóc hai con, đứa nhỏ mới 3 tuổi, còn thằng con trai thì 6 tuổi. Chồng thì ham chơi không phụ giúp vợ. Nhiều lúc em rất muốn bỏ đi đâu đó luôn, nhưng còn con nên không biết làm sao.

Em đi GP thì họ giới thiệu đi gặp bác sĩ tâm lý. Nhưng em rất sợ kể ra chuyện mình đánh con, lỡ dính líu tới pháp luật họ sẽ tách mẹ con em ra, nên em không dám nói thật với họ là em rất hay đánh con.
Con em thì vừa thương vừa sợ mẹ. Dù em đánh nó, nhưng nó lúc nào cũng bám lấy mẹ. Có điều thằng con trai lớn của em nó rất bướng, không chịu nghe lời em và quậy phá, đồ đạc trong nhà cái gì cũng mang ra quậy hết, nên nhiều khi em không kiềm chế được.

Giờ nó đi học rồi, lâu lâu ngồi chơi một mình nói vu vơ là mẹ đánh con, con báo police làm em rất sợ, lỡ nó có nói với ai trong trường thì không biết có làm sao không?”

pexels-cottonbro-6970506.jpg
Cha mẹ có thể vô tình phản ứng dựa trên trải nghiệm thời thơ ấu của chính họ về việc bị kỷ luật hay trách phạt. Credit: Pexels
Chuyên gia tham vấn gia đình Cẩm Văn từ Catholic Care tại Footscray, Melbourne đưa ra các lời khuyên.

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe phần trò chuyện.

Khi trẻ con không nghe lời, thay vì kiên nhẫn dùng lời lẽ để phân tích cho con hiểu điều gì đúng điều gì sai thì có nhiều phụ huynh thường ra tay đánh con.

Nhưng sau những lần động tay đó là nỗi ân hận. Trên thực tế, càng đánh trẻ con chúng càng không nghe lời.

Nếu lỡ đánh trẻ, cha mẹ có thể thẳng thắn thừa nhận hành vi không phù hợp của mình với con. Sau đó, cùng con thảo luận về cách ứng xử phù hợp trong gia đình.

Đánh con không bao giờ là một hình thức kỷ luật được khuyến khích. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục này vẫn xảy ra, đặc biệt là trong hoàn cảnh căng thẳng.

Đôi khi, sự căng thẳng của cha mẹ có thể dẫn đến các phương pháp kỷ luật ngoài ý muốn. Đó có thể là một cái tát nhẹ vào tay trẻ sau cơn giận dữ, một cái tét vào mông con. Đó có thể là lời mắng hoặc la hét với con trong thời điểm thất vọng và căng thẳng.

Việc bị đánh có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt là đối với chức năng điều hành, kỹ năng nhận thức, bao gồm trí nhớ, tư duy linh hoạt và tự chủ.
LISTEN TO
Parenthood (Episode 10) Teaching a Preschooler to Stop Hitting or Being hit image

Nuôi con ở Úc (10) Dạy con cách ứng xử khi bị bạn đánh ở trường

SBS Vietnamese

09/05/201921:11
Nghiên cứu cho thấy "Bộ não của trẻ nói, hãy chạy trốn khỏi những điều có thể làm chúng tổn thương. Song, não của trẻ cũng nói rằng, chúng phải tiến về phía người chăm sóc mình".

Nói cách khác, khi đánh con, cha mẹ đang dạy chúng tiếp tục tìm kiếm tình yêu thương từ những người đã làm trẻ tổn thương. Đó là điều không cha mẹ nào mong muốn.

Bên cạnh đó, việc hiểu điều gì đang kích hoạt phản ứng của bản thân cũng vô cùng quan trọng. Khi tức giận, cha mẹ có thể vô tình phản ứng dựa trên kinh nghiệm thời thơ ấu của chính họ về kỷ luật. Ví dụ, khi phụ huynh đánh con, điều đó thường xuất phát từ chấn thương và nỗi sợ hãi của chính họ.

Nếu sợ mình làm tổn thương con, cha mẹ cũng có thể tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc các cố vấn nuôi dạy trẻ. Theo các chuyên gia, việc cha mẹ thừa nhận hành vi không phù hợp có thể là bước đầu tiên để chấm dứt hình thức bạo lực trong gia đình.

Việc giáo dục con bằng đòn roi làm cho bé cảm thấy bất ổn bên trong, và điều này sẽ được thể hiện bằng các hành vi bên ngoài. Con càng làm sai sai, càng bị nhiều đòn roi và càng nhìn nhận bản thân mình là một người không đủ tốt. Vòng tròn luẩn quẩn này cứ thế lặp đi lặp lại.

Share