Một năm nhiều thay đổi của chính sách di trú Úc

Supporters wait for a judgment in September on whether a Tamil family from Biloela will be deported to Sri Lanka

Supporters wait for a judgment in September on whether a Tamil family from Biloela will be deported to Sri Lanka Source: AAP

Năm 2019 đánh dấu một năm có những thay đổi trong chính sách di trú Úc, từ các đạo luật gây tranh cãi cho đến những loại visa mới.


Có nhiều điều để nói về các vấn đề di trú trong năm 2019, nhưng có lẽ nổi bật hơn hết là đạo luật có tên gọi ‘medevac’.

Đạo luật di tản y tế ‘medevac’ được thông qua hồi tháng Hai.

Đạo luật này trao cho bác sĩ thêm quyền quyết định liệu các bệnh nhân là người tỵ nạn trên đảo Manus và Nauru có thể đến Úc để được chữa trị hay không.   

Thủ tướng Scott Morrison nói đạo luật này tuy được thông qua nhưng đi ngược lại ý muốn của chính phủ, đạo luật này có thể khiến an ninh biên giới bị suy yếu và thúc đẩy người ta lên thuyền vượt biên tới Úc nhiều hơn.

Còn những nhà vận động vì người tỵ nạn nói đạo luật này đã cứu mạng nhiều người, và trong thời gian đạo luật có hiệu lực, không có cái chết nào ghi nhận tại những trại giam người tầm trú của Úc ở ngoại quốc.

Đạo luật này từng giúp đưa được 135 người vào đất liền chữa bệnh, nhưng đến tháng Mười Hai nó đã bị hủy bỏ chỉ bởi một lá phiếu chênh lệch.  

Kết quả này xảy ra sau khi chính phủ vận động Thượng nghị sĩ Độc lập tại Tasmania, bà Jacqui Lambie đứng cùng phe với mình trong cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Thượng Viện.

Thượng nghị sĩ Lambie không giải thích tại sao bà bỏ phiếu để hủy bỏ luật "medevac", nhưng bà nhắc nhở về những lời buộc tội cho rằng đã có cái gọi là “sự thương lượng bí mật” giữa Lao Động và đảng Xanh. 

Một câu chuyện di trú khác cũng thu hút sự chú ý của dư luận trong năm 2019 là một gia đình tầm trú người Tamil.

Ông bà Nades, Priya và hai con gái nhỏ sinh ở Úc, đã đấu tranh để chống lại lệnh trục xuất về lại Sri Lanka kể từ tháng Ba năm 2018, khi họ bị đưa đi khỏi ngôi nhà tại vùng quê Biloela thuộc Queensland, để đến sống trong trại tạm giữ người tầm trú ở Melbourne.

Câu chuyện xảy ra khi visa của bà Priya hết hạn.

Chính phủ nỗ lực trục xuất gia đình này từ tháng Tám, sau khi hồ sơ xin tỵ nạn của ba thành viên lớn nhất trong gia đình Tamil bị từ chối. Tuy nhiên tòa án liên bang đã đưa ra một lệnh trì hoãn trục xuất vào phút cuối, khiến chiếc phi cơ đưa gia đình về Sri Lanka đã cất cánh phải hạ cánh tại Darwin.

Lệnh trì hoãn trục xuất được ban ra bởi vì đứa con gái nhỏ nhất, mới hai tuổi của họ tên là Tharunicca chưa từng đặt dưới sự cứu xét một loại visa bảo vệ nào.

Việc cứu xét hồ sơ của gia đình này vẫn đang tiếp tục xảy ra.

Gia đình Tamil hiện đang ở trong trại tạm giữ người tầm trú ở đảo Christmas. Trại này mới mở cửa trở lại khi luật ‘medevac’ được thông qua hồi tháng Hai.

Gia đình Tamil là những người duy nhất ở trong trại tạm giữ này.

Cuộc điều tra của Thượng Viện hồi cuối tháng Mười tiết lộ việc trung tâm giam giữ ở đảo Christmas mở cửa lại đã tốn tới 27 triệu Úc kim tiền thuế của người dân.  

Thủ tướng Scott Morrison đã đến Christmas Island để tham dự lần mở cửa này của trại giam giữ người tầm trú. 

Chính phủ cũng đã bỏ ra nhiều thời giờ trong năm 2019 để khuyến khích di dân đến với các vùng quê làm việc, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho các thị trấn xa xôi và hy vọng giảm bớt số lượng dân ở thành phố lớn.

Hai loại visa việc làm mới đã được tung ra, yêu cầu di dân có tay nghề đến sống và làm việc tại miền quê trong ba năm thì mới có thể nộp đơn xin thường trú.

Đó là hai loại visa làm việc miền quê có chủ nhân đỡ đầu và visa làm việc tạm thời. Các loại visa này cấp cho những di dân có tay nghề đang được chính phủ tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ đề cử, hoặc được một thành viên trong gia đình thích hợp bảo lãnh đến sống và làm việc tại miền quê của Úc.

Tất cả các thành phố tại Úc – ngoại trừ Sydney, Melbourne và Brisbane – đều được xét là “vùng quê”, dựa theo mục đích của visa này.

Một trung tâm tư vấn về giảm dân số tại các thành phố lớn vừa mở cửa hồi tháng 10.

Trung tâm về Dân số, được thành lập thuộc Bộ Ngân khố liên bang với 20 nhân viên. Trung tâm này có mục tiêu điều phối hành động giữa giới chức tiểu bang, vùng lãnh thổ, các chuyên gia và các nhà phân tích.

Số lượng di dân trở thành thường trú nhân trong năm 2019 đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập niên.  

Chỉ có 160,000 visa thường trú nhân được cấp trong năm tài chánh 2018 – 2019, ít hơn số lượng tối đa mỗi năm 30 ngàn người.  Trước đây mỗi năm chính phủ cấp tối đa 190,000 visa thường trú.

Trong bốn năm tới chính phủ dự định sẽ chỉ cấp tối đa 160,000 visa thường trú mỗi năm mà thôi.

Dân số Úc hiện nay đang ở khoảng 25.5 triệu người, dự đoán sẽ tăng lên 40 triệu trước năm 2049.

Trong khi đó tại quốc hội liên bang những ngày cuối năm, Tổng trưởng Di trú David Coleman tạm thời không đảm nhận vai trò của mình tại hàng ghế trước tại quốc hội.

Thủ tướng Morrison nói ông Coleman đã yêu cầu và đã được phê chuẩn nghỉ phép dài hạn vì lý do cá nhân. Ông Alan Tudge sẽ giữ vai trò quyền Tổng trưởng Di trú khi ông Coleman vắng mặt.


Share