Mỹ ghi nhận ngày càng có nhiều vụ tấn công thù hận nhắm vào người gốc Á Châu

Hong Lee, who was the victim of a hate attack in an LA restaurant

Hong Lee, who was the victim of a hate attack in an LA restaurant Source: AP

Tại Mỹ, số lượng phạm tội thù hận chống lại người gốc Châu Á và đảo Thái Bình Dương đang ngày càng gia tăng - và sự gia tăng này được đổ lỗi là do đại dịch COVID-19.


Số lượng tội phạm thù hận các nhóm thiểu số nói chung được nhà chức trách Hoa Kỳ ghi nhận đã giảm 7%.

Tuy nhiên tỉ lệ sụt giảm này đã góp phần che giấu một con số thống kê đáng lo ngại hơn, đó là các vụ tội phạm thù hận chống lại người gốc Châu Á và Đảo Thái Bình Dương đã tăng lên đáng kể.

Chỉ tính riêng tại thành phố New York, số tội ác hận thù với người gốc Á đã tăng lên tới 900%.

Cuối năm ngoái, Liên Hợp Quốc đã ban hành một phúc trình chi tiết về tình trạng mà họ cho là "đáng báo động" về các vụ bạo lực có động cơ sắc tộc và các vụ việc mang tính thù hận khác đối với người Mỹ gốc Á.

Nhà hoạt động dân quyền Amanda Nguyen nói với đài PBS rằng chuyện này đang xảy ra một cách công khai, ngày nào cũng có, và thậm chí nhắm vào những người bình thường.

‘Đó là một cảm giác rằng chuyện này đã có từ lâu trong cộng đồng. Đó là một màn sương che phủ sự khủng bố, mà có thể nói rằng, mỗi khi bước ra khỏi cửa, thì họ không biết liệu họ có bị tấn công hay không và bị tấn công ở đâu. Nếu bạn nghe những câu chuyện của họ thì có thể thấy sự tấn công xảy ra ngay trong các cửa hàng tạp hóa, ngay trên lối đi bộ, nơi họ đang sống một cuộc sống bình thường như bao ngày.’

Còn cô Shelly Shen, sống tại thành phố Los Angeles, nói cô là một nạn nhân.

Cô nói nếu các vụ tấn công này không được chính quyền giải quyết thì sự sợ hãi sẽ ngày càng tang lên.

‘Tuy nhiên, khi sự căm ghét trực tiếp nhắm tới một cộng đồng hay một cá nhân như bản thân tôi, thì nó đã trở thành một đường dây khủng bố và quấy rối. Nếu cảnh sát và các cơ quan có liên quan không đáp trả tình hình này, thì những cộng đồng bị hại sẽ bị xé toạc thành từng mảnh.’

Sự gia tăng của tội phạm thù ghét người gốc Á gần như chắc chắn là có liên quan đến đại dịch coronavirus, lần đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó sức mạnh kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc cũng được cho là mối đe dọa tiềm tàng đối với nước Mỹ.

Cựu Tổng thống Donald Trump có thói quen gọi đại dịch COVID-19 là ‘virus Trung Quốc’, đặc biệt khi ông muốn lên tiếng chỉ trích những người cho rằng ông đang kích động chống châu Á và khiến chuyện bài châu Á này trở thành hợp lẽ.

Khảo sát Pew mới nhất cho biết quan điểm tiêu cực về Trung Quốc tại Mỹ đang ở đỉnh cao nhất trong gần 20 năm qua.

Khắp nước Mỹ ghi nhận nhiều vụ việc người dân bị đe dọa và tấn công, cũng như bị bạo hành bằng các ngôn từ miệt thị. Thậm chí có người còn bị buộc tội họ chính là người gieo mầm dịch bệnh trong vùng.

Cô Helen Zia là một nhà vận động cho người Mỹ gốc Á và các quốc đảo Thái Bình Dương. Cô nói vấn đề xảy ra cũng như sự hiểu sai về tình hình thực tế là bắt nguồn từ sự thiếu kiến thức.

‘Nếu nó giống như phần não bị vô hiệu hóa trong đầu của chúng ta thì còn đỡ, nhưng không, nó chứa đầy rác. Đó là những thứ rác giống như hình vẽ hoạt họa về người Á Châu, hoặc tranh mô tả người gốc Á châu thì sẽ phải như thế nào, và nhiều bức biếm họa khác về hình ảnh họ là con người, hoặc không phải người, hoặc mang hình thú, người mang theo bệnh tật, kẻ thù xâm lược, vân vân. Toàn là những hình ảnh kiểu như vậy.’

Hong Lee đến từ Los Angeles, chính cô cũng là nạn nhân của một vụ tấn công trong một nhà hàng khi một người đàn ông hét lên những lời lẽ miệt thị nói cô hãy quay lại châu Á đi.

Cảnh sát đã đến, nhưng sau đó họ nói với cô rằng không thể khép tội kẻ tấn công được và họ không thể làm gì hơn, vì những chuyện kiểu này xảy ra liên tục.

Và kết quả là không có một hành động nào được thực hiện.

Hong Lee và chồng cô quyết định tung đoạn video cuộc đối đầu lên mạng - và nhanh chóng nhận được một triệu lượt xem.

Hai ngày sau, sở cảnh sát đã gọi điện thoại đến xin lỗi cô, và nói rằng nhân viên cảnh sát tại hiện trường đã hành động không đúng.

‘Sau đó, cảnh sát đã liên hệ với tôi để xin lỗi vì không giải quyết vụ việc, họ ghi nhận về sự tấn công thù hận này và sẽ đào tạo lại tất cả các sĩ quan tuần tra về cách giải quyết các hành vi tương tự. Sau đó, tôi bắt đầu cộng tác với chính quyền địa phương nhằm đưa ra các sáng kiến ​​chống lại sự thù hận. Đến nay, tôi cảm thấy vinh dự khi được giúp đỡ những nạn nhân khác của sự tấn công thù hận.’

Cô nói nếu mọi người nhìn thấy một tội ác tương tự, thì họ nên biết cách để có thể hành động một mình.

‘Nếu bạn là nhân chứng của một vụ tấn công thù hận, thì có nhiều cách để bạn giúp đỡ nạn nhân. Việc đầu tiên là bạn phải lên tiếng. Hãy nói với kẻ đang hành hung nạn nhân rằng chuyện họ làm là không tốt, và hỏi họ tại sao họ tấn công người đó. Thứ hai là sau khi sự việc kết thúc, hãy hỗ trợ tinh thần cho nạn nhân’.

Cô Hong Lee hiện là một thành viên thuộc chương trình ​​mang tên "LA Chống lại Sự thù hận", cô khuyến khích mọi người hãy gọi điện thoại đến số 211 nếu họ là nạn nhân hoặc chứng kiến ​​một sự việc thù hận.

Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Los Angeles, ông George Gascon nói bất kỳ vụ tấn công nhắm mục tiêu tới một cộng đồng nào sẽ không bao giờ được chấp nhận.

‘Thật không may, do đại dịch COVID, mà cộng đồng gốc Á và dân đảo Châu Á Thái Bình Dương một lần nữa trở thành mục tiêu của sự căm ghét. chúng tôi đã thấy sự căm ghét đó xảy ra tại bang của mình và khắp cả nước. Tôi ở đây để nói với bạn rằng tôi cam kết sát cánh cùng với bạn, và bảo đảm những kẻ có hành vi thù địch sẽ phải chịu trách nhiệm.’

Còn cô Amanda Nguyen nói công cụ mạnh mẽ nhất mà mọi người có chính là tiếng nói của họ.

Cô cho rằng sự phớt lờ trước một tội ác thù hận sẽ không làm cho nó biến mất.

‘Để có được sự yên ổn thật sự, thì mỗi người phải tự thắp sáng và soi lại những kinh nghiệm ẩn giấu trong góc tối nhất của cuộc đời mình. Để chúng ta có thể hàn gắn và trở thành một quốc gia, thì chúng ta phải học hỏi, và thừa nhận nước chúng ta đang ở đâu, sau đó cùng nhau hợp tác để có thể tiến tới một tương lai công bằng hơn’.


Share