Nhà thờ Bùi Chu và câu chuyện bảo tồn di sản

Bui Chu chuch

Source: Website Giao phan Bui Chu

Câu chuyện về nhà thờ Bùi Chu ở Nam Định, nên hạ giải hay trùng tu đang làm dấy lên câu hỏi về việc bảo vệ di sản tại Việt Nam.


Nếu không có gì thay đổi, chỉ còn hơn 1 tuần nữa, vào ngày 13/5, nhà thờ chính tòa Bùi Chu (xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) với tuổi đời 134 năm sẽ hạ giải.

Nó về giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của công trình kiến trúc này, GS.TS.KTS Hoàng Đạo kính, người đã có hơn 50 năm tham gia công tác tu bổ di tích tại Việt Nam, cũng là người tham gia cùng nhóm chuyên viên của Viện Bảo tồn di tích xây dựng hồ sơ ghi chép hiện trạng nhà thờ Bùi Chu nhận xét với SBS Việt Ngữ rằng, công trình này có giá trị đặc biệt về lịch sử, lịch sử của sự thâm nhập, phổ biến và định hình Công giáo ở Việt Nam nói chung và miền Bắc Việt Nam nói riêng trên nhiều phương diện.

Ông nói: “Về phương diện kiến trúc, đây là biểu hiện của sự hội nhập kiến trúc Thiên Chúa giáo phương Tây với kiến trúc truyền thống của người Việt. Sự độc đáo ở chỗ, nhà thờ Bùi Chu lồng ghép công năng cơ bản của nhà thờ Thiên Chúa giáo  vào khuôn khổ kiến trúc gỗ củangười Việt đặc trưng bởi hệ gian và hệ vì kèo”.     

Vậy nhưng, công trình kiến trúc này có nguy cơ sẽ bị hạ giải.

Theo thư ngỏ gửi đến giáo xứ Dốc Mơ ở Đồng Nai kêu gọi trợ giúp “đại tu” nhà thờ của Giám mục Giáo phận Bùi Chu, Thomas Vũ Đình Hiệu hôm 11/3,  lý do của việc này là trải qua hơn 130 năm chịu ảnh hưởng bởi khí hậu, thời tiết, công trình này bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công việc phụng tự, nguy hiểm cho giáo dân.

Tuy nhiên, một nhóm hơn 20 kiến trúc sư và các nhà bảo tồn di sản, có tên Save Heritage Vietnam sau khi khảo sát và đọc bản vẽ nhận thấy, công trình nhà thờ Bùi Chu không phải hạ giải trùng tu mà là đập bỏ đi di sản để xây dựng công trình mới với quy mô khác nhiều so với hiện trạng ban đầu.

Nhóm này hôm 1/5 đã gửi đơn đề nghị chính phủ Việt Nam cứu xét tạm dừng phá bỏ nhà thờ Bùi Chu. Nhóm cũng đã gửi thỉnh nguyện thư tới Đức giáo hoàng Francis để xin cứu nhà thờ Bùi Chu.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nhận xét sơ bộ là nhà thờ đã xuống cấp ở nhiều mặt như dột nát ở diện rộng; một số cấu kiện gỗ có thể đã hư hại qua thời gian; đặc biệt là những bức tường bao đã bị biến dạng do sụt lún. Tuy nhiên, do giá trị đặc biệt của nó, chúng ta nên trân trọng giá trị và cố gắng duy trì giữ lại những đặc điểm kiến trúc nghệ thuật cũng như những đặc điểm lịch sử văn hóa nổi trội của nhà thờ này.

Câu chuyện Nhà Thờ Bùi Chu làm dấy lên câu hỏi về việc bảo vệ di sản trước làn sóng phá hoại di sản không chỉ đối với nhà thờ và đình chùa cổ mà còn nhiều kiến trúc cổ khác...

Chẳng hạn, trước nhà thờ Bùi Chu, Dinh Thượng Thơ ở Sài Gòn, một công trình đã gần 160 tuổi nhưng cũng chưa được xếp hạng di tích và vì thế nên cũng có nguy cơ bị đập bỏ trong phương án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND của thành phố này. Công trình kiến trúc trên chỉ được cứu sau khi có nhiều ý kiến phản đối từ công luận.

Còn nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Thủ Thiêm của Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm gần 180 tuổi cũng từng có nguy cơ bị di dời nếu không nhận được sự lên tiếng kịp thời của công luận.

TS Nguyễn Thị Hậu,Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì cho rằng,  giá trị của công trình không phụ thuộc v ào việc nó có giấy chứng nhận hay không, và điều quan trọng là ứng xử với công trình như thế nào.

GS Hoàng Đạo Kính cũng cho rằng, di sản kiến trúc nhà thờ ở Việt Nam là thành phần rất đặc sắc, cần nghiên cứu, bảo tồn. Tuy nhiên, những công trình loại này vẫn ít được nghiên cứu.

Ông khuyến nghị rằng, cần việc tu bổ, chống xuống cấp để công trình tồn tại lâu dài là việc nên làm, cần phải làm và làm kịp thời.

Những sự kiện trên, cùng với sự kiện mới nhất là nhà thờ Bùi Chu cho thấy, việc xếp hạng di tích ở Việt Nam thực sự đang có vấn đề.

Việt Nam hiện có hơn 40,000 di tích, trong đó khoảng 3,300 di tích xếp hạng Quốc Gia và 13 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt. Việt Nam cũng có 25 di sản thế giới được UNESCO công nhận.

TS Nguyễn Thị Hậu cho biết là, trong câu chuyện bảo tồn di sản ở Việt Nam, vẫn có sự chồng chéo. Bà cũng nhấn mạnh quan điểm bảo tồn dựa trên cộng đồng. 

Còn nhà báo Mạnh Kim viết trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng:  “Việc "gìn giữ di sản văn hóa" đôi khi còn buồn cười ở chỗ người ta than thiếu tiền để duy tu nhưng người ta thừa tiền để tổ chức những lễ hội xúng xính xiêm y trong chương trình "đậm đặc không gian văn hóa dân gian" nào đó được tổ chức lòe loẹt và ồn ào với sự "có mặt quý giá" của các đồng chí lãnh đạo đảng-nhà nước đến để phát biểu suông về "nhiệm vụ và sứ mạng" bảo vệ di sản. Đó là chưa kể kiến thức và năng lực của "cán bộ" và "chuyên gia văn hóa." Mới đây, không ít người đã không thể nén giận khi nhìn thấy kiệt tác Vườn Xuân Trung-Nam-Bắc, được công nhận là "bảo vật quốc gia", đã loang lỗ tèm lem sau khi được "vệ sinh"! Ai chịu trách nhiệm đây? Làm sao có thể chữa lại được kiệt tác sơn mài này mà họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã bỏ công thực hiện suốt 20 năm ròng mới hoàn thành (1969-1989)!”.


Share