Nhiều người khuyết tật không có thiết bị bảo vệ cá nhân cần thiết trong đại dịch

People wearing full Personal Protective Equipment

People wearing full Personal Protective Equipment Source: AAP

Mặc dù trong kho dự trữ quốc gia vẫn còn hàng chục triệu chiếc khẩu trang, thế nhưng nhiều người khuyết tật ở Úc nói rằng họ rất khó tiếp cận các thiết bị bảo vệ cá nhân. Một cuộc khảo sát mới đây của một tổ chức vì người khuyết tật quốc gia cho thấy đa số người khuyết tật không có các thiết bị bảo vệ cá nhân cần thiết.


Trong sáu tuần qua, người Úc đã được yêu cầu “giãn cách xã hội”. Nhưng đối với cô Sam Petersen thì đó không phải là một lựa chọn.

“Thật trớ trêu khi chúng tôi là những người dễ bị nhiễm bệnh nhất mà lại không thể tự mình giữ khoảng cách vật lý. Tôi cần được hỗ trợ hàng ngày và về lâu dài thì không thể chỉ có một hoặc hai nhân viên hỗ trợ cho tôi.”

Cô Petersen đã trải qua ca phẫu thuật để điều trị chứng rối loạn vận động khi cô gần 30 tuổi, và cô đã bị đột quỵ trong khi đang gây mê. Hiện cô cần được nhân viên hỗ trợ suốt cả ngày để giúp đỡ cô trong hầu hết các hoạt động chăm sóc bản thân. Cô nói rằng tốt nhất là cô được trang bị một gói Thiết bị bảo vệ cá nhân để bảo đảm an toàn cho chính cô cũng như cho các nhân viên hỗ trợ, nhưng cô đã không đạt được nguyện vọng.
Tiến sĩ Di Winkler từ Tổ chức vận động cho người khuyết tật, Quỹ Summer Foundation, nói rằng không chỉ riêng cô Petersen rơi vào tình trạng như thế.

“Chúng tôi thấy rằng chỉ có 7% số người tham gia Chương trình bảo hiểm người khuyết tật toàn quốc - NDIS - có thể tiếp cận các thiết bị bảo vệ cá nhân mà họ cần. Nhiều người không biết lấy thiết bị ở đâu, họ lo ngại về chi phí và họ không chắc chắn về việc khi nào họ cần sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân, hay nhân viên hỗ trợ của họ nên sử dụng các thiết bị đó như thế nào.”
Một cuộc khảo sát quốc gia do Quỹ Summer Foundation thực hiện hồi tháng trước cho thấy ba phần tư (76%) số người được hỏi quan tâm đến việc lấy thiết bị ở đâu, gần một nửa (48%) số người được hỏi cho biết chi phí là một vấn đề, và khoảng 1/5 (19 %) số người được hỏi cho biết họ không chắc chắn cách sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân đúng cách.
Hướng dẫn của Chương trình bảo hiểm người khuyết tật toàn quốc cho thấy không có yêu cầu nhân viên hỗ trợ phải đeo khẩu trang phẫu thuật hoặc các thiết bị bảo vệ cá nhân khác, trừ khi khách hàng của họ nghi nhiễm hoặc được xác nhận nhiễm COVID-19.

Tuy nhiên Tiến sĩ Winkler nói rằng một số người không sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

"Một số người đang nói về việc hủy bỏ các hỗ trợ thiết yếu và cố gắng tự xoay sở mà không cần nhân viên hỗ trợ, bởi vì họ lo lắng về việc người khác vào nhà khi họ không thể tự cách ly như những người khác."

Quỹ Summer Foundation đã ra mắt một trang web dành cho người khuyết tật để họ có thể đặt hàng trực tuyến. Cuối tháng trước, chính phủ liên bang đã bảo đảm có 60 triệu khẩu trang và các thiết bị bảo vệ khác cho kho dự trữ quốc gia. Những người tham gia Chương trình bảo hiểm người khuyết tật toàn quốc có thể yêu cầu cung cấp thiết bị nếu như họ có thể chứng minh rằng họ có tiếp xúc với trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19, hoặc có thể chứng minh rằng họ không thể tiếp cận các nguồn thiết bị được bán trên thị trường.

Bộ Y tế cho biết trong tháng trước, 60 yêu cầu thiết bị bảo vệ cá nhân đã được phê duyệt. Quỹ Summer Foundation muốn Chương trình bảo hiểm người khuyết tật toàn quốc trợ cấp số tiền để mua thiết bị cá nhân trong một tuần cho tất cả những người tham gia, để bảo đảm an toàn cho họ, và để họ có thể tiếp tục cuộc sống sau đại dịch.

Cô Sam Petersen cho biết mặc dù các hạn chế đang được nới lỏng, nhưng người khuyết tật vẫn còn phải cách ly.

“Người khuyết tật sẽ cần phải tự bảo vệ mình sau khi các hạn chế được dỡ bỏ. Tôi cảm thấy rất buồn khi nghĩ đến việc thế giới sẽ trở lại bình thường mà không có chúng tôi.”

Và quý vị có thể cập nhật thông tin về coronavirus bằng ngôn ngữ của mình tại sbs.com.au/coronavirus
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share