Nhiều quốc gia chia rẽ vì coronavirus

French Prime Minister Jean Castex leaves a press conference in Paris

French Prime Minister Jean Castex leaves a press conference in Paris Source: AAP

Các quốc gia đang bị chia rẽ trước yêu cầu thắt chặt lại các biện pháp phong toả đối với người dân của họ, khi các trường hợp nhiễm coronavirus tiếp tục tăng cao trên khắp thế giới. Những hạn chế mới ở châu Âu đã bị chỉ trích bởi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, khi ông hứa sẽ không ủng hộ một cuộc phong toả nào nữa nếu ông tái đắc cử.


COVID-19 đã trở thành một chủ đề khẩu chiến cho các ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ là  Donald Trump và Joe Biden, vào những ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử Hoa Kỳ.

Các ứng cử viên đang thúc đẩy các chiến lược đối lập nhau để vượt qua đại dịch, khi vùng Trung Tây của đất nước đang chứng kiến ​​tình trạng ca nhiễm gia tăng và số ca nhập viện kỷ lục. 

Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã tuyên bố sẽ hành động ngay lập tức để giải quyết sự bùng phát, nếu ông thắng cử.

"Vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của tôi, tôi sẽ thực hiện một kế hoạch mà tôi đã nói trong nhiều tháng qua: đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, kiểm tra, truy vết. Một kế hoạch phân phối thuốc trị liệu và vắc xin đầy đủ, công bằng và miễn phí."

Tổng thống Trump, người có chiến dịch đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của virus, đã hứa sẽ phản đối các đợt phong toả kéo dài thêm. 

Ông Trump cho rằng đối thủ của mình sẽ áp đặt các hạn chế vô thời hạn.

“Dưới sự lãnh đạo của Biden, quý vị sẽ sống trong tình trạng như ngục tù. Họ muốn tiếp tục  phong toả cả nước .  Họ sẽ phong toả tất cả chúng ta vài năm và chờ cho virus biến mất. Và đó là cách làm  tồi tệ nhất."

"Châu Âu đã áp đặt các lệnh phong toả hà khắc và các ca nhiễm tăng và số người chết cũng tăng lên, nhưng hãy nghĩ lại xem, thật là khắc nghiệt quá. Bây giờ,bọn họ phải tái phong toả. Bọn họ  đang làm cái quái gì vậy? Tôi nghĩ chắc mình phải qua đó giải thích cho họ hiểu.”  

Việc này diễn ra khi châu Âu đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng thứ hai chứng kiến ​​các ca bệnh tăng lên mức cao kỷ lục, gấp đôi trong năm tuần với tổng số hơn 10 triệu ca dương tính.

Nước Anh đang chuẩn bị bước vào thời kỳ phong toả toàn quốc kéo dài một tháng kể từ thứ Năm (5/11) khi Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo các bệnh viện sắp bị quá tải.

Tuy nhiên, một bộ trưởng cấp cao của chính phủ đã không loại trừ việc kéo dài phong toà xa hơn ngày kết thúc dự kiến ​​là ngày 2 tháng 12.

Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove nói với Sky News rằng có quá nhiều điều không chắc chắn.

"Với loại virus ác tính này, và với khả năng di chuyển nhanh như vậy, sẽ thật ngu ngốc khi dự đoán một cách chắc chắn tuyệt đối điều gì sẽ xảy ra trong thời gian bốn tuần, khi mà tốc độ lây nhiễm của nó trong suốt hai tuần qua và mức độ ác tính của nó đã phát triển. Do đó, tất nhiên chúng tôi sẽ xem xét những gì cần phải làm nhưng chúng tôi có kế hoạch rõ ràng trong bốn tuần tới để hỗ trợ nền kinh tế và bảo vệ Dịch vụ Y tế Quốc gia NHS. " 

Tây Ban Nha đang bị hỗn loạn bởi tình trạng bất ổn trên diện rộng, sau khi nước này tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã kêu gọi mọi người bình tĩnh khi những người biểu tình phản đối lệnh giới nghiêm và hạn chế đi lại. 

Ở phía bắc thành phố Logroño, cảnh hỗn loạn diễn ra khi khoảng 150 người tấn công cảnh sát bằng đá, phóng hỏa và cướp phá cửa hàng.

Hàng trăm người ở Barcelona đã phản đối việc trục xuất vào giữa trận đại dịch, vốn đã bị dừng lại trong thời gian phong toả vào mùa xuân nhưng sau đó đã tiếp tục trở lại.

Các cuộc biểu tình cũng đang nổ ra ở Brazil chống lại một loại vắc-xin Trung Quốc có thể sớm trở thành bắt buộc.

Trong khi Tổng thống Jair Bolsonaro  ủng hộ một loại vắc-xin đang được phát triển bởi công ty đa quốc gia AstraZeneca, một số quan chức đang xem xét các lựa chọn khác. 

Các nhà nghiên cứu ở São Paulo đang thử nghiệm ứng cử viên vắc-xin Sinovac của Trung Quốc và thống đốc João Doria trước đó cho biết vắc-xin COVID-19 sẽ là bắt buộc trong khu vực sau khi được phê duyệt.

Hàng trăm cư dân São Paulo đang phản đối động thái này, được nhà tổ chức biểu tình Andre Petros mô tả là "độc đoán".

"Bây giờ ông ta muốn khai triển một loại vắc xin bắt buộc trái với ý muốn của chúng tôi. Điều này không tồn tại ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Ngay cả ở Trung Quốc, vắc-xin này cũng không bắt buộc đối với người dân. Giám đốc WHO đã tuyên bố rằng việc tiêm vắc-xin này cho toàn dân một cách độc đoán không có tác dụng. Điều này không thể xảy ra."

Tại Philippines, người dân lo ngại COVID-19 có thể lan nhanh hơn nữa, sau khi quốc gia này hứng chịu cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm. 

Siêu bão Goni đã buộc hàng trăm nghìn người Philippines phải chạy trốn đến các trung tâm sơ tán quá đông đúc.

Người sơ tán  Jaqueline Almocera cho biết cô lo lắng về điều kiện sống tạm thời.

"Chúng tôi sợ hãi, nỗi sợ hãi của chúng tôi tăng lên gấp bội. Mọi người ở đây hỗn tạp, không giống như khi bạn ở nhà, an toàn và không ra ngoài. Ở đây bạn tiếp xúc với những người sơ tán khác và chúng tôi vẫn còn COVID hoành hành ở đất nước."

Philippines hiện đang đối phó với đợt bùng phát virus lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia.

Và quý vị có thể cập nhật tin tức coronavirus mới nhất bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share