Những tiêu chuẩn để có thể trở thành thiện nguyện viên cứu hỏa

A firefighter kicks at a log while helping to build a containment line at a fire near Bodalla, NSW

A firefighter kicks at a log while helping to build a containment line at a fire near Bodalla, NSW Source: AAP

Người dân khắp nước Úc đang nóng lòng ghi danh vào lực lượng lính cứu hỏa tình nguyện, con số đăng ký tham gia cứu hỏa đã lên đến mức kỷ lục, khi các trận cháy rừng vẫn tiếp tục hoành hành khắp cả nước. Tuy nhiên để trở thành một tình nguyện viên cứu hỏa, người nộp đơn phải hội đủ các điều kiện cần thiết.


Ở Úc, những tiêu chuẩn cần có khi tham gia dịch vụ cứu hỏa tình nguyện tại các tiểu bang đều tương tự nhau, chỉ có một chút khác biệt.

Tất cả tiểu bang và vùng lãnh thổ đều yêu cầu người muốn tham gia đội ngũ cứu hỏa phải trải qua cuộc kiểm tra về nhân cách, chẳng hạn như có tiền sử phạm tội lưu giữ trong hồ sơ cảnh sát hay không.  

Ở các tiểu bang của Úc chừng nào bạn đủ 18 tuổi thì mới có thể nộp đơn tham gia làm lính cứu hỏa, ngoại trừ Tasmania có thể nhận đơn của những thanh niên 17 tuổi. Tuy nhiên nếu nhỏ hơn 18 tuổi hoặc 17 tuổi đối với Tasmania, bạn vẫn có thể tham gia cứu hỏa nếu nộp thêm tờ bảo lãnh của gia đình, hoặc sau khi đăng ký một chương trình huấn luyện dành cho thiếu niên.

Về vấn đề quốc tịch, các tiểu bang cũng đòi hỏi khác nhau.

Chẳng hạn Dịch vụ Cảnh sát, Cứu hỏa và Cứu cấp ở Lãnh thổ Bắc Úc không yêu cầu tình nguyện viên phải là công dân Úc, nhưng dịch vụ cứu hỏa miền quê Victoria đòi hỏi bạn phải là công dân Úc thì mới được nộp đơn xin làm lính cứu hỏa.

Ông Peter O’Keefe, Phụ tá Giám đốc Dịch vụ cứu hỏa miền Tây Victoria nói:

“Chúng tôi nhận thiện nguyện viên từ khắp nơi: thanh niên trẻ tuổi, phụ nữ, người về hưu và cả những người thuộc các cộng đồng sắc tộc khác nhau. Hiện nay chúng tôi đang tìm hiểu những yêu cầu có thể mở ra cho những thiện nguyện viên không mang quốc tịch Úc. Chưa có chế độ cho những người này, nhưng chúng tôi trông đợi sẽ sớm có cho họ. Chúng tôi muốn bảo đảm những người lính cứu hỏa sẽ phản ánh được sự đa dạng của cộng đồng hôm nay”.

Bà Angela Burford, thuộc Dịch vụ Cứu hỏa Miền quê  New South Wales nói những thiện nguyện viên không trực tiếp cứu hỏa vẫn đóng vai trò quan trọng không kém.

 “Tôi không thể nói hết tầm quan trọng của những vị trí không trực tiếp cứu hỏa. Dù cho đó chỉ là những người nấu ăn cho lính cứu hỏa, thì vai trò của họ cũng rất quan trọng. Thông tin kết nối từ những người làm nhiệm vụ quản lý tai nạn, cho đến những người chăm sóc lính cứu hỏa ngay tại hiện trường cũng đều rất quan trọng, để có thể nhanh chóng thông báo đến cộng đồng. Chúng tôi hiện không có đủ người có thể lấp đầy những vị trí này.”

Bên cạnh đó việc huấn luyện dài hay ngắn tùy thuộc vào vị trí mà bạn muốn tham gia. Chẳng hạn với lính cứu hỏa trực tiếp chữa cháy, thì sự huấn luyện sẽ lâu dài hơn. Sau khi bạn được huấn luyện xong, thì tùy vào vai trò bạn sẽ đảm nhiệm, hoặc tùy vào từng sở cứu hỏa khác nhau, mà bạn sẽ có thời gian cam kết làm việc khác nhau.

Ông Peter O'Keefe thuộc Dịch vụ cứu hỏa miền Tây Victoria  nói:

“Nếu bạn gia nhập đội ngũ lính cứu hỏa, thì hằng năm bạn đều phải tham dự huấn luyện kỹ năng cứu hỏa. Bên cạnh đó, bạn sẽ thường xuyên được giao nhiệm vụ để có cơ hội thực hành, và nâng cao kỹ năng cứu hỏa của mình. Nếu bạn ở những vị trí khác, chẳng hạn như trong nhóm gây quỹ, huấn luyện cho cộng đồng hay bảo quản thiết bị, thì việc huấn luyện không quá nặng nề cũng như những đòi hỏi khi tai nạn xảy ra cũng không khó khăn lắm đâu”.

Bà Angela Burford nói Dịch vụ Cứu hỏa Miền quê NSW có một mô hình thiện nguyện viên rất “linh hoạt”.

“Khi bạn ghi danh vào lực lượng cứu hỏa, thì đây là một sự cam kết. Chúng  tôi mong muốn bạn sẽ cam kết tham gia trong một thời gian nhất định. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cũng có một mô hình “thiện nguyện viên linh hoạt”. Chúng tôi biết rằng cuộc sống bên ngoài của bạn cũng rất bận rộn. Nên khi bạn gia nhập đội ngũ, thì bạn cần phải chắc chắn rằng bạn sẽ tham gia đầy đủ ở giai đoạn đầu, khi huấn luyện kỹ năng căn bản. Sau khi bạn đã được huấn luyện và có đủ kỹ năng cần thiết, bạn có thể nói chuyện với giám đốc sở cứu hỏa địa phương hoặc đội trưởng đội cứu hỏa của bạn về khả năng và thời gian bạn cam kết tham gia”.

Khi các trận cháy rừng vẫn đang hoành hành, các tiểu bang và vùng lãnh thổ cho hay họ nhận được rất nhiều hồ sơ xin tham gia cứu hỏa tình nguyện.

Việc này đã dẫn tới sự chậm trễ khi xem xét hồ sơ xin vào cứu hỏa, quá trình xin vào lính cứu hỏa vì vậy đã bị kéo dài lâu hơn thường lệ. Bà Burford nói đó là trường hợp xảy ra ở New South Wales.

“Khi mùa cháy ở giai đoạn cao điểm, chẳng hạn như các vụ cháy đã xảy ra liên tục trong năm nay, chúng tôi thường bị chậm trễ khi giải quyết quá nhiều hồ sơ xin vào lực lượng cứu hỏa thiện nguyện. Có rất nhiều người nộp đơn làm thành viên đội ngũ cứu hỏa, và đa số các hồ sơ của họ đã được giải quyết, đó là một tin vui đối với chúng tôi. Nhưng bởi vì có quá nhiều hồ sơ, nên vẫn còn một số người phải chờ đợi”.    

Để tìm hiểu thêm về đội cứu hỏa tại địa phương và các yêu cầu cụ thể, bạn có thể liên lạc với các sở cứu hỏa tại tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ mình đang sống.

Share