Nổ bom Sri Lanka: 'Chính quyền không muốn làm cho giới lãnh đạo Hồi Giáo khó chịu'

Anusha Kumari, center, weeps during a mass burial for her husband, two children and three siblings, all victims of Easter Sunday's bomb attacks, in Negombo

Anusha Kumari, center, weeps during a mass burial for her husband, two children and three siblings, all victims of Easter Sunday's bomb attacks, in Negombo Source: AAP

Phe đối lập tố cáo chính quyền Sri Lanka không chịu hành động dù đã biết trước vì không muốn làm phật lòng giới lãnh đạo Hồi giáo. Những câu chuyện thương tâm tiếp tục xuất hiện trên mặt báo chí sau các vụ nổ bom hôm chủ nhật Phục Sinh làm cho ít nhất 359 người thiệt mạng.


Bà Anusha Kumari 43 tuổi trở thành góa phụ khi chồng, hai đứa con, hai đứa cháu và người em dâu bị thiệt mạng trong lúc dự lễ trong nhà thờ Saint Sebastian ở  Negombo.

"Tôi có một gia đình tuyệt vời, hai đứa con ngoan và người chồng tốt. Chúng tôi sống với nhau 24 năm rồi không có gì đáng than phiền. Hai đứa con của tôi rất ngoan và thông minh. Nhưng tôi đã mất tất cả."

"Tôi không còn hy vọng gì cho tương lai. Giá mà còn 1 đứa con may ra tôi có thể làm lại cuộc đời. Nhưng nay thì chỉ còn một mình tôi.”

Người ta phải vượt qua hàng rào an ninh để dự đám tang của thân nhân, trong khi máy bay không người lái của quân đội bay trên đầu.

Mục sư Niroshan Perera bản thân có 16 thân nhân bị thiệt mạng, vẫn làm lễ nhưng khuyên mọi người hãy nhanh chóng ra về khi xong lễ vì sợ lại bị tấn công.

"Tôi cảm thấy rất buồn. Tôi khuyên bạn bè đồng nghiệp hãy giữ vững niềm tin vào Chúa, đừng bỏ các buổi lễ, hãy tiếp tục cầu nguyện, mười mấy người bạn và thân nhân của tôi đã thiệt mạng. Tôi vẫn cảm thấy đau lòng ghê lắm."

Nhà chức trách Sri Lanka đã nhìn nhận họ được tin tình báo cho hay các cuộc tấn công là không tránh khỏi, nhưng đã không làm gì cả.

Dân biểu đối lập Keheliya Rambukwella, nói chính phủ không làm gì bởi vì không muốn làm phật lòng giới lãnh đạo Hồi Giáo.

"Rõ ràng là người ta biết các cuộc tấn công là không tránh khỏi, nhưng không hành động gì cả. Vì sao vậy, chúng ta không biết lý do, nhưng theo tôi là vì lý do chính trị. Họ không muốn làm cho giới lãnh đạo Hồi Giáo khó chịu để giữ phiếu, trong khi người dân phải trả giá."

Nay người ta biết nhiều hơn về 9 người Hồi giáo mang bom tự sát trong các vụ tấn công.

Nhà chức trách cho hay họ là những người có học, thuộc các gia đình khá giả, và trong nhóm có một phụ nữ.

Nhà chức trách Sri Lanka cũng cho hay một kẻ mang bom từng du học ở Úc.

Thứ trưởng Quốc phòng, Ruwan Wijewardene, nói chính phủ phải chịu trách nhiệm vì đã không làm gì hết để ngăn chặn các vụ nổ bom.

"Rõ ràng có chuyện lọt lưới tình báo và chính phủ phải chịu trách nhiệm bởi vì nếu chuyển đạt tin tình báo đó cho các cơ quan chức năng ít ra chúng ta đã có thể ngăn chặn, hoặc giảm thiểu thiệt hại."

Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena, cho biết ông đang muốn thay đổi một số lãnh đạo quốc phòng.

Trong số các nạn nhân đông nhất là những người đi lễ tại nhà thờ Saint Sebastian ở Negombo, phía bắc của thủ đô Colombo, và người Hồi giáo ở đó đang sợ bị trả thù.

Chủ tiệm kim hoàn Mohammad Ramzin nói ông đang rất lo lắng.  

"Đương nhiên là chúng tôi rất lo sợ vì ở đây có nhiều gia đình với con nhỏ. Chúng tôi vì vậy không dám cho chúng đến trường. Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra nên chúng tôi phải đóng cửa tiệm bốn hôm nay rồi."

Nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ này.

Trong một video có vẻ được ghi hình trước khi xảy ra các vụ tấn công chiếu hình những người bịt mặt thề trung thành với IS, và tuyên bố họ sẽ thực hiện những vụ tấn công.

Chính phủ Sri Lanka tin rằng những kẻ tấn công thuộc 2 tổ chức khủng bố địa phương có liên hệ với IS, và đã bắt giữ ít nhất 40 nghi phạm.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy có vẻ đây là để trả thù vụ thảm sát tại Christchurch, trong đó 50 tín đồ Hồi giáo bị bắn chết khi đang cầu nguyện tại hai thánh đường ở New Zealand.



Share